Đông đảo những người viết văn trẻ gồm nhiều dân tộc đến từ các vùng miền trong cả nước đã tề tựu về Thủ đô Hà Nội để tham dự cuộc gặp mặt văn học đầy ý nghĩa “Hội nghị đại biểu những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX”, khai mạc ngày 28-9, tại Bảo tàng Văn học, do Ban Nhà văn trẻ (Hội Nhà văn Việt Nam) tổ chức.
Văn chương là câu chuyện của tài năng
Thay mặt Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định: Hội nghị đại biểu những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX là hình ảnh thu nhỏ của một đội ngũ đông đảo những người viết văn trẻ đầy say mê và tự tin tham gia vào đời sống văn học trong những năm gần đây. Trong văn học không ai làm thay được cho ai, không ai thay thế được ai. Nhưng tập hợp, đoàn kết và cùng trao đổi nghề nghiệp luôn luôn là một việc rất cần thiết. Các nhà văn trẻ đã có những thành công bước đầu rất đáng khích lệ. Từ hôm qua trở về trước, các em sống và làm việc ở giai đoạn tự phát hiện ra chính bản thân mình. Từ hôm nay trở về sau, các em bước sang chặng đường mới, chặng đường bổ sung, làm đầy và vắt kiệt mình để có những tác phẩm xứng đáng với đất nước, với nhân dân, xứng đáng với thời đại của mình.
Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, văn chương là câu chuyện của tài năng. Các em viết về cuộc sống ngày hôm nay thật tự nhiên, rộng thoáng và thông thuộc. Sẽ là một diễm phúc nếu thế hệ sau giỏi giang hơn các bậc cha anh của mình. Tài năng thì thời nào và ở đâu cũng luôn luôn hiếm và quý. Tài năng là thiên bẩm, không thể ban phát, không thể vay mượn. Tài năng là sở hữu cá nhân, nhưng lại mang tính xã hội. Bởi ngay từ khi cầm bút, không một ai là không nghĩ đến việc muốn gửi một thông điệp nào đó đến người đọc. Tính chất xã hội của tài năng bắt đầu từ đó. Và nếu như tài năng thuộc về xã hội, thì chính là xã hội giao cho mỗi nhà văn tự quản lý, tự nuôi dưỡng để phát triển tài năng của mình.
Theo đánh giá của nhà văn Nguyễn Bình Phương, Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng ban nhà văn trẻ, 5 năm qua, nhiều người viết trẻ đã vượt lên trở thành những tên tuổi chững chạc và gặt hái được thành công. Ngoại trừ những tác giả đã trở thành Hội viên Hội nhà văn, còn lại có thể nhắc đến một số tác giả tiêu biểu: Văn Thành Lê, Cao Nguyệt Nguyên, Hồ Huy Sơn, Trần Sang, Lữ Thị Mai, Vũ Văn Song Toàn, Lê Vũ Trường Giang, Lý Hữu Lương, Đinh Phương, Nhụy Nguyên… Thời gian qua, cũng có thêm nhiều gương mặt mới xuất hiện, đang kiến tạo cho mình một lối đi riêng với rất nhiều triển vọng và kỳ vọng như: Đào Quốc Minh, Đỗ Nhật Phi, Kiều Mai Ly, Trác Diễm, Nghiêm Quốc Thanh, Lê Quang Trạng, Vĩnh Thông, Nguyễn Văn Toan, Kiều Duy Khánh...
Một đặc điểm sáng tác rất cần được nhắc tới, đó là thái độ nhập cuộc có ý thức trách nhiệm của người viết trẻ với vấn đề chính trị và xã hội. Cùng với các nhà văn cao tuổi, các nhà văn trẻ đã tham gia vào các lĩnh vực xã hội, có mặt ở Trường Sa, lên biên giới, lặn lội vào các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để chứng kiến, trải nghiệm và phản ánh hiện thực. Kết quả là một số lượng dồi dào các tác phẩm đã ra đời, được độc giả mọi tầng lớp đón nhận và có tác động không nhỏ tới đời sống tinh thần xã hội.
Nhà văn Lê Vũ Trường Giang (Thừa Thiên Huế) cho rằng: “Chúng ta là những người viết trẻ, có những người đã thành danh, có người lại đang chập chững vào nghề. Hãy tin rằng, cứ tiếp tục hình dung giấc mơ của bạn, tin tưởng vào nó, sống như thể nó đã là của bạn thì chẳng bao lâu sau, trước khi bạn nhận thức được, sự nghiệp sẽ xuất hiện ngay trước mắt bạn. Thái Khắc Lễ nói về “Nội lực tự sinh” và chúng tôi nghĩ rằng hãy đánh thức nó, mở ra cánh cửa mới cho văn học. Nội lực sáng tạo quyết định hành trình sáng tạo”.
Với số lượng lớn những tác phẩm được xuất bản, trong đó nhiều tác phẩm có tiếng vang, đoạt các giải thưởng quan trọng. 5 năm qua, các nhà văn trẻ đã góp cho văn đàn đương đại Việt Nam một bầu không khí sôi động, cởi mở và đa dạng.
Thể loại tiểu thuyết của các cây bút trẻ chưa thực sự gây được chú ý trên văn đàn
Đó là nhận xét của nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm tại hội nghị. Nhìn vào thực tế sáng tác của những cây bút trẻ, các tác phẩm chủ yếu thuộc thể loại thơ và truyện ngắn, tản văn. Thể loại tiểu thuyết của các cây bút trẻ chưa thực sự gây được chú ý trên văn đàn. Điều này cho thấy, các tác giả trẻ vẫn đang trên đường nỗ lực sáng tác để qua văn, thơ nói lên khát vọng sống và sáng tạo nghệ thuật của mình.
Người đọc bắt gặp những không gian xa lạ trong sáng tác của Hạnh Nguyên với tác phẩm “Những thiếu thời lơ lửng”. Có những tác giả trẻ quay về trầm tư trước lịch sử như Đinh Phương với “Chiều ký ức phủ gai”, “Chuyến trở về của cỏ”; Nguyễn Thị Kim Hoà với “Hương thôn dã”. Ngoài ra, còn có các tác giả sáng tác trên mạng như: Hồng Phương, Nguyễn Phong Việt… cũng đang tận dụng rất tốt môi trường mạng để tạo dựng giá trị riêng.
Nhà văn Đỗ Nhật Phi (Hà Nội) cho rằng, mỗi nhà văn là một mảnh ghép của bức tranh tinh thần xã hội. Và hãy để cho bức tranh ấy được đa màu “hữu xạ tự nhiên hương”, vạn sự không thể gượng ép được. Đỗ Nhật Phi mong muốn không ai trong số các nhà văn trẻ sẽ phải dừng bút vì bất kỳ một lý do nào.
Viết cho độc giả hay viết cho mình, đó là trăn trở của nhà văn Văn Thành Lê. Theo Văn Thành Lê thì viết trước hết cho bản thân rồi mới đến người đọc. Những trang viết phải đi ra từ ẩn ức của cá nhân chứ không phải viết thế này thì sách bán được bao nhiêu, viết thế kia sẽ bao nhiều người đọc. Đó mới là cái khó của văn chương và cũng là sự hấp dẫn của văn chương.
“Chủ đề của Hội nghị là: Nhà văn trẻ đồng hành cùng đất nước. Tôi nhớ nhà văn Nguyễn Minh Châu từng nói: “Hãy đi đến tận cùng của cái ta, ta sẽ gặp được nhân loại”. Vậy thì, với người viết, hay đi đến tận cùng bản thân mình, sẽ gặp quê hương đất nước ở đấy, giản dị vậy thôi”, nhà văn Văn Thành Lê nhấn mạnh.
Với kinh nghiệm của người viết văn, làm thơ thuộc thế hệ tiền bối, nhà thơ Hữu Thỉnh khuyên thế hệ trẻ: Các nhà văn lớp trước, trải qua hai cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc, để lại cho chúng ta bài học sâu sắc, có thể coi như một bí quyết thành công, đó là sự nhập cuộc và dấn thân hết mình vào sự nghiệp vĩ đại của nhân dân, đúng như nhà thơ Xuân Diệu đã nói "tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi". Do vậy đi vào đời sống là phương hướng và hành động sống còn của mỗi chúng ta. Ngay cả lý tưởng, khát vọng cũng cần được kiểm nghiệm, thử thách trong đời sống. Chuẩn bị về vốn sống, vốn văn hoá và với ngọn lửa khát vọng không bao giờ nguội lạnh, đó là bí quyết giúp cho một nhà văn có thể đi được lâu bền trên hành trình vô cùng nhọc nhằn của công việc sáng tạo.
“Hội nghị đại biểu những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX” sẽ bế mạc vào ngày 29-9. Mặc dù chỉ được gặp nhau trong thời gian ngắn ngủi và tham gia một số hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị như: Dạ hội thơ “Khúc hòa âm tháng chín”; tham quan Bảo tàng Văn học; giao lưu với độc giả…nhưng đã góp phần tạo động lực để các cây viết trẻ tiếp tục sáng tác nhiều tác phẩm, đưa con thuyền văn học nước nhà tiến xa hơn nữa.
Theo KHÁNH HUYỀN - QĐND