Văn nghệ trong nước
Thẩm định phim có quy về một mối?
08:09 | 29/05/2009
Xoá bỏ hạn ngạch nhập, quy định tỉ lệ phim Việt phát sóng trên truyền hình và thống nhất việc kiểm duyệt phim chiếu rạp và truyền hình là những vấn đề được các đại biểu Quốc hội bàn thảo nhiều nhất trong phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện ảnh ngày 28/5.
Thẩm định phim có quy về một mối?
Ít đài truyền hình đảm bảo được tỉ lệ 30% phim VN phát sóng trên truyền hình.

Xoá bỏ hạn ngạch nhập khẩu phim, làm gì để bảo hộ phim nội?

Về vấn đề xoá bỏ hạn ngạch nhập khẩu phim tại Điều 30, đại biểu Bùi Thị Lệ Phi - TP Cần Thơ cho rằng việc doanh nghiệp điện ảnh phải có rạp chiếu phim mới có quyền nhập khẩu phim sẽ gây khó cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất phim.

"Vì thực tế doanh nghiệp điện ảnh hiện nay có rạp rất ít, chúng ta không nên quan tâm nhiều đến vấn đề có rạp hay không có rạp, mà chúng ta nên quan tâm đến việc kiểm soát nội dung phim nhập khẩu mới là quan trọng. Tôi thống nhất với đề nghị của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng là bỏ từ "có rạp" mà phải tăng cường khâu thẩm định phim. Muốn vậy thì Hội đồng thẩm định phim phải hoạt động có hiệu quả".

Đại biểu Phan Trung Lý (Nghệ An) cũng tán thành việc xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu phim và không nhất thiết phải có rạp mới được nhập khẩu phim. Ông Lý cũng cho rằng tạo điều kiện cho điện ảnh nước nhà phát triển không có nghĩa là phải hy sinh quyền hưởng thụ của công chúng đối với văn hóa nói chung. Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn (Cà Mau) lại tỏ ra lo lắng về điều kiện nhập khẩu phim hiện nay. Ông Văn cho rằng, với 19 phim truyện nhựa sản xuất trong cả 2 năm 2007 - 2008 theo Báo cáo của Bộ VH-TT-DL, tức là bình quân chưa đến 10 phim mỗi năm trong khi chúng ta cho nhập hàng trăm phim nước ngoài chiếu ở rạp, chưa kể lượng phim lớn chiếu trên hàng trăm kênh truyền hình là hoàn toàn không công bằng.

"Nguy cơ điện ảnh Việt bị thua thiệt ngay trên sân nhà là chúng ta có thể thấy rõ. Do đó tôi hoàn toàn không đồng tình với ý kiến của một đại biểu phát biểu trước đây là cần phải bỏ yêu cầu phải có rạp mới được nhập phim của doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu phim ngoại. Tôi cho rằng ít ra đây cũng phải là một điều kiện cụ thể có thể sờ thấy được, vì đây có thể là một hàng rào kỹ thuật cần thiết bên cạnh các quy định khác mà dự thảo luật đã nêu".

Đại biểu Trần Văn cũng cho rằng dù phải thực hiện các cam kết đa phương trong khuôn khổ WTO, các quốc gia vẫn có quyền thực hiện các biện pháp để bảo vệ, xây dựng và phát triển nền điện ảnh dân tộc của mình, nhất là khi chúng ta coi đây là mặt trận văn hóa tư tưởng.

Mặc dù vậy đa số các ý kiến của các vị đại biểu quốc hội đều cho rằng việc dỡ bỏ hạn ngạch nhập khẩu phim là điều cần thiết.

Chỉ nên có một hội đồng duyệt phim
 
Vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất là việc kiểm duyệt phim. Hiện tượng nhiều bộ phim không được Hội đồng duyệt quốc gia của Bộ VH-TT-DL duyệt hoặc yêu cầu cắt một số cảnh không phù hợp nhưng vẫn được phát sóng đầy đủ trên truyền hình gây khó khăn trong vấn đề quản lý. Đại biểu Bùi Thị Lệ Phi cho rằng Chính phủ nên quy định rõ trách nhiệm cơ cấu của Hội đồng thẩm định phim và xây dựng tiêu chí đánh giá phim cho rõ ràng, cụ thể dựa trên tiêu chuẩn, tiêu chí chung thì Hội đồng thẩm định sẽ xét duyệt, tránh có sự nhìn nhận khác nhau giữa các Hội đồng thẩm định phim chiếu trên rạp, chiếu trên video hoặc chiếu trên truyền hình.

Đại biểu Ngô Thị Doãn Thanh (TP Hà Nội) cũng đồng tình với ý kiến trên: "Tôi đề nghị cần sửa lại Khoản 2, Điều 9 cho phù hợp với thực tế, Bộ VH-TT-DL chỉ duyệt phim chiếu tại các rạp và hệ thống video gia đình, các loại phim được chiếu trên truyền hình do người đứng đầu các cơ quan truyền hình ở trung ương và địa phương chịu trách nhiệm. Trong khi các đơn vị này lại là cơ quan báo chí thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Thông tin Truyền thông nhưng quy định trong Luật báo chí thì Bộ Thông tin Truyền thông quản lý về nội dung báo chí còn nội dung phim phát sóng thì Bộ này chưa được giao quyền quản lý. Tổng Giám đốc Đài truyền hình Trung ương và các giám đốc đài truyền hình các địa phương tự chịu trách nhiệm. Cần làm rõ trách nhiệm giữa Bộ VH-TT-DL và Bộ Thông tin Truyền thông với việc quản lý nội dung phim phát sóng trên truyền hình. Theo tôi nên quy định trách nhiệm này thuộc về một bộ để dễ quản lý".


Phim ngoại vẫn chiếm vị trí áp đảo ngoài rạp.
Ảnh: Hạnh Phương


Theo ý kiến của đại biểu Phạm Sơn Hà (Hậu Giang) thì nên giao luôn cho Bộ VH-TT-DL quản lý nội dung phát sóng trên truyền hình. Đại biểu Lê Văn Học (Lâm Đồng) thì đề nghị chỉ có Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL mới được ra quyết định thành lập Hội đồng duyệt phim nhà nước, hoặc gọi là Hội đồng duyệt phim quốc gia và cần quy định rõ số lượng, thành phần, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Hội đồng thẩm định phim nhà nước hoặc Hội đồng thẩm định phim quốc gia, bởi lẽ trong dự thảo luật chỉ giao Hội đồng thẩm định phim một chức năng tư vấn là không hợp lý vì Hội đồng là người trực tiếp xem phim, có nhận xét, đánh giá, duyệt xem phim có thể đem ra trình chiếu được không. 

Quản lý phim phát sóng trên truyền hình thế nào?
 
Liên quan đến vấn đề phim phát sóng trên truyền hình, nhiều đại biểu cùng đề xuất nên quan tâm đầy đủ hơn đối với phim phát sóng trên Đài truyền hình. Với hàng trăm kênh truyền hình, lượng phim phát sóng cực lớn, có kênh phát sóng 10 giờ phim một ngày đêm, có kênh phát 6 - 7 phim một ngày đêm. Như vậy chúng ta quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu Đài truyền hình khi phim phát sóng trên Đài truyền hình như thế nào? Trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ VH-TT-DL, Bộ Thông tin Truyền thông như thế nào? Đây là câu hỏi mà đại biểu TP.HCM Phạm Phương Thảo đặt ra trong phiên thảo luận tại Hội trường sáng 28/5.

Mặc dù vấn đề quản lý thống nhất về việc kiểm duyệt phim chiếu rạp và phim chiếu trên truyền hình được các đại biểu góp ý rất nhiều nhưng các kênh phim truyện nước ngoài chiếu phim có phụ đề tiếng Việt qua hệ thống truyền hình cáp lại ít được đề cập tới. Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) bức xúc: "Tôi xin nêu ba kênh: Cinemax, HBO và StarMovies luôn luôn chiếu phim có phụ đề tiếng Việt. Chúng ta có quản lý không? 100% là phim nước ngoài nhưng ta có quản lý không hay Luật điện ảnh chúng ta chỉ quản lý "cơm chấm cơm" thôi? Đề nghị phải nghiên cứu kỹ thêm một chút, bởi vì theo như tôi biết những phim ấy không có ai kiểm soát, kiểm duyệt, không có ông Giám đốc nào chịu trách nhiệm việc ấy cả. Vì bên kia người ta phát, người ta cho phép mình bắn phụ đề tiếng Việt vào, bây giờ bảo ông Giám đốc truyền hình cáp Hà Nội, TP.HCM hay Đài truyền hình Trung ương chịu trách nhiệm thì có chịu trách nhiệm về nội dung của phim ấy không?"

Nhiều đại biểu cũng đặc biệt quan tâm đến tỷ lệ phim chiếu ở một số đài truyền hình chưa đảm bảo thời lượng phát sóng phim Việt Nam 30% như quy định hiện hành của Chính phủ mà dành nhiều thời lượng cho phim nước ngoài. "Tôi đề nghị cần đưa tỷ lệ bắt buộc chiếu phim Việt Nam là 30% vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện ảnh", đại biểu Ngô Thị Doãn Thanh (Hà Nội) kiến nghị.

Cùng quan điểm với bà Doãn Thanh, đại biểu TP.HCM Phạm Phương Thảo còn cho rằng cần có bước đi thích hợp bởi quy định tỷ lệ phim Việt Nam phát sóng trên đài truyền hình giờ vàng 30% trở lên cũng có mặt hay là thúc đẩy khuyến khích sản xuất phim trong nước, nhưng cũng có mặt trái là các Đài truyền hình có lý do để chạy theo số lượng, chạy theo thành tích trong khi khả năng sản xuất không theo kịp.

Các ý kiến đóng góp về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện ảnh ngày 28/5 sẽ được Quốc hội tiếp thu và sẽ có bản tiếp thu báo cáo giải trình và chỉnh lý trước Quốc hội. 

                                                                                                         Theo VietNamNet

Các bài mới
Các bài đã đăng