"Biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong 30 năm chiến tranh giải phóng (1945 - 1975)" với bản tiếng Anh đi kèm, cung cấp nhiều tư liệu về một giai đoạn lịch sử của đất nước.
Sau năm 1975, có nhiều sách báo viết về biệt động Sài Gòn, trong đó có quyển Biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong 30 năm chiến tranh giải phóng (1945 – 1975) của ông Nguyễn Đức Hùng (bí danh Tư Chu).
Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ TP HCM vừa cho ra mắt tác phẩm này với phiên bản song ngữ Anh - Việt nhằm giúp sách đến với nhiều đối tượng bạn đọc hơn. Tác phẩm dày hơn 400 trang, đề cập đến nhiều vấn đề kỹ thuật về đánh biệt động, nêu ra sự khác biệt giữa biệt động và đặc công, các kinh nghiệm về xây dựng lực lượng và tổ chức chiến trường của biệt động...
Cuốn sách này đã ra mắt vài năm trước và thu hút sự chú ý của bạn đọc bởi tác giả là một trong những người từng nhiều năm giữ cương vị chỉ huy biệt động Sài Gòn - Gia Định. Những câu chuyện kể và tư liệu ông đưa vào sách được nhận xét là thiết thực, gần gũi với hoạt động thực tiễn về lịch sử biệt động mà ông là một nhân chứng.
Trong lịch sử chiến tranh thế giới, cách đánh biệt động không phải là điều chưa từng có. Nhưng ở Việt Nam, trong suốt 30 năm, từ năm 1945 đến năm 1975, cách đánh biệt động đô thị trở thành một chiến thuật đạt đến trình độ của nghệ thuật tác chiến. Theo đó, cách đánh này vận dụng tổng hợp các nhân tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa của chiến tranh nhân dân và góp phần hình thành chiến lược "hai chân ba mũi, giáp công ba vùng".
Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đức Hùng (1928 - 2012), quê ở huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Ông nguyên là Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu, kiêm chỉ huy các lực lượng Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định, Thành ủy viên dự khuyết - Ủy viên Quân khu ủy Sài Gòn - Gia Định. Ông được trao Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Nhất...
Theo Thất Sơn - vnexpress