Văn nghệ trong nước
Tác giả hình học siêu phi Ơclit GS Nguyễn Cảnh Toàn qua đời
09:14 | 11/02/2017

Ngành toán học Việt Nam vừa phải nhận một mất mát lớn: GS toán học Nguyễn Cảnh Toàn - “cha đẻ của hình học siêu phi Ơclit”, nguyên thứ trưởng Bộ Giáo dục (cũ), nguyên phó chủ tịch Hội Toán học Việt Nam - qua đời.

Tác giả hình học siêu phi Ơclit GS Nguyễn Cảnh Toàn qua đời
GS Nguyễn Cảnh Toàn - Ảnh gia đình cung cấp

GS Nguyễn Cảnh Toàn là một biểu tượng đặc biệt của tinh thần tự học. Cha ông là một nhà nho, nhưng chỉ dạy cho ông đến lớp ba, sau đó, ông được đưa ra trường ngoài để học tiếng Pháp.

GS Nguyễn Cảnh Toàn từng tâm sự: “Tôi sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, việc học hành luôn bị dở dang, đứt đoạn. Vì thế, tự học là điều hết sức cần thiết để tôi bù đắp những thiếu hụt của mình. Trong học tập, nếu thiếu chủ động, thầy ra bài nào làm bài ấy, sách có thế nào học thế ấy, hiệu quả sẽ không cao…".

Chia sẻ cùng Tuổi Trẻ, GS Đinh Quang Báo- nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng ngoài vị trí đặc biệt của một nhà toán học tên tuổi, GS Nguyễn Cảnh Toàn còn có những đóng góp to lớn với sự nghiệp đào tạo giáo viên khi ông nhiều năm liền là hiệu trưởng Trường ĐH sư phạm Hà Nội, rồi thứ trưởng Bộ Giáo dục.

“GS Nguyễn Cảnh Toàn có những cách tiếp cận rất sáng tạo, tiên tiến về phương thức đào tạo giáo viên. GS luôn nhấn mạnh đào tạo phải gắn với nghiên cứu khoa học, trong nghiên cứu phải gắn nghiên cứu khoa học cơ bản với khoa học giáo dục. Điều này đã làm thay đổi một số nhận thức trước đây cho rằng đào tạo sư phạm chủ yếu chú trọng  đào tạo về nghiệp vụ sư phạm.

GS cũng nhấn mạnh trong đào tạo sư phạm, giáo viên phải được vừa học vừa làm, phải đặt giáo viên trong tư thế tác nghiệp thực tiễn, rất gần với mô hình đào tạo bác sĩ nội trú của trường ĐH Y.

Những tư tưởng đó của GS diễn ra trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế chưa sâu rộng nên trong giai đoạn đầu có nhiều ý kiến không ủng hộ ngay, nhưng ông vẫn kiên trì đeo đuổi. Ngày nay, tư tưởng đào tạo giáo viên vừa học vừa làm, đào tạo tại thực địa của GS chính là tư tưởng đào tạo giáo viên ở các nước tiên tiến”- GS Báo nhấn mạnh.

GS Nguyễn Cảnh Toàn cũng là người Việt Nam đầu tiên tự nghiên cứu sinh ở trong nước trong điều kiện chiến tranh thiếu thầy, thiếu sách vở, rồi sang Liên Xô bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học.

Bằng trải nghiệm thành công của bản thân, ông đã khởi xướng việc bồi dưỡng cán bộ giảng dạy theo hai cấp: cấp I và cấp II (tiền thân của trình độ đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ ngày nay) được bảo vệ trong nước. Tuy nhiên, dù đào tạo và bảo vệ luận án trong nước, nhưng ở giai đoạn đầu, luận án muốn được bảo vệ thì bắt buộc phải có một phản biện là nhà khoa học nước ngoài.

Với những đóng góp to lớn cho khoa học và giáo dục nước nhà, GS Nguyễn Cảnh Toàn đã được Đảng và Nhà nước tặng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương kháng chiến hạng Nhất và hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Nhất và hạng Ba, Huân chương Độc lập hạng Nhì…Trung tâm Tiểu sử quốc tế tặng ông Bằng danh dự Rạng rỡ để ghi nhận những thành tựu nổi bật của ông về toán học và giáo dục trong hơn nửa thế kỉ XX.

GS Nguyễn Cảnh Toàn sinh năm 1926 tại xã Đông Sơn (huyện Đô Lương,tỉnh Nghệ An)- một vùng quê có truyền thống hiếu học, có nhiều người đỗ đạt cao.

Năm 18 tuổi, ông đỗ tú tài toàn phần và thi đỗ vào trường ĐH khoa học ở Hà Nội để học chứng chỉ toán học đại cương. Năm 1946, Chính phủ ta mở lại các trường đại học, ông ra Hà Nội, thi lấy chứng chỉ toán học đại cương và đỗ đầu bảng. 

Năm1958 ,ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ toán học tại trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp (Liên Xô cũ). Năm 1963, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học về khoa học cơ bản làm ở trong nước và bảo vệ ở Liên Xô.

Năm 1966, tại hội nghị Toán học quốc tế họp ở Matxcơva, ông đã báo cáo phát minh mới nhất của mình gọi là “hình học siêu phi Ơclit”. 

Ông đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng như hiệu trưởng trường ĐHSP Hà Nội II, hiệu trưởng trường ĐHSP I mới ( là trường ĐHSP Hà Nội ngày nay), thứ trưởng Bộ Giáo dục (cũ).

Ông là một trong những người sáng lập ra Hội Toán học Việt Nam và giữ cương vị phó chủ tịch kiêm tổng thư kí của hội trong ba nhiệm kỳ (từ 1966 – 1981). Ông sáng lập ra Tạp chí Toán học và tuổi trẻ và là tổng biên tập tạp chí trong vòng hơn 40 năm (1964-2005).

GS Nguyễn Cảnh Toàn là tác giả, chủ biên, hiệu đính nhiều nhiều cuốn từ điển: Danh từ Toán học Nga – Việt, Danh từ Toán học Anh – Việt, từ điển thuật ngữ Toán học.

Ông là thành viên Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển bách khoa và là thành viên biên soạn.


Theo Ngọc Hà - TTO

Các bài mới
Các bài đã đăng