Vở diễn kinh điển trong thập niên 60 thế kỷ 20, với tên gọi “Quẫn,” của cố tác giả Lộng Chương, sẽ chính thức được giới thiệu đến khán giả Thủ đô từ ngày 18/2 trên sân khấu của Nhà hát Tuổi trẻ.
"Quẫn" là vở diễn sân khấu đầu tay mà nghệ sỹ ưu tú Trần Lực thực hiện với vai trò đạo diễn. Vở này vừa được công diễn tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2016, được giới chuyên môn đánh giá cao và giành được nhiều giải thưởng.
Vở diễn kinh điển này do các sinh viên năm cuối của Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội trình diễn. Chính điều này đã đem lại sinh khí mới, hiện đại, phù hợp hơn với thực tế cuộc sống ngày nay cho một vở diễn đã thành công vang dội từ nhiều năm về trước.
Ngày 14/2, tại Hà Nội, đại diện Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát sân khấu thể nghiệm của Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội đã chính thức ký kết dự án hợp tác trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật, đặc biệt là giới thiệu vở diễn “Quẫn” đến với khán giả Thủ đô.
Đạo diễn, nghệ sỹ Ưu tú Trần Lực cho hay anh chọn “Quẫn” làm vở đầu tay bởi chính anh cũng rất hâm mộ vở kịch này. Đạo diễn Trần Lực dựng “Quẫn” theo phương pháp ước lệ, biểu hiện - một phương pháp đậm chất dân tộc của sân khấu truyền thống Việt Nam chứ không theo phong cách hiện thực như các đạo diễn khác.
Với vở này, đạo diễn, nghệ sỹ ưu tú Trần Lực đã giành giải “Đạo diễn xuất sắc" trong khi hai diễn viên trẻ cũng giành được huy chương Bạc tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô diễn ra cuối năm 2016.
“Quẫn” là kịch bản nổi tiếng của cố tác giả Lộng Chương, đã được nghệ sỹ nhân dân Trần Hoạt dựng choc biểu diễn vào cuối năm 1960.
Vở “Quẫn” được diễn trong một thời gian dài, lên tới trên 2.000 buổi. Với sân khấu cách mạng hiện đại, khi nhắc đến Lộng Chương, giới chuyên môn không thể không nhắc đến “Quẫn” và khi nhắc tới kịch hài, người ta cũng không thể quên được “Quẫn.”
Bằng nhiều thủ pháp gây cười, tác giả Lộng Chương đã dựng lên các tính cách hài kịch nhiều vẻ trong một gia đình tư sản bán phong kiến Việt Nam vào thời kỳ quá độ của công cuộc cải tạo, xây dựng xã hội chủ nghĩa. Lộng Chương đã tìm được đúng đối tượng cho tiếng cười đả kích của mình.
“Quẫn” kể lại câu chuyện của một gia đoạn lịch sử của đất nước, về những phần tử tư sản không chịu cải tạo theo yêu cầu của chủ nghĩa xã hội.
Vợ chồng Đại Cát - nhân vật chính của kịch - tuy vào công tư hợp doanh nhưng lại tìm cách tẩu tán tài sản bằng cách giấu vàng trong hòm, sắm sửa đồ đạc, chia gia tài, cưới chồng cho con gái rất linh đình. Thậm chí, vợ chồng Đại Cát còn lo cả khoản ma chay cho bà mẹ già đang sống và vợ chồng y.
"Quẫn" vạch trần lối sống hai mặt, luôn tìm cách che đậy việc làm xấu xa bằng vỏ bọc mĩ miều, giả nhân giả nghĩa...
Trong năm 2017, Nhà hát Tuổi trẻ còn tiếp tục hợp tác với nhiều đơn vị khác để mang tới cho khán giả yêu sân khấu Thủ đô cơ hội thưởng thức nhiều tác phẩm nghệ thuật kinh điển khác, trong đó phải kể đến việc giới thiệu vở “Vòng Kavkaz” - một trong những vở kịch nổi tiếng nhất, gắn liền với tên tuổi kịch gia người Đức Bertolt Brecht.