Chiều 6-3, tại Tòa nhà Hội nhà báo Việt Nam (đường Dương Đình Nghệ, P. Yên Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội) đã khai mạc Triển lãm “ Một thế kỷ đề tài nữ- tác giả nữ” nhân kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8-3, 1977 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng và dịp khai mạc Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII.
Với gần 500 tư liệu, hiện vật trưng bày được nghiên cứu, sưu tầm trong quá trình xây dựng Bảo tàng báo chí Việt Nam, triển lãm đã tôn vinh những đóng góp to lớn của các thế hệ nhà báo nữ trong các giai đoạn lịch sử của đất nước, khẳng định vị thế, ảnh hưởng tích cực không thể thay thế của người phụ nữ nói chung, nhà báo nữ nói riêng trong gia đình, ngoài xã hội.
Triển lãm được chia làm 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn trước 1945, hiện vật chính là những bài viết rải rác trên những tờ báo tiếng Việt đầu tiên, hình ảnh bà Sương Nguyệt Anh, nữ tổng biên tập đầu tiên của nền báo chí Việt Nam khi được mời làm chủ bút của tờ báo đầu tiên về phụ nữ “Nữ giới chung”. Ở thời kỳ này, báo chí đã bắt đầu phản ánh những nỗ lực giải phóng chính mình của nữ giới với các đề tài cụ thể như nữ quyền, nữ học, nữ công, đồng thời các nhà báo nữ đã có những tiếng nói độc lập, mạnh mẽ trong truyền bá tư tưởng mới góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội và giải phóng dân tộc.
Giai đoạn 1945-1975 có các hiện vật trung tâm là các kỷ vật của các nhà báo chiến trường với hàng loạt gương mặt nhà báo nữ tiêu biểu với những đóng góp lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước.
Giai đoạn từ 1975 đến nay, các hiện vật trung tâm là chân dung một số nữ nhà báo trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và các đề tài lớn như nữ quyền, chân dung nữ trí thức, nữ doanh nhân, nữ chính khách tiêu biểu.
Ban tổ chức cho biết, đây là sự kiện quan trọng nằm trong chuỗi các sự kiện của Hội báo toàn quốc 2017, dự kiến sẽ diễn ra từ 17 đến 19-3 tại cùng địa điểm, với sự quy tụ của hơn 900 cơ quan báo chí, 280 tổ chức hội nhà báo trong cả nước.
Theo Bích Quyên - SGGPO