Chiều ngày 23/03, Khoa Lịch sử thuộc trường trường Đại học Khoa Học Huế đã tổ chức “Lễ kỷ niệm 60 năm xây dựng và phát triển” tại nhà hàng Đồng Khánh, thành phố Huế.
Tại buổi lễ, bộ môn Lịch sử Việt Nam thuộc Khoa Lịch sử vinh dự được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng cờ thi giành cho đơn vị có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ trong năm học 2015 -2016. Hai bộ môn Lịch sử Thế giới và Lịch sử Việt Nam và nhiều cá nhân được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen vì đã đạt thành tích xuất sắc trong quá trình xây dựng và phát triển Đại học Huế, Trường và Khoa.
Lãnh đạo Khoa trao bằng khen cho các tổ bộ môn có nhiều đóng góp |
Sau phát biểu chúc mừng của lãnh đạo nhà trường, không khí lắng đọng những lời tâm sự của giảng viên, sinh viên và cựu giảng viên, cựu sinh viên của Khoa trong suốt những năm tháng xây dựng và phát triển cũng như thưởng thức chương trình văn nghệ trong không khí thân tình, ấm áp của bao thế hệ nối tiếp nhau xây dựng truyền thống khoa Lịch sử.
PGS.TS Hoàng Văn Hiển, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Huế, nguyên cựu sinh viên khoa Lịch sử, phát biểu chúc mừng nhân dịp khoa Lịch sử kỷ niệm 60 năm thành lập |
Trước đó, trong sáng 23/3, đông đảo cựu sinh viên các khóa đã tập trung tại văn phòng khoa Lịch sử (khu nhà A, tầng 3) để gặp gỡ, ôn lại kỷ niệm cùng quý thầy cô sau bao nhiêu năm ra trường. Nhân dịp này, Khoa Lịch sử cũng đã ấn hành hai cuốn sách: "60 năm theo dòng Lịch Sử (1957-2017)" và "Tiếp cận lịch sử, văn hoa Việt Nam và Thế giới (tập 2)" đánh dấu chặng đường trưởng thành của khoa trong nghiên cứu khoa học.
|
Đón tiếp các cựu sinh viên về thăm lại khoa Lịch sử |
Trong 60 năm qua, Khoa Lịch Sử trường Đại học Khoa Học Huế là đơn vị đi đầu trong công tác đào tạo và nghiên cứu của trường Đại học Khoa Học Huế nói riêng và cả đại học Huế nói chung, là một địa chỉ gắn bó với nhiều thế hệ sinh viên miền Trung – Tây Nguyên và cả nước.
Ngày 1/3/1957 chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở Sài Gòn ra Sắc lệnh số 45-GD quy định thiết lập tại Huế một viện đại học và một số trường phụ thuộc, lấy tên là Viện Ðại học Huế. Trong năm học đầu tiên 1957 - 1958, Ban Văn khoa tuyển sinh lớp Dự bị Văn khoa, ngành Lịch sử nằm trong Ban Văn khoa đã ra đời từ đó.
Bìa cuốn sách "60 năm theo dòng Lịch Sử (1957-2017) |
Lúc thành lập, Khách sạn Morin ở số 2 đường Duy Tân (nay là Khách sạn Sài Gòn Morin ở ngã tư Hùng Vương - Lê Lợi), cạnh chân cầu Trường Tiền đã được chọn làm trụ sở cho 3 trường là Ðại học Khoa học, Ðại học Văn khoa và Ðại học Sư phạm. Ngành Lịch sử gắn bó với cơ sở Khách sạn Morin suốt nhiều thập kỷ sau đó. Sau giải phóng, ngày 23/4/1975, Uỷ ban Nhân dân Cách mạng tỉnh Thừa Thiên đã có quyết định thành lập Ban điều hành Viện Ðại học Huế. Ban phụ trách các trường thuộc Viện Ðại học Huế cũng được thành lập để ổn định nhà trường.
Ngày 27/10/1976, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Quyết định số 426/CP để thành lập Trường Ðại học Tổng hợp Huế trên cơ sở hợp nhất của hai trường Ðại học Khoa học và Ðại học Văn Khoa của Viện Ðại học Huế. Khoa Lịch sử cũng ra đời cùng với Quyết định này, đảm đương nhiệm vụ cùng với trường trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa bàn các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Năm 1980, khoa Lịch sử tách từ khoa Văn – Sử, trở thành khoa độc lập cho đến nay.
|
|
Bìa cuốn sách "Tiếp cận lịch sử, văn hoa Việt Nam và Thế giới" (tập 2) |
Hiện nay Khoa Lịch sử có đội ngũ cán bộ đông về số lượng, mạnh về chất lượng, gồm 24 giảng viên cơ hữu, 1 cán bộ phòng tư liệu và 1 văn thư phụ trách văn phòng khoa.
Về trình độ chuyên môn, đội ngũ giảng viên của Khoa gồm 6 Phó giáo sư, 2 tiến sĩ, 13 Thạc sĩ, 3 cử nhân, hiện tại có 7 cán bộ đang theo học chương trình Nghiên cứu sinh
Về tổ chức, khoa Lịch Sử gồm có 4 tổ bộ môn trực thuộc là: bộ môn Lịch sử Việt Nam, bộ môn Lịch sử Thế giới, bộ môn Nhân học - Khảo cổ - Văn hóa du lịch và bộ môn Đông phương học
Trong những năm qua, Khoa Lịch sử đã và đang đào tạo 40 khoá sinh viên chính quy, 21 khoá sinh viên tại chức ở trong và ngoài trường và 21 khóa Cao học, 10 khóa Nghiên cứu sinh.
Chất lượng các hệ đào tạo của Khoa Lịch sử được xã hội đánh giá cao. Điều đó được khẳng định qua sự hiện diện của hàng ngàn sinh viên, học viên của Khoa sau khi tốt nghiệp ở hầu khắp các lĩnh vực văn hóa, xã hội, chính trị, kinh tế... trong cả nước, trọng điểm là miền Trung - Tây Nguyên. Trong đó, nhiều người đang nắm giữ những cương vị chủ chốt tại các cơ quan như Tỉnh uỷ, UBND Tỉnh, MTTQ Tỉnh, Hội LHPN Tỉnh, Ban Dân vận, Đài Truyền hình, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Bảo tàng, Nhà xuất bản, các Viện và Trung tâm nghiên cứu của các tỉnh và các thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh).
Từ kinh nghiệm đào tạo, nghiên cứu khoa học sau 60 năm, Khoa Lịch sử tiếp tục củng cố và phát triển, hoàn thành tốt công tác giảng dạy, học tập với chất lượng cao. Trong các năm đến, Khoa sẽ hoàn thiện chương trình đào tạo và mở rộng nguồn thi tuyển vào hệ Nghiên cứu sinh ngành Nhân học; tiếp tục đổi mới, nâng cấp các cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học; Tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học trong toàn thể cán bộ và sinh viên; đặc biệt, việc hợp tác quốc tế cũng sẽ được đẩy mạnh theo chiều rộng lẫn chiều sâu, trong đó chú trọng hơn đến các đối tác của khu vực Đông Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Lào, Hoa Kỳ... Tăng cường các hợp tác trên lĩnh vực đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cán bộ và triển khai các dự án hỗ trợ phát triển cộng đồng... Đó là bản sắc và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của một khoa rường cột không chỉ của riêng trường Đại học Khoa Học Huế mà cả giáo dục Đại học Huế.
Các cựu sinh viên chụp ảnh lưu niệm cùng quý thầy cô khoa Lịch Sử |
|
|
|
|
Bài và ảnh: TRƯỜNG GIANG