Một thời gian dài, sách cũ dường như không có chỗ đứng trong lòng người trẻ. Người ta bán sách cũ cho ve chai chỉ với vài ngàn đồng một ký. Trong nhiều tiệm sách, sự hiện diện của sách cũ cũng rất mờ nhạt, họa chăng chỉ người lớn tuổi tìm mua. Thế nhưng vài năm trở lại đây, sách cũ lại được giới trẻ săn lùng, tìm kiếm khi họ phần nào hiểu được giá trị tri thức mà nó mang lại.
Ngược dòng về với sách cũ
Hình ảnh cô gái trẻ với cặp mắt kính cận miệt mài bên cuốn sách đã ố vàng nhuốm màu thời gian trong một tiệm sách cũ trên đường Tân Lập (nằm trong Làng đại học Thủ Đức) thực sự gây ấn tượng mạnh với chúng tôi. Đó là Trịnh Hoàng Mai Ngân (sinh viên ĐH KHXH-NV), cũng là nhân viên tiệm sách. Ngân cho biết cô xin làm thêm ở tiệm sách cũ không phải vì cần tiền trang trải sinh hoạt mà vì để được thỏa đam mê đọc sách cũ. “Ông nội là người đã truyền lửa tình yêu sách cũ cho tôi, hai ông cháu có thể ngồi đọc cả ngày bên tủ sách mà không chán. Ở sách cũ, tôi thích cách dịch của các dịch giả ngày xưa, rất khoáng đạt, lạ lẫm và giàu cảm xúc. Ngày ấy, sách cũ là đam mê duy nhất của tôi. Khi vào TPHCM, tìm thấy tiệm sách cũ này tôi như tìm thấy một phần tuổi thơ của mình”, Ngân tâm sự.
Trò chuyện về sách cũ, cô gái với tính cách trầm ấy đã thay đổi hẳn, Ngân say sưa nói về sách như thể đó là nguồn cảm hứng trong mọi chuyện. Ngân bảo, ở sách cũ cô không chỉ tìm được nguồn tri thức quý giá mà nó còn là sự gắn kết với người ông đã mất một cách đầy trân trọng.
Nếu như khoảng 5 năm trở về trước, sách cũ gần như chỉ nhận được sự quan tâm của những người lớn tuổi, người trẻ khi ấy bắt đầu chạy theo những cuốn văn học hiện đại, tiểu thuyết ngôn tình trong và ngoài nước của các tác giả trẻ hoặc sách điện tử thì từ đầu năm 2015 đến nay, các phiên chợ sách cũ bùng nổ ở các thành phố lớn, nhất là Hà Nội và TPHCM đã góp phần thay đổi diện mạo của thực trạng văn hóa đọc đang trong tình trạng “ngủ đông”.
Tại TPHCM, số lượng tiệm sách cũ không còn nhiều bởi một thời gian dài nó không nhận được sự quan tâm của độc giả. Hiện chỉ còn vài tiệm sách cũ trên đường Trần Nhân Tôn (quận 5), Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1), Trần Huy Liệu (quận Phú Nhuận), Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh)... Đổi lại, những tiệm sách cũ online ra đời rầm rộ và trở thành cầu nối cho những người trẻ muốn trở về với sách cũ. Cuối tháng 11-2015, tại Nhà Văn hóa Thanh niên, Ngày hội sách cũ TPHCM lần đầu tiên được tổ chức đã tạo ấn tượng lớn khi quy tụ khoảng 20.000 cuốn sách cũ thu hút hơn 50.000 lượt bạn trẻ tới tham quan và mua sách. Ở đó, các bạn trẻ không những mua được sách với giá rất sinh viên mà còn có dịp để giao lưu, trao đổi sách cũ cho nhau. Trước khi đem sách cũ đi đổi, nhiều bạn còn kịp đính kèm theo tờ giấy nhắn gửi: “Xin hãy nâng niu cuốn sách này - điều tuyệt vời nhất mà mình muốn chia sẻ với bạn”.
Chính sự khởi đầu tốt đẹp ấy mà những gian sách cũ trên đường sách Nguyễn Văn Bình (quận 1), Hội sách quận 7 hay Trung tâm sách cũ do Nhà xuất bản Trẻ mới mở ra là địa chỉ được giới trẻ truyền tay nhau. Đặc biệt mới đây nhất, hồi đầu tháng 3, Ngày hội sách cũ TPHCM đã diễn ra tại Công viên 23-9. Dự tính ban đầu, đây sẽ là sân chơi cho những người lớn tuổi nhưng giới trẻ lại chiếm số đông. Anh Phan Minh Hiếu (nhân viên bán hàng) tâm sự: “Trước khi khai mạc Ngày hội sách cũ, tụi mình cũng đã chuẩn bị trước kế hoạch là phục vụ khách lớn tuổi, nhưng không ngờ 2/3 lượng khách là các bạn trẻ, trong đó có nhiều em mới học cấp 2, 3 hay sinh viên đại học nhưng đã thể hiện rõ sự thích thú với những cuốn sách đã sờn gáy. Nhìn các em chọn sách, lật từng trang để đọc lời tựa, bản thân mình cũng thấy rất xúc động”.
Một thế hệ sách vô giá
Những tưởng thị trường sách mới đồ sộ và đa dạng như hiện nay sẽ áp đảo khiến sách cũ chênh vênh tồn tại. Nhưng không, khi văn hóa đọc của người trẻ được cải thiện, sách cũ đã có một chỗ đứng vững chắc hơn. Trên các diễn đàn, các bạn trẻ gọi sách cũ là một thế hệ sách mà ở đó lưu giữ những giá trị văn hóa, giá trị tri thức vô giá. Nếu như người lớn tuổi lựa chọn các đầu sách về lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh thì giới trẻ lại tìm cho mình những cuốn sách về văn học, ngôn ngữ, khoa học để làm tài liệu tham khảo, nghiên cứu.
Vương Thiện Hiền (ngụ quận 3) tâm sự: “Tôi thích sách cũ từ năm 2 đại học, khi vào Thư viện Khoa học tổng hợp TP tìm tài liệu tham khảo. Lần đầu tiên cầm trên tay cuốn sách in trên giấy dó, tự nhiên cảm thấy trong lòng xúc động và tự nhủ phải thật trân trọng, nâng niu cuốn sách. Rồi tôi đọc như thể sợ ngày mai cuốn sách ấy sẽ mục nát thì mất đi nguồn tri thức mà thế hệ của “ông Google” không thể trả lời cho tôi được”.
Theo nhiều người mê sách cũ, đó là sản phẩm ra đời từ khi chưa có internet nên đọc sách là đọc được suy nghĩ thuần của chính tác giả, nó không bị tư duy lối mòn, bị pha trộn hay bị ảnh hưởng của suy nghĩ đám đông. Cùng một chủ đề nhưng nội dung sách cũ viết rất nhẹ nhàng, phóng khoáng mà vẫn truyền tải đủ kiến thức cho người đọc.
Ông Phạm Đình Hưng, chủ tiệm sách cũ trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh) chia sẻ: “Sách cũ không có giá, cái giá là nằm ở cách nhìn nhận về cuốn sách của người mua. Mấy năm nay các cháu sinh viên ghé tới tiệm sách cũ của tôi rất nhiều. Các cháu đã biết lựa những cuốn sách hay thay vì đi tìm những cuốn sách ngôn tình như trước đây. Gặp những bạn trẻ như vậy, tôi thường tính giá kiểu vừa bán vừa tặng. Biết rằng tính thành tiền thì sách cũ rẻ lắm nhưng cái quý ở giá trị tri thức mà các cháu đang đón nhận”.
Theo Hải Thu – SGGP