Văn nghệ trong nước
Suối nhạc Trịnh vẫn êm đềm chảy
14:51 | 01/04/2017

Hôm nay 1/4, kỷ niệm 16 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nhiều chương trình âm nhạc, nghệ thuật tưởng nhớ ông cũng được tổ chức nhân dịp này. Kể từ khi ông qua đời, dòng nhạc mang tên ông - nhạc Trịnh - chưa từng gián đoạn.

Suối nhạc Trịnh vẫn êm đềm chảy

Tối 2/4, khán giả Thủ đô sẽ được thưởng thức một đêm nhạc tựa đề “Hãy yêu nhau đi”- để tưởng nhớ Trịnh Công Sơn sau 16 năm ông rời “cõi tạm”. Hai “nàng thơ” có ảnh hưởng sâu đậm tới đời sống và âm nhạc của Trịnh Công Sơn là Khánh Ly, Hồng Nhung sẽ cùng hát trong đêm nhạc này.

Ca sĩ Khánh Ly từng rất nhiều lần thổ lộ, bà chưa bao giờ có suy nghĩ đợi tới ngày giỗ để thắp nhang hay thể hiện tấm lòng của mình với người nhạc sĩ tài hoa này. Bởi lẽ hình ảnh của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lúc nào cũng ở trong tâm trí bà.

Còn ca sĩ Hồng Nhung cũng có những kỷ niệm đẹp với Trịnh Công Sơn. Chính sự tươi mới trong phong cách, chất giọng của ca sĩ Hồng Nhung đã “tô điểm” cho “khu vườn âm nhạc” của Trịnh những gam màu sắc mới mẻ. 

Ở các sân khấu nhỏ hơn tại Hà Nội cũng có những hoạt động nhớ về  ông. Dịp này khán giả sẽ được đắm mình trong không gian nhạc Trịnh tại Nhạc Cafe - Số 7 Hàng Thùng. Với chủ đề “Phôi pha”, 20 ca khúc bất hủ của Trịnh Công Sơn như Phôi pha, Diễm xưa, Cát bụi, Hạ trắng, Như cánh vạc bay…sẽ được trình bày tại đây.

Chỉ chừng ấy thôi cũng đủ để thấy, đã 16 năm kể từ ngày Trịnh Công Sơn ra đi, ca khúc của ông vẫn đọng lại trong trái tim mỗi người yêu nhạc. Tất nhiên, không chờ cho đến dịp tưởng niệm mỗi năm như thế này, mà những ca khúc của ông vẫn vang lên ở mọi không gian, thời gian có thể. Từ quán cà phê sang trọng hay bình dân, sân khấu lớn hay chỉ với ngón đàn lãng tử vỉa hè…

Dù được ngân lên ở đâu thì tình khúc nào của Trịnh Công Sơn cũng tìm được sự đồng điệu, bởi họ cảm nhận thấy thân phận mình hay một phần cuộc đời mình trong mỗi ca từ, giai điệu đầy khắc khoải ấy. 

Cũng có không ít người đã mất công đi tìm lời đáp cho câu hỏi: Phải mất bao lâu mới hiểu được nhạc Trịnh? Để rồi câu trả lời vẫn chỉ là những hoài nghi: Phải chăng khi đủ tuổi để có thể suy ngẫm về đời, về người?

Phải chăng khi có đủ sự cô đơn trong tâm hồn để có thể đồng điệu cùng dòng? Phải chăng khi nỗi buồn dâng tràn lòng người mới hiểu được vì sao hầu hết ca từ của Trịnh đều man mác như chính cuộc đời tác giả?

Những ai thể hiện ca khúc của Trịnh Công Sơn thành công nhất? Nhìn nhận về điều này, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng đánh giá: “Khánh Ly hát cho một thời vừa lãng mạn vừa đau thương trong chiến tranh. Hay nhất. Vĩnh Trinh, một người thích hát và hát hay những bài hát của anh mình. Lưỡng lự giữa đời ca hát và đời thường. Tuy nhiên, cái nghiệp ca hát lại trói buộc ở chặng đời mà mọi ràng buộc khác không còn ý nghĩa nữa. Thế cũng là một điều may mắn cho đời và cho tôi. Và Hồng Nhung, làm mới lại những ca khúc của tôi. Có người thích có người không thích. Tuy nhiên tôi thích vì đó là cách biểu hiện mới phù hợp với cái tiết tấu của thời hiện đại - một sự lãng mạn mới. Nó giúp mình có được một chỗ ngồi trong hiện tại chứ không phải là kẻ nhắc tuồng từ quá khứ. Mà hình như còn nhiều nữa, như Khánh Hà, Cẩm Vân, Thái Hiền, Thu Hà, Lan Ngọc, Lệ Thu...”.

Giờ đây các thế hệ ca sĩ vẫn chưa thôi tiếp nối nhau trình diễn ca khúc của người nghệ sĩ tài hoa này… Những người nổi tiếng trong làng ca nhạc như Thanh Lam, Mỹ Linh, Tùng Dương, Đức Tuấn… đã không ít lần thử nghiệm với dòng nhạc Trịnh. Khán giả cũng từng biết đến một Quang Dũng, Giang Trang hay mới đây nhất là Miu Lê hát nhạc Trịnh. Họ nỗ lực tìm cách thể nghiệm nhạc Trịnh bằng cảm nhận của trái tim mình.

Trong số ấy có người không nhận mình là ca sĩ như Giang Trang chẳng hạn. Chị chỉ coi mình là người hát nhạc Trịnh thầm lặng, tình cờ đến “cõi” nhạc Trịnh để khai phá những thanh sắc trong từng nốt nhạc, ca lên điệu buồn, tiếng vui và vẽ nên hình hài của cái đẹp, tìm thấy niềm vui cho cuộc đời mình.

Sự tình cờ sâu lắng ấy đã giúp chị cho ra đời liên tiếp những “Lênh đênh nhớ phố”, “Hạ Huyền 1”, “Hạ Huyền 2”- đó chính là sự nối dài những cuộc chơi của Giang Trang với nhạc Trịnh. Còn ca sĩ Quang Dũng chia sẻ anh thuộc 500 bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, mà nhắc đến bài nào anh cũng có thể hát. Có lẽ đó là một tình yêu đầy tự nhiên.

Hay ca sĩ Miu Lê dù chỉ mới biết đến là  người thể hiện nhạc Trịnh sau bộ phim “Em là bà nội của anh” ra rạp hồi cuối năm 2015. Dẫu thế, một trong những trích đoạn thành công nhất, mang đến cảm xúc cho khán giả chính là bài hát “Còn tuổi nào cho em” do Miu Lê trình diễn. Nghe hát khi ấy, em gái của cố nhạc sĩ, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh đã chia sẻ: Miu Lê hát nhạc Trịnh rất hay và đầy tố chất của nhạc Trịnh, đúng phong cách Trịnh Công Sơn - Khánh Ly của thời xa xưa ấy…

Trịnh Công Sơn đã thênh thang “một cõi đi về” nhưng bóng dáng ông vẫn còn mãi. Ca từ trong ca khúc của Trịnh Công Sơn là thông điệp về tình người, về lòng nhân ái bao la. Để gió cuốn đi, Hãy yêu nhau đi… tất thảy đều  là những lời thì thầm dấu yêu, những khúc thơ đau thương về thân phận kiếp người, cái đẹp muôn đời mà con người có đầy đủ tư cách cất mình vươn tới.

Sau tất cả, dòng nhạc Trịnh khiến cõi lòng người ta thanh thản hơn, sống chừng mực và bao dung với mọi người hơn, ý thức và nâng niu nhiều hơn giá trị sống…

Theo Vi Cầm - ĐĐK

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng