Văn nghệ trong nước
Vang mãi khúc tự tình quê hương
14:17 | 10/04/2017

Hai ngày qua, đông đảo khán giả, giới mộ điệu tài tử cải lương tại Bình Dương và các tỉnh, thành khu vực phía Nam đã có dịp giao lưu, thưởng thức những tiếng đờn, lời ca của hàng trăm nghệ nhân, nghệ sĩ tại Liên hoan Đờn ca tài tử (ĐCTT) quốc gia lần thứ 2 năm 2017 đang diễn ra tại đây.

Vang mãi khúc tự tình quê hương
Một tiết mục tham dự Liên hoan Đờn ca tài tử của Bạc Liêu. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Những tiếng đờn lúc giản dị khi nắn nót, những lời ca khi trau chuốt lúc chân phương đã thực sự tạo nên một không gian đậm chất tài tử. Một lần nữa, không gian nghệ thuật tài tử Nam bộ được tôn vinh, tiếp nối và phát huy giá trị của một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tài tử quảng bá thế mạnh của địa phương

Chiều 9-4, ngày đầu khai mạc Hội thi ĐCTT, hội trường Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh Bình Dương không còn một chỗ trống. Chủ nhà mở màn bằng một chương trình được đầu tư kỹ lưỡng và khá ấn tượng. Một điều có thể dễ dàng nhận thấy là thông qua các chương trình dàn dựng dự thi tại liên hoan, các tỉnh, thành đều khéo léo quảng bá về địa phương mình, từ văn hóa, lịch sử đến du lịch và các tiềm năng kinh tế.

Nếu như các tiết mục ca diễn của An Giang được đầu tư chăm chút, kết hợp những bài bản ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh, ca ngợi vùng đất quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng thì tỉnh Bến Tre cũng khai thác thế mạnh của mình với chương trình chủ đề “Quê dừa vọng tiếng đờn xưa”. Trong khi đó với chương trình nghệ thuật “Đọng mãi hồn quê”, Bạc Liêu chọn dàn dựng một chương trình sinh động và khá độc đáo. Không dẫn dắt quá nhiều, không chọn cách giới thiệu từng tiết mục riêng lẻ, Bạc Liêu - cái nôi của tài tử Nam bộ - đã khiến người hâm mộ thỏa lòng khi khéo léo gắn kết các tiết mục thông qua một chuỗi câu chuyện rất thú vị. Đó là những nếp sinh hoạt rất thường ngày, rất đặc trưng của người dân nơi miền quê Nam bộ hiền hòa mà phóng khoáng, chân chất mà hào sảng. Những câu chuyện từ nếp sống gia đình, từ tình làng nghĩa xóm, xây dựng văn hóa nông thôn mới đến nghệ thuật ĐCTT cứ như những mạch ngầm phù sa, tự nhiên mà ngấm vào lòng khách tri âm. Chương trình đã chuyển tải đến khán giả một thông điệp: ĐCTT không chỉ lan tỏa, phát triển ngày càng sâu rộng, mà giờ đây những tiếng đờn, lời ca cũng tựa như tiếng nói, tiếng cười, tựa như hơi thở hàng ngày của con người Nam bộ; bồi đắp không ngừng để làm giàu cho đời sống văn hóa tinh thần của biết bao thế hệ người, của cả dân tộc.

Tương tự, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không bỏ qua cơ hội thông qua ĐCTT quảng bá mạnh mẽ những thế mạnh kinh tế, đặc biệt là tiềm năng kinh tế biển, du lịch của địa phương mình. Đến với miền đất yêu thương Bà Rịa - Vũng Tàu, khán giả được hòa vào không gian biển đảo, đời sống của ngư dân qua những tiết mục về các làng chài, về biển đảo quê hương. Đặc biệt, đơn vị này còn chăm chút khi xây dựng hẳn một video clip sinh động giới thiệu hình ảnh biển đảo, các danh lam thắng cảnh của tỉnh mình.

Thỏa lòng người mộ điệu

“Chúng tôi đến đây với tinh thần học tập, giao lưu ĐCTT cùng các tỉnh, thành phố bạn thông qua đó, góp phần nắn nót tiếng đờn, trau chuốt lời ca để từng ngày hoàn thiện hơn”, thông điệp gởi đến đông đảo khán giả có lẽ không chỉ là của đơn vị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Và quả thật, khán giả thật sự thỏa lòng với “sân chơi” quy mô lớn nhất của nghệ thuật tài tử và không gian ĐCTT. Bên cạnh những nghệ nhân, nghệ sĩ giàu kinh nghiệm, khán giả còn được dịp thưởng thức những giọng ca đầy triển vọng của nhiều tài tử nhí, mới độ 7-8 tuổi đến 12-13 tuổi đến từ An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bạc Liêu. Những tràng pháo tay không ngớt, những mầm non tài tử, những thế hệ tiếp nối đầy nhiệt huyết được đào tạo bài bản, chăm chút đã khiến người mộ điệu càng thêm tin tưởng vào sự bền vững của loại hình âm nhạc dân tộc này, sự phát triển tất yếu của nghệ thuật tài tử, cải lương, của di sản văn hóa dân tộc. Trong hai ngày 10 và 11-4, Liên hoan ĐCTT quốc gia lần thứ 2 năm 2017 tiếp tục phần tranh tài của 16 tỉnh thành bạn.

Trong khuôn khổ liên hoan, có rất nhiều hoạt động được tổ chức như: giới thiệu Không gian ĐCTT Nam bộ; Không gian ẩm thực và đặc sản Nam bộ; hội thi nghệ thuật ĐCTT chủ đề “Đờn ca tài tử - Di sản đất phương Nam”; thi sáng tác ảnh nghệ thuật “Khoảnh khắc Đờn ca tài tử”; đêm hội tôn vinh và giao lưu với hơn 70 nghệ nhân ưu tú, nghệ sĩ có nhiều đóng góp trong việc hình thành và phát triển nghệ thuật ĐCTT và cải lương Nam bộ; triển lãm tranh ảnh nghệ thuật về ĐCTT. Đặc biệt, chiều và tối ngày 11-4, các đoàn nghệ thuật sẽ tổ chức công diễn phục vụ người dân tại các huyện thị trong tỉnh Bình Dương.

Theo Minh An – SGGP



 

Các bài mới
Các bài đã đăng