Văn nghệ trong nước
Chuyện nghề nhiếp ảnh Lai Xá
10:27 | 12/05/2017

Sau nhiều năm ấp ủ ý tưởng, vận động kinh phí, sưu tầm tài liệu, hiện vật, Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá - Bảo tàng đầu tiên do cộng đồng thôn đầu tư tổ chức xây dựng đã hoàn thiện. Bảo tàng tái hiện lịch sử, truyền thống văn hóa của làng nghề nhiếp ảnh duy nhất ở Thủ đô.

Chuyện nghề nhiếp ảnh Lai Xá
Góc giới thiệu về ảnh tại Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá

Giữ nghề truyền thống

Bảo tàng (sẽ mở cửa từ 15.5), phản ánh quá trình hình thành, phát triển 125 năm của làng nghề Lai Xá, xã Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội, tính từ khi cụ Nguyễn Đình Khánh khai trương hiệu ảnh đầu tiên tại phố Hàng Da, mang tên Khánh Ký năm 1892. Nhiều thế hệ người Lai Xá đã được đào luyện và tích lũy kinh nghiệm nghề. Giữa thế kỷ XX, người làng Lai Xá đã thực sự vững vàng trong nghề nhiếp ảnh. Họ thành lập rất nhiều hiệu ảnh, không chỉ ở trong nước như: Hà Nội, Lào Cai, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Sài Gòn, Đà Lạt… mà còn sang cả Lào, Trung Quốc, Campuchia, Malaysia, Pháp, Đức... Có thời nghề làm ảnh lôi cuốn ước đến 80% số gia đình làng Lai Xá - trở thành nguồn sống quan trọng của họ.

Với mong muốn truyền kinh nghiệm nghề ảnh của thế hệ đi trước; đồng thời, giữ nghề truyền thống của làng trước thách thức của kỹ thuật số, ý tưởng xây dựng Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá đã ra đời. Ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ nhiệm CLB Làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá cho biết: “Ý tưởng xây dựng Bảo tàng hình thành vào khoảng năm 2012 - 2013. Sau đó, được địa phương hỗ trợ, các chuyên gia tư vấn; công tác sưu tầm tài liệu, ảnh, hiện vật cũng đã sớm được triển khai. Nhân dân trong thôn, những người gốc Lai Xá đang làm về nhiếp ảnh trên cả nước cũng ủng hộ, người góp kinh phí, người tặng tài liệu, hiện vật, câu chuyện... Đến nay, Bảo tàng đã có hàng nghìn hiện vật, tài liệu, hình ảnh. Từ tháng 6.2015, Bảo tàng được khởi công xây dựng, và từ tháng 2.2017, việc trưng bày hiện vật được triển khai”.

Bảo tàng là một tòa nhà ở giữa làng, cạnh đình Đụn, giai đoạn 1 khai trương 2 tầng. Tổng diện tích trưng bày gần 300m2, giới thiệu ảnh các thể loại (nghệ thuật, chân dung) theo cách chụp ảnh từ trước đến nay; máy ảnh cổ các thời kỳ cho đến máy ảnh hiện nay, dụng cụ dập chữ nổi tên hiệu ảnh, bàn sửa phim, bộ dụng cụ chấm sửa ảnh... Những chia sẻ của cộng đồng về lịch sử làng nghề, về kinh nghiệm làm ảnh qua các thế hệ khác nhau giúp khách tham quan thấy được quá trình Lai Xá trở thành một làng nhiếp ảnh và tạo dựng uy tín trong nghề ra sao... Các câu chuyện này được thể hiện bằng phong cách trưng bày hiện đại, nhờ sự giúp sức của nhóm chuyên gia bảo tàng đến từ Pháp.

Điểm du lịch mới của Hà Nội

 “Chúng tôi phấn khởi, tự hào, vì nguyện vọng của dân làng, những người Lai Xá đi làm nghề trên khắp cả nước, đã trở thành hiện thực. Nhờ sự đóng góp của mọi người, Bảo tàng đã hoàn thiện. Tuy nhiên, chúng tôi cũng lo lắng làm sao duy trì và nuôi dưỡng, tạo ra bảo tàng sống động trong bối cảnh mới của nghề ảnh, và biến nơi đây trở thành điểm du lịch độc đáo...”.

 Ông Nguyễn Văn Thắng Chủ nhiệm CLB Làng nghề Nhiếp ảnh Lai Xá

Lần đầu tiên, một cộng đồng thôn đầu tư xây dựng bảo tàng và tổ chức trưng bày giới thiệu về truyền thống của làng nghề. PGS. TS. Nguyễn Văn Trụ - Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng: “Có thể nói, đây là hiện tượng khá độc đáo, hiếm hoi đối với hệ thống bảo tàng Việt Nam cho tới thời điểm này và sẽ là những kinh nghiệm bổ ích cho việc phát triển bảo tàng ngoài công lập’’.

Tuy nhiên, không chỉ có vậy. Giống như nhiều làng quê khác ở ngoại ô Hà Nội, Lai Xá hơn chục năm nay đô thị hóa mạnh mẽ, người dân nay không còn ruộng mà đang tìm kiếm cách chuyển đổi sinh kế. Dân làng muốn phát huy các giá trị truyền thống của mình bằng cách xây dựng Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá để kết hợp với các công trình văn hóa như đình chùa, nhà thờ họ, nhà truyền thống... nhằm biến Lai Xá trở thành điểm du lịch mới của Thủ đô.

PGS. TS. Nguyễn Văn Huy - cố vấn Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá chia sẻ: “Tôi đánh giá cao quyết tâm của cộng đồng bà con ở Lai Xá, nhất là ý chí của lãnh đạo thôn và các thợ ảnh, nghệ sĩ nhiếp ảnh của làng để tạo dựng một bảo tàng của thôn. Người ta đã nhận thức rõ bảo tàng có thể giúp họ thực hiện một trong những phương cách thay đổi cuộc sống, chuyển đổi phương thức kiếm sống của làng. Điều này rất khó nhưng nếu vượt qua thì sẽ thành công lớn, biến tiềm năng văn hóa thực sự thành động lực cho sự phát triển. Hà Nội đã có Đường Lâm, sao không thể có Lai Xá như những điểm du lịch mới của Thủ đô? Hy vọng các cấp các ngành văn hóa, du lịch của thành phố chung tay giúp đỡ thì nguyện vọng chính đáng của cộng đồng sẽ được thực hiện”.

Theo Ngọc Phương - ĐBND
 
 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng