Văn nghệ trong nước
Tân Giám đốc NXB Hội Nhà văn: Trước mắt chỉ thấy thách thức, khó khăn
15:52 | 16/05/2017

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều nhận quyết định Giám đốc NXB Hội Nhà văn sau thời gian nhà này ồn ào dư luận. Gặp tại trụ sở NXB chiều 15/5, anh chia sẻ về vị trí nhiều người từng can ngăn.

Tân Giám đốc NXB Hội Nhà văn: Trước mắt chỉ thấy thách thức, khó khăn
Nguyễn Quang Thiều trầm tư trong những ngày đầu ngồi ghế nóng. Ảnh: Toan Toan.

Nhận quyết định về ngồi ghế lãnh đạo một NXB lâu nay bị cơ quan quản lý luôn để ý vì sai sót, cảm giác của anh thế nào?

Quyết định đưa tôi về kiêm nhiệm NXB gần như đưa ra ở phút 89, điều đó bất ngờ với tôi. Tôi có thể từ chối, nhưng trong lúc NXB gặp khó, mình là ủy viên BCH, Phó Chủ tịch Hội, làm thế có phần chưa phải. Vì thế tôi nhận nhiệm vụ kiêm nhiệm một thời gian, khi NXB ổn định nhiều mặt, người khác sẽ thay. Quyết định đó cũng làm tôi hẫng về cảm xúc bởi thời gian sáng tác mất đi rất nhiều. Hơn nữa ở đây tôi chỉ thấy thách thức, khó khăn thôi.

Những ngày làm việc đầu tiên ở NXB khiến anh bớt hẫng và bớt lạ lẫm?

Lạ, bỡ ngỡ thì không bởi NXB là cơ quan cấp hai của Hội. Bảy năm ở BCH tôi đã làm việc với NXB, nhất là trong các sự vụ liên quan. Hơn nữa anh em đều quen biết nhau cả. Chỉ có điều là người chịu trách nhiệm cao nhất, tôi phải gánh trách nhiệm ổn định và phát triển NXB trong thời kỳ vô cùng khó khăn này. Nhiều người đợi chờ tôi về phải làm được gì đột phá, điều đó không dễ dù tôi là người luôn hướng tới điều mới mẻ, tốt đẹp.

Nghe nói NXB từng đề xuất nhân sự trẻ nhưng không được chấp thuận, anh đánh giá thế nào về họ?

BCH nhiều lần xem xét kỹ lưỡng và nghiêm túc vấn đề này.Tôi vẫn nghĩ cần mạnh dạn hơn với cán bộ trẻ ở các cơ quan hội bởi họ có sức trẻ, suy nghĩ nhanh nhạy dám nghĩ dám làm. Người trẻ là tín hiệu, xu thế toàn cầu. Một nước Pháp có bề dày văn minh, chính trường phức tạp nhưng họ chọn ra vị tổng thống quá trẻ mà cũng quá cá tính.

Trước khi tôi về đây, trong nhiều cuộc họp, BCH mong muốn tìm kiếm người trẻ hiểu biết về xuất bản. Tuy nhiên một số người chưa hội đủ điều này, một số người hội đủ các yếu tố nhưng họ từ chối vì quyền lợi ít trong khi thách thức quá lớn.

Một người sáng tác phải nhận chừng đó trách nhiệm quả là sự gò bó không nhỏ. Những ngày làm việc đầu tiên anh thấy những khó khăn nào trước mắt có thể giải quyết được?

Dù sao tôi cũng vui vì khi được BCH cử về đây, anh em đều vui vẻ chào đón. Ngày 15/5 là buổi họp đầu tiên với cơ quan, tôi muốn chia sẻ với anh em cũng như kêu gọi sự gắng sức tạo nên khối đoàn kết. Gia đình vài ba người còn không dễ dàng đồng nhất quan điểm nữa là cả một tập thể. Nhưng tôi tin những con người ở NXB này, sự thiện chí và trách nhiệm rõ rệt sẽ tạo cảm hứng để cùng nhau làm tốt hơn. Trước mắt tôi muốn ổn định, rà soát lại quy trình làm việc lâu nay để vận hành trơn tru và an toàn nhất. Mọi người trong cơ quan này đều có khát vọng làm cho cơ quan tốt hơn, mắc ít lỗi hơn, quảng bá sách tốt hơn và có được nhiều bản thảo hay đến với NXB.

Anh nghĩ gì về một số lỗi có hệ thống của NXB do Cục Xuất bản chỉ ra suốt thời gian qua?

Cục Xuất bản đề cập một số nội dung nhạy cảm. Tôi chưa tiếp cận nên chưa thể nói gì cụ thể, tuy nhiên có thể cơ quan quản lý nhìn nhận chặt chẽ hơn. Sau này khi làm việc với từng văn bản cụ thể, cần thiết tôi sẽ trao đổi kỹ lưỡng hơn với các biên tập viên, lắng nghe và trao đổi với cơ quan quản lý để vừa đảm bảo phong cách tác phẩm và cả sự ảnh hưởng tới bạn đọc. Những sai sót về lỗi morat, chính tả chúng tôi sẽ suy nghĩ để tìm ra phương pháp tốt nhất để giảm thiểu.

Có biên tập viên của NXB đáng ra bị rút thẻ hàng chục lần - như lời cơ quan quản lý, vì để ra nhiều sai sót. Anh sẽ ứng xử thế nào với biên tập viên này?

NXB có những nhà văn uy tín và có cách nhìn vô cùng mạnh bạo và rất mở trong quan điểm biên tập. Chúng ta đều hiểu rằng tác phẩm văn học là tác phẩm đa văn bản. Nó luôn mang đến những cách nhìn khác nhau và cảm thụ khác nhau nhưng vẫn có một điểm nhìn chung nào đó. Có những cuốn sách hay và thật sự đổi mới, mang tính dự báo thời đại nhưng trong hoàn cảnh nào đó nó chưa xuất hiện được, hoặc xuất hiện nhưng chưa được nhìn nhận ở một góc độ nào đó. Điều chúng ta mong ước là giữa tác giả, biên tập viên, cơ quan quản lý và bạn đọc tìm được sự chia sẻ và cái nhìn chung cho loại sản phẩm đặc biệt này. Thực tế nhiều cuốn sách 10, 20 năm trước chưa xuất bản được nay in dễ dàng. Điều đó dựa vào tiến trình dân chủ của xã hội, trình độ dân trí và cách nhìn đa dạng một văn bản nghệ thuật.

Một trong số lỗi morat, sai chính tả trong các cuốn sách đóng dấu NXB Hội Nhà văn lâu nay được cho ra do đơn vị liên kết ẩu. Anh nhìn nhận về sách liên kết như thế nào?

Có thể các NXB gặp khó khăn hơn khi không kiểm soát được khâu in ấn. Nhưng sách liên kết là hình thức hay, tạo ra biên độ rộng hơn cho các NXB để tiếp cận các bản thảo chất lượng cũng như tiếp cận bạn đọc. Điều quan trọng phải làm việc trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng những qui định chung về biên tập và xuất bản: Đơn vị liên kết không chỉ chạy theo lợi nhuận khiến NXB bị ảnh hưởng, NXB không vì cứng nhắc mà có thể cản trở sự phát triển.

Nhà văn thì luôn bay bổng, có lẽ vì thế nên khi buộc họ vào công việc gò bó dễ xảy ra sai sót?

Phần bay bổng chỉ là lí do phụ. Các biên tập viên có cách nhìn nhận một văn bản nghệ thuật, họ tôn trọng các phong cách khác nhau. Chẳng hạn từng có nhà văn viết không chấm câu trong cả một chương sách, dùng ngôn ngữ kinh viện, có nhà văn chủ ý dùng ngôn ngữ đời thường như một văn phong... Tất cả những điều đó nếu làm tốt sẽ tạo nên tính đa dạng và phong phú của văn chương. Nếu tất cả giống nhau sẽ làm mất đi sự phong phú, sống động, đa dạng của văn hoá và tác phẩm. Con đường giết chết nghệ thuật nhanh nhất là sự giống nhau và sáo mòn. Nhưng một người biên tập phải nhận ra đâu là phong cách, thi pháp, biểu tượng và ý tưởng của tác phẩm để bảo toàn điều đó cho tác phẩm và đâu là sự tuỳ tiện và bữa bãi.

Cám ơn anh.

Theo Toan Toan - TP

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng