Trung tuần tháng 5 vừa qua, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã chính thức được bổ nhiệm làm Giám đốc NXB Hội Nhà văn. Phóng viên Báo ANTĐ đã có cuộc trò chuyện cùng ông sau tròn 1 tuần ông ngồi "ghế nóng".
Khó thì cũng vẫn phải tìm cách
PV: Tâm trạng của ông khi được bổ nhiệm vào vị trí khó khăn - Giám đốc NXB Hội Nhà văn như thế nào?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi có thể chối từ một cách quyết liệt và không nhận chứ. Bởi lẽ, lâu nay tôi đảm nhận việc trợ lý, giúp việc đối ngoại cho Chủ tịch Hội Nhà văn (Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - pv).
Bên cạnh đó, tôi còn là một người sáng tác. Tôi không mảy may nghĩ đến chuyện sẽ trở thành người đứng đầu NXB này. Nhưng đó là quyết định của Ban Chấp hành Hội, mọi người hay đùa là quyết định trong phút thứ 89, nhưng tôi nghĩ phải là phút bù giờ mới đúng.
Lúc đó, báo chí đang nói nhiều về những sai phạm trong xuất bản của NXB, một phần công việc của NXB ngưng hoạt động. Tâm trạng tôi cũng không hề hào hứng. Không ngại ngùng lo trách nhiệm, nói chung nó mơ hồ lắm. Nhiều người gọi điện cho tôi hỏi han, chia sẻ, thậm chí lo lắng cho tôi.
Việc chặt chẽ trong biên tập, xuất bản sẽ tạo cho các đối tác liên kết uy tín. Sách in đẹp, bìa đẹp, nội dung hay, sạch sẽ morat thì tất nhiên ai cũng muốn rồi.
Có người hỏi tại sao anh lại nhận lời, tại sao lại “nhét” anh về đó. Tôi cũng chẳng biết là như thế nào nhưng tổ chức đã quyết định thì tôi cũng sẽ không nói tại sao lại nhận việc này. Cụ thể hơn thì tôi thấy thời gian mà tôi dành cho sáng tác sẽ bị “giết chết”. Việc nhiều lắm, việc nào cũng đầy thách thức.
Tới hôm nay, ông đã nhận “ghế nóng” được tròn 1 tuần. Ông đã có động thái gì xốc lại tinh thần cho cán bộ NXB chưa?
Tôi đã họp Ban giám đốc, tìm hiểu về kinh nghiệm quản lý, khó khăn thách thức mà Ban giám đốc cũ từng đương đầu. Tôi cũng đã họp với các ban biên tập, hình dung khó khăn phức tạp trong khâu biên tập bản thảo... để từ đó tìm ra phương pháp điều chỉnh. Tôi đã nói với các cán bộ NXB rằng sẽ giữ tổ chức đang có và hợp lý dần từng khâu chưa hợp lý để tránh sai sót không đáng có. Tôi đã cùng họ trao đổi, bày tỏ quan điểm, cách nhìn nhận về tác phẩm văn học làm sao thúc đẩy tính đa dạng trong văn chương, giảm thiểu ẩu tả trong biên tập.
Tôi đã từng là một bạn đọc thân thiết của NXB Hội Nhà văn, nhưng tiếc là khoảng chục năm trở lại đây, tác phẩm hay thưa vắng dần rồi biến mất. Chắc hẳn ông đã nghĩ đến việc tìm kiếm tác phẩm hay, vực dậy thương hiệu một thời?
Tôi đã tìm hiểu tại sao tác phẩm hay lại rời khỏi NXB này. NXB Hội Nhà văn đang có những người có thể tiếp cận, hiểu tác phẩm sẽ có vị trí nào trong đời sống văn học. Thế nhưng, thời gian qua, NXB chỉ thực hiện việc cấp giấy phép mà không phát hành. Tác giả tên tuổi họ không đi xin giấy phép đâu, họ được nhiều NXB săn đón, trả nhuận bút cao, chăm sóc, yêu quý, ký hợp đồng 5-10 năm với toàn bộ tác phẩm.
Như thế, NXB Hội Nhà văn không có cơ hội. Thời gian tới, NXB của tôi phải tự thực hiện việc phát hành, phải tự trả nhuận bút cho tác giả, phải tìm kiếm bản thảo hay. NXB khác trả cho tác giả 10 đồng thì ít ra chúng tôi phải trả cho người ta 7-8 đồng. Nhà văn viết văn khởi đầu không vì tiền, nhưng khi một tác phẩm của họ có chất lượng, đương nhiên họ muốn trả một phần thù lao nào đó mà nếu so sánh chấp nhận được.
Sự nhạy cảm thị trường của NXB Hội Nhà văn đã đánh mất lâu rồi, để phục hồi không đơn giản vì giai đoạn này từ báo chí đến xuất bản đều khó khăn. Tuy nhiên, khó thì chúng tôi cũng vẫn phải tìm cách. Vực dậy thương hiệu cũng là mong muốn của bất kỳ cán bộ nào.
NXB Hội Nhà văn “đang trở lại”
Tôi không thể nhớ được lần cuối cùng NXB tổ chức ra mắt sách mới, giới thiệu tác giả, hay gửi email cho báo chí giới thiệu những tác phẩm mới của NXB là từ năm nào. Có vẻ như hoạt động truyền thông ở NXB này cũng tê liệt?
Công tác truyền thông của NXB Hội Nhà văn lâu nay bị bỏ ngỏ, hay nói đúng hơn là hoàn toàn không có. Vừa qua, chúng tôi đã bàn bạc, sẽ phát khởi, chúng tôi sẽ nói với bạn đọc và các nhà văn rằng, chúng tôi đã trở lại.
Thời gian qua, các ấn phẩm của NXB Hội Nhà văn có nhiều sai sót, có phải là phó mặc cho đối tác liên kết thích làm gì thì làm?
Trong xuất bản, nếu hay dở thì còn tranh luận chứ sai morat, sai ngày tháng, sự kiện lịch sử là điều không thể chấp nhận được. Nhiều lỗi sai, BTV đã thấy và yêu cầu đối tác liên kết sửa, nhưng khi in ấn lại không sửa. Tôi vừa giao soạn thảo một quy định cho đối tác liên kết, một số điểm họ phải tuân thủ. Các BTV phải theo dõi phần biên tập của mình, nếu họ không chấp hành, NXB sẽ không ký giấy phép phát hành và họ phải chịu trách nhiệm trước luật pháp.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
Đối tác thực chất là khách hàng. Nếu mà không “chiều khách” liệu họ có còn gắn bó với NXB của ông. Việc bán giấy phép xuất bản thì tràn lan. Họ không mua NXB này thì mua NXB khác. Ông có nghĩ vậy?
Mọi thứ đều có giá của nó. Việc chặt chẽ trong biên tập, xuất bản sẽ tạo cho các đối tác liên kết uy tín. Sách in đẹp, bìa đẹp, nội dung hay, sạch sẽ morat thì tất nhiên ai cũng muốn rồi. Dự kiến, ở cương vị Giám đốc NXB, trong thời gian tới tôi sẽ có một cuộc gặp gỡ với các nhà sách, các đối tác, để tìm ra một phương thức hợp tác hiệu quả nhất.
Ông sẽ nhắm tới những gương mặt tác giả nổi tiếng nào của làng văn để hợp tác xuất bản cùng họ?
Nhiều nhà văn nói với tôi, dù không có lợi nhuận cao nhưng chúng tôi sẽ gửi bản thảo cho Nguyễn Quang Thiều. Mỗi năm chúng tôi sẽ giới thiệu trang trọng vài tác giả. Nhiều người muốn Tạ Duy Anh biên tập sách cho họ, muốn tôi đứng tên xuất bản. Nhưng đó là lợi thế ban đầu, là lời chào thôi, còn 99 bước sau là làm thế nào để có được tư duy mới, dũng cảm và thống nhất.
Các tác giả nói: “Gửi bản thảo cho Nguyễn Quang Thiều” nghĩa là ông sử dụng uy tín cá nhân để kéo nhân tài về cho NXB của mình?
Ban đầu là cá nhân của nhà thơ, Giám đốc... sau sẽ chuyển hóa thành uy tín NXB, như thế mới lâu dài. Uy tín của một cá nhân thì nay có biết đâu mai lại hết thì sao. Vì thế, nhất định phải là uy tín của NXB chứ.
Theo Vân Quế - ANTĐ