Văn nghệ trong nước
Sắt son nghĩa tình Lào - Việt
08:54 | 29/06/2017

Lần thứ hai được tổ chức, Ngày hội giao lưu Văn hóa, Thể thao và Du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào là minh chứng sống động về nghĩa tình thủy chung, gắn bó keo sơn giữa hai dân tộc. Đây cũng là hoạt động chính trị, văn hóa có ý nghĩa, để nhân dân các dân tộc vùng biên giới hai nước thể hiện nét văn hóa đặc sắc; củng cố, thắt chặt tình đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển.

Sắt son nghĩa tình Lào - Việt
Ngày hội giao lưu Văn hóa, Thể thao và Du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào lần thứ I

Tăng cường tình đoàn kết

Theo kế hoạch, Ngày hội giao lưu Văn hóa, Thể thao và Du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào năm 2017 chủ đề “Thắm tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào”, với sự tham gia của 9 tỉnh phía Việt Nam có đường biên giới với Lào, gồm Sơn La, Điện Biên, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Kon Tum. Về phía Lào, sẽ có các tỉnh chung tuyến biên giới Việt Nam là Luông Pha Băng, Hủa Phăn, Át Ta Pư, Sê Kông, Xiêng Khoảng, Bô Ly Khăm Xay, Khăm Muộn, Xa Va Na Khẹt, Sa La Văn, Phong Sa Lỳ.

Diễn ra từ 5 - 7.7 tại Sơn La, Ngày hội gồm nhiều hoạt động phong phú như triển lãm ảnh nghệ thuật về con người và tiềm năng các tỉnh của Việt Nam có chung tuyến biên giới Việt Nam - Lào với hàng trăm bức ảnh giới thiệu nét văn hóa tiêu biểu, nghệ thuật kiến trúc, trang phục, ẩm thực, quan hệ gia đình và cộng đồng, những khoảnh khắc ghi dấu ấn mối quan hệ đặc biệt giữa hai Đảng và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào. Bên cạnh đó, hoạt động được nhân dân vùng biên đón chờ và hưởng ứng là Liên hoan văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục truyền thống dân tộc; trình diễn nghi thức, lễ hội, sinh hoạt văn hóa truyền thống. Hội thảo “Du lịch cửa khẩu - hội nhập và phát triển” sẽ đánh giá tiềm năng, cơ hội cũng như hiện trạng, những trở ngại khó khăn, thách thức, để tìm ra giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào theo hướng bền vững và hiệu quả.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sơn La Đặng Văn Hùng, là địa phương trọng tâm của Tây Bắc có 250km đường biên giới với Lào, cùng nét riêng độc đáo của 24 dân tộc bản địa, Sơn La đã và đang triển khai hiệu quả chương trình liên kết tour, tuyến, điểm du lịch đến với nước bạn. Trọng tâm của Ngày hội lần này, tour tham quan thành phố Sơn La - Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào; Viêng Xay - Hủa Phăn; tham quan các địa danh văn hóa, lịch sử của hai nước được xúc tiến quảng bá.

Dấu ấn hữu nghị

Cùng với các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch phong phú và đặc sắc, một sự kiện khẳng định niềm tin chính trị giữa hai Đảng, hai Nhà nước, khắc họa sâu đậm hơn mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp đặc biệt Việt Nam - Lào là Lễ khánh thành Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào tại bản Lao Khô I, xã Phiêng Khoài, Yên Châu, Sơn La. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Phạm Văn Thủy, đây là sự kiện có tầm vóc, ý nghĩa quan trọng, được chuẩn bị chu đáo, nhằm tạo dấu ấn trong Năm Đoàn kết hữu nghị Việt - Lào 2017.

Di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào tại bản Lao Khô ghi dấu về thời gian hoạt động cách mạng của đồng chí Kaysone Phomvihane và Đội xung phong Lào - Bắc tại Yên Châu, Sơn La, từ năm 1948 - 1950. Di tích có diện tích 3.500m2, gồm các hạng mục chính: Nhà tưởng niệm, Tượng đài hữu nghị Việt Nam - Lào; Bia dẫn tích; nhà trưng bày, Đài biểu tượng hữu nghị Việt Nam - Lào; nhà trưng bày, sân vườn khu giáo dục truyền thống... Nhiều hiện vật tại khu trưng bày do bà con nhân dân bản Lao Khô sưu tầm và lưu giữ. Đó là những đồ dùng thân thuộc từ chiếc chăn ấm, nồi nấu cơm, ấm đun nước, đến chiếc bát, thìa gỗ mà dân bản đã dùng để nuôi giấu đồng chí Kaysone Phomvihane. Hoàn thành công trình và giới thiệu rộng rãi tới công chúng dịp này, Ban tổ chức Ngày hội mong muốn gửi gắm thông điệp về mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp đặc biệt Việt Nam - Lào sớm được xây dựng từ những năm kháng chiến chống thực dân và đế quốc.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Phạm Văn Thủy nhấn mạnh, Khu Di tích Lịch sử cách mạng Việt Nam -  Lào khẳng định tinh thần quốc tế cao cả, là biểu tượng của tình hữu nghị và trở thành địa danh lịch sử quan trọng để giáo dục, tuyên truyền các thế hệ trẻ của hai nước về mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào. “Mối tình thủy chung, son sắt cùng với đường lối ngoại giao nhân dân giữa Việt Nam và Lào đã có từ trong lịch sử và ngày càng được siết chặt thêm. Nhân cơ hội này, nhân dân các tỉnh dọc biên giới hai nước có điều kiện giao lưu, quảng bá những nét văn hóa đặc sắc độc đáo, tăng cường sự hiểu biết, gắn bó, giúp đỡ hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, cùng nhau xây dựng và bảo vệ vùng biên giới hai quốc gia, góp phần củng cố tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa nhân dân hai nước, cả bề rộng và chiều sâu, như lời Chủ tịch Kaysone Phomvihane đã nói: “Núi có thể mòn, sông có thể cạn, nhưng tình nghĩa Lào - Việt sẽ mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông”.

Theo Hồng Hà - ĐBND
 
 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng