Văn nghệ trong nước
Triển lãm mỹ thuật khu vực TPHCM năm 2017: Bức tranh đa sắc
15:07 | 10/08/2017

Triển lãm mỹ thuật khu vực TPHCM lần thứ 22, do Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Mỹ thuật TPHCM và Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM phối hợp tổ chức, khai mạc và ra mắt công chúng tại số 97A, Phó Đức Chính, quận 1 vào ngày 8-8.

Triển lãm mỹ thuật khu vực TPHCM năm 2017: Bức tranh đa sắc
Tác phẩm Không giới hạn đoạt giải B của tác giả Hoàng Tường Minh
Triển lãm lần này có 122 tác phẩm của 107 tác giả đã được tuyển chọn và trưng bày, như một bức tranh đa sắc với đề tài phong phú và nhiều phong cách thể hiện. 

Đề tài đa dạng, phong phú

Theo Hội Mỹ thuật Việt Nam, đây là những tác phẩm được sáng tác từ tháng 8-2016 đến tháng 7-2017, là kết quả từ các chuyến đi thực tế do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức trong nhiều năm qua. Tác phẩm thể hiện bằng nhiều chất liệu như sơn dầu, acrylic, lụa, sơn mài, khắc gỗ, khắc kim loại, composite và các chất liệu tổng hợp. Với nhiều phong cách khác nhau, các tác phẩm đã phản ánh những góc nhìn sinh động, phong phú về lịch sử, văn hóa, phong cảnh và cuộc sống sinh hoạt thường ngày của nhân dân khắp mọi miền đất nước. 

Theo đánh giá của họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam: “Con số 183 tác phẩm của 123 tác giả gửi về tham dự triển lãm đã phần nào phản ánh sức sáng tạo mạnh mẽ, phong phú của TPHCM - khu vực thu hút một lực lượng văn nghệ sĩ đông đảo, hùng hậu nhất và năng động bậc nhất của cả nước.
 
Điều đáng quan tâm tại triển lãm năm nay đó là, các tác phẩm về đề tài xây dựng, bảo vệ Tổ quốc như biên giới, biển đảo, bảo vệ môi trường, các lực lượng vũ trang với trang thiết bị vũ khí hiện đại... đã được nhiều tác giả quan tâm khai thác”.
 
Nếu như khách thưởng lãm có cảm giác thú vị với nét sinh hoạt văn hóa các địa phương, vùng miền, đồng bào các dân tộc thiểu số với Mùa hoa mận, Ruộng bắp ở Mộc Bài, Đất mới, Hội An trong mắt tôi, Rồng rắn lên mây, Nắng Củ Chi, Góc chợ, Thiếu nữ Dao, Nắng quê; thì các tác phẩm Trường Sa, Chiều trên chiến hạm, Sức mạnh tiềm ẩn, Nhớ biển, Ru rừng, Bình minh trên đảo, Hải đội Hoàng Sa... lại mang đến cho khán giả những cung bậc cảm xúc mãnh liệt của tinh thần bất khuất, niềm tự hào dân tộc, của sức mạnh kiên cường đi qua bao thăng trầm của lịch sử. 

Nguồn hỗ trợ sáng tác quá yếu

Theo nhận định của giới chuyên môn, vài năm gần đây, thị trường mỹ thuật trong nước đã có nhiều tín hiệu lạc quan, khởi sắc. Minh chứng cụ thể nhất là Việt Nam đã xuất hiện các sàn đấu giá mỹ thuật chuyên nghiệp, với một số hoạt động đấu giá tác phẩm tại TPHCM và Hà Nội thời gian qua. Từ thực tế này, một số họa sĩ đã bán được tranh, bước đầu có thể tạm sống với tác phẩm nghệ thuật của mình.
 
“Theo tôi, đây là tín hiệu rất tốt, vừa khích lệ năng lực sáng tạo của người nghệ sĩ, vừa gây dựng thị trường mỹ thuật lành mạnh, từng bước bắt nhịp theo khu vực, bắt nhịp xu hướng của các nước trên thế giới. Tuy nhiên, phải nói rằng, số họa sĩ thành công vẫn còn quá ít ỏi, trong khi tiềm lực và tiềm năng của các nghệ sĩ Việt Nam còn rất nhiều”, ông Trần Khánh Chương bày tỏ. 
 
Làm sao để khơi gợi sức sáng tạo và phát huy mạnh mẽ hơn nữa tiềm lực của văn nghệ sĩ cả nước khi nguồn kinh phí hỗ trợ cho sáng tác văn hóa nghệ thuật nói chung và mỹ thuật nói riêng còn quá dàn trải, ít ỏi tựa như muối bỏ biển. Hỗ trợ sáng tác mỹ thuật mới chỉ là một phần, việc tạo đầu ra cho tác phẩm mới là vấn đề căn cơ của câu chuyện. “Làm cách nào để giải cứu tranh, làm sao để tạo động lực sáng tạo cho các nghệ sĩ trẻ khi tác phẩm không bán được, các điêu khắc gia hoàn thành tác phẩm điêu khắc không biết trưng bày ở đâu, bán cho ai? Giải cứu tác phẩm nghệ thuật hoàn toàn là câu chuyện khác với giải cứu thịt heo, thịt gà hay nông sản, đòi hỏi các cấp quản lý nhà nước phải nhìn nhận thật thấu đáo”, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Trần Khánh Chương tâm tư. 
 
Bên lề cuộc triển lãm, họa sĩ Trần Khánh Chương cũng thông tin thêm cho giới văn nghệ sĩ TPHCM những tín hiệu khởi sắc từ buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ ngành với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Việt Nam vừa diễn ra ngày 4-8.
 
Cũng theo họa sĩ, đây là lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ đến thăm và có buổi làm việc trực tiếp với liên hiệp. Các hội thành viên đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động VHNT phát triển: tăng cường hỗ trợ kinh phí sáng tác, phát huy hiệu quả nguồn kinh phí hỗ trợ; đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực từ trung ương đến địa phương; đời sống văn nghệ sĩ còn nhiều khó khăn, chính sách nhà ở cho các văn nghệ sĩ... 

Qua nhiều vòng tuyển chọn và đánh giá, các thành viên hội đồng nghệ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam đã chọn trao 11 giải thưởng: không có giải A, giải B cho 3 tác phẩm: Không giới hạn (chất liệu sắt) của tác giả Hoàng Tường Minh; Đối thoại (sơn dầu) của Nguyễn Hữu Đức và Ruộng bắp ở Mộc Bài (sơn mài) của Lâm Trí Trung. 3 tác phẩm đoạt giải C là: Sức mạnh tiềm ẩn (sơn dầu) của Hồ Minh Quân; Chiều trên chiến hạm (sơn dầu) của Nguyễn Phú Hậu; Hội An trong mắt tôi (sơn dầu) của Thái Tuấn Hoàng. 5 tác phẩm nhận giải khuyến khích gồm: Mùa hoa mận, Hoa quỳnh, Đất mới, Mùa thay lá, Nhớ biển. Ngoài ra, ban tổ chức cũng tuyển chọn và giới thiệu 7 tác phẩm của 7 tác giả tham dự giải thưởng Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam.

 Theo MINH AN - SGGP

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng