Văn nghệ trong nước
Đường trần ai vẽ ngược xuôi…
14:42 | 08/09/2017

“Khi bước qua một ngưỡng tuổi nhất định, dù muốn dù không, hầu như ai cũng ngoái nhìn lại những năm tháng đã trôi qua của đời mình. Tôi cũng vậy. Và lúc đó, câu hát thuở xưa của người Việt lại làm xao xuyến lòng tôi…”. Cuộc đời của bà Trần Tố Nga - người đại diện cho hàng triệu nạn nhân da cam Việt Nam khởi kiện các công ty hóa chất Mỹ - dường như gói trọn trong lời tâm sự ấy.

Đường trần ai vẽ ngược xuôi…
Tác giả Trần Tố Nga giao lưu với độc giả Hà Nội sáng 7.9_ Ảnh: Thái Minh

Chuyện không của riêng ai

Đường Trần - Ngọn lửa không bao giờ tắt của tác giả Trần Tố Nga do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành. Toàn bộ số tiền bán sách sẽ được đưa vào quỹ của vụ kiện các công ty hóa chất Mỹ nhằm lấy lại công bằng cho nạn nhân da cam Việt Nam.

Thi sĩ Pháp Félix Arvers từng thốt lên đầy day dứt: “Dẫu ta đi trọn đường trần/ Chuyện riêng dễ dám một lần hé môi…”. Bởi đâu phải ai cũng có thể kể về mình, không phải nỗi khổ đau, gian khó nào cũng có thể san sẻ. Thế nhưng vào một chiều mưa thu Paris, có người phụ nữ đã ngẫm về cuộc đời mình, nghĩ về hành trình 75 năm sống trong nước mắt và sự nỗ lực không ngừng nghỉ. Và Đường trần - Ngọn lửa không bao giờ tắt được khởi thảo, để nói lên sự thật cuộc đời mình, nhưng là một cách kể câu chuyện sâu thẳm trong mỗi người. Tác giả Trần Tố Nga chia sẻ: “Hơn bảy mươi năm của cuộc đời không là quá dài với lịch sử, nhưng lại là toàn bộ quỹ thời gian của hầu hết mọi người trên cõi đời. Cùng với dân tộc, chúng tôi đã sống một thời kỳ đầy biến động, làm lay chuyển tận gốc rễ vận mệnh của bao nhiêu con người, của cả đất nước, cả dân tộc”.

Đường trần kể lại cuộc đời 75 năm của bà Trần Tố Nga - phụ nữ Việt Nam sinh ra trong thời kỳ đất nước đấu tranh giành độc lập, thống nhất, sống giữa bão táp khốc liệt của chiến tranh. Mất cha từ thuở lên năm, mẹ tham gia cách mạng bị đối phương tù đầy rồi hy sinh, sau khi tốt nghiệp đại học, Trần Tố Nga đã từ chối đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài để vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu. Rồi bà bị nhiễm chất độc da cam, bị chính quyền Sài Gòn tù đày và tra tấn, sinh con trong tù, chịu đựng những oan ức, thị phi kéo dài…

Tự truyện nhưng không chỉ kể lại câu chuyện đời của cá nhân tác giả, mà ở đó còn thấy bóng dáng cuộc sống và chiến đấu của cả một lớp người, cả một thế hệ sinh trưởng trong bão lửa chiến tranh với những biến động dữ dội của dân tộc. Trên con đường ấy, có niềm vui - nỗi buồn, có cả vinh quang và cay đắng song hành, nhưng họ không hề do dự hiến dâng thân mình cho độc lập dân tộc, cho tự do, hạnh phúc mỗi người.
 

Chia sẻ trong buổi ra mắt sách sáng 7.9 tại Hà Nội, bà Trần Tố Nga nói: “Chúng tôi đã sống trọn thời đại của mình, đã trải nghiệm, đương đầu với những bão táp của nó. Và chúng tôi đã có những niềm vui cùng rất nhiều đau khổ, mất mát, hy sinh… Điều đáng tự hào nhất là chúng tôi đã không chịu để mất mình trong những điều kiện nghiệt ngã nhất, đã không phản bội những giá trị sống được giáo dục từ khi còn tấm bé, trong truyền thống gia đình và dân tộc mình”.

Truyền hơi ấm tình người

Khi viết những dòng cuối cùng cuốn tự truyện, căn bệnh ung thư và di chứng dioxin/da cam đang dằn vặt, bà Trần Tố Nga vẫn tiếp tục cuộc chiến đấu của mình, đứng ra kiện các công ty hóa chất Mỹ vì quyền lợi của nạn nhân da cam. Năm 2009, Tòa án Lương tâm Quốc tế vì Nạn nhân da cam Việt Nam mở tại Paris, bà xin được tham gia với tư cách nhân chứng. Đứng trước phiên tòa, trước thế giới, bà nghẹn ngào xúc động: “Tôi nghĩ đến hàng triệu nạn nhân ở Việt Nam không có dịp cho thế giới thấy nỗi thống khổ cũng như lòng can đảm của họ, đến bao nhiêu người đã chết vì chất độc da cam không còn có thể lên tiếng đòi lại công lý cho mình, đến các thế hệ sau này còn tiếp tục sống trong cực khổ với di hại di truyền của chất da cam”.

Trong các câu chuyện kể, bà Trần Tố Nga luôn nhắc đi nhắc lại hai từ “cảm ơn”. Bà cho rằng, chính sức mạnh nội tâm giúp cho trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất con người ta không đánh mất mình, không đánh mất cái nhìn nhân hậu, tình nghĩa, khoan dung với cuộc đời. Sức mạnh ấy đến từ tình người, từ tấm lòng của những người luôn đồng hành với bà trên hành trình đi tìm chân lý. Vì vậy, vụ kiện 19 công ty hóa chất Mỹ không phải là cuộc phân định hơn thua. Đó là cuộc lội ngược dòng hoàn toàn tự nguyện và không hề đơn độc.

Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, bà Trần Tố Nga đã ngược dòng để kết nối trái tim mình với mọi người, kết nối dân tộc Việt Nam với nhân loại. “Nửa cuối thế kỷ XX của dân tộc Việt Nam là con đường trần khốc liệt dữ dội, vinh quang lắm, tự hào nhiều, nhưng đau thương vô cùng. Lịch sử ấy không trừu tượng. Với Đường trần, chúng ta biết hơn về một cuộc đời cao cả. Tuổi ngoài 70, đúng ra chị có thể nghỉ ngơi, nhưng con đường trần của Tố Nga vẫn chưa khép lại”.

Để đến đoạn cuối con đường, bà Trần Tố Nga vẫn khẳng định: “Nếu phải đi trở lại, tôi đi lại đường này” như câu nói của nhà báo - chiến sĩ G.Pery trước lúc bị phát xít Đức xử bắn. “Ngày 28.9 tới sẽ diễn ra phiên tòa thứ 9, các luật sư đang ráo riết trả lời phản biện dày mấy chục trang của 19 công ty hóa chất Mỹ. Khó khăn vẫn chồng chất. Người Pháp ví đó là cuộc chiến đấu của những kẻ giàu nứt đố đổ vách với một con người nghèo khổ. Còn Việt Nam có câu: Châu chấu đá voi. Nhưng hành trình này tôi không một mình. Sức mạnh bao quanh tôi. Đấy là hơi ấm tình người”, bà Trần Tố Nga chia sẻ.

Theo Lê Thư - ĐBND
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng
Giữ lửa chèo (06/09/2017)