Văn nghệ trong nước
Cộng hưởng âm nhạc và nhiếp ảnh
15:44 | 19/09/2017

Nhà báo Nguyễn Đình Toán được mệnh danh là “Thống đốc ngân hàng ảnh văn nghệ sĩ” bởi kho ảnh khổng lồ văn nghệ sĩ được ông chụp suốt hơn 20 năm qua. Triển lãm ảnh Nhạc trưởng 27/45 đang diễn ra tại số 1 Tôn Đản, Hà Nội, giới thiệu những khoảnh khắc thăng hoa của 30 nhạc trưởng, chỉ là một phần nhỏ trong gia tài ấy.

Cộng hưởng âm nhạc và nhiếp ảnh
Nhà báo Nguyễn Đình Toán tại lễ khai mạc triển lãm ảnh Nhạc trưởng 27/45 - Ảnh: Minh Quang

Khác với dự định ban đầu và như tên triển lãm là 45 tác phẩm về 27 nhạc trưởng, nhà báo Nguyễn Đình Toán đã quyết định trưng bày 52 bức ảnh về 18 nhạc trưởng Việt Nam (như Đàm Linh, Đỗ Dũng, Trọng Bằng, Cao Việt Bách, Đỗ Hồng Quân, Lê Phi Phi, Nguyễn Thiên Đạo...) và 12 nhạc trưởng nước ngoài (Yoshikazu Fukumura, Graham Sutcliffe, Dorian Wilson…). Khi được hỏi lý do chụp các nhạc trưởng, câu trả lời đơn giản là: “Vì yêu thích”, bởi “nhạc công đã tài nhưng nhạc trưởng còn tài hơn”. Ông cho biết: “Đây chưa phải những hình ảnh đẹp nhất của các nhạc trưởng. Tôi sẽ cố gắng tiếp tục giới thiệu nhiều hơn, bởi chính họ là nguồn cảm hứng tạo nên những tác phẩm nhiếp ảnh cho tôi”.

Có lẽ nhà báo Nguyễn Đình Toán không xa lạ với giới văn nghệ sĩ, bởi ông luôn có mặt ở hầu hết sự kiện văn hóa - nghệ thuật, dù lớn hay nhỏ. Bức ảnh sớm nhất ông chụp nhạc trưởng là ngày 4.5.1994 trong Liên hoan Nhạc kèn lần thứ nhất tại Nhà hát Lớn Hà Nội, còn bức mới nhất chụp ngày 2.9 vừa qua. Và đến nay ông vẫn tiếp tục cầm máy, bởi niềm đam mê với nhiếp ảnh, nghệ thuật chưa bao giờ giảm sút. Nhiều đêm nhạc ông bỏ tiền mua vé vào để chụp ảnh chứ không phải để xem nghệ thuật.

 Một trong những nhạc trưởng được nhà báo Nguyễn Đình Toán yêu quý nhất là nhạc sĩ Vũ Ngọc Quang, nhưng có một điều ông rất áy này: “Tôi từng tặng nhạc sĩ một tấm hình và được ông treo trang trọng tại nhà riêng. Nhưng tấm hình chưa đủ nét nên tôi hứa sẽ tìm lại phim gốc để phóng bức ảnh to hơn tặng nhạc sĩ. Bây giờ nhạc sĩ đã đi xa, tôi vẫn chưa tìm thấy phim gốc, nhưng tôi tin sẽ sớm tìm được”.

Với Nguyễn Đình Toán, trong mỗi bức chân dung nhạc trưởng đều thể hiện thần thái, cảm xúc khác nhau, có người nhẹ nhàng êm dịu, có người mãnh liệt, mạnh mẽ, nhưng ông luôn cố gắng ghi lại những khoảnh khắc thăng hoa nhất của họ. Và tất nhiên, để nắm bắt được những khoảnh khắc khó lặp lại ấy, người chụp phải có sự mẫn cảm nhất định, ngắm thật kỹ và chớp thật nhanh giây phút xuất thần của nghệ sĩ. Nhà báo Nguyễn Đình Toán chia sẻ: “Cái khó trong chụp ảnh nhạc trưởng là chỉ có thể chụp khi đến đoạn có hợp âm mạnh, vì khi hợp âm nhẹ mà bấm máy chụp sẽ gây ảnh hưởng đến bản thân nhạc trưởng và cả khán giả”.

Nhạc trưởng được đánh giá là một trong những vị trí khó nhất trong âm nhạc. Thần thái của nhạc trưởng lúc tập trung cao độ nhất, hòa mình vào âm nhạc, thể hiện hạnh phúc và niềm vui không dễ có. Để ghi lại những bức ảnh tự nhiên, miêu tả chân thực nhất thần thái ấy đòi hỏi kỹ thuật và tính nghệ thuật cao. Chính những bức ảnh của Nguyễn Đình Toán đã góp phần nuôi dưỡng thêm cảm xúc cho chẳng đường tiếp theo của họ. Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, NSND Phạm Ngọc Khôi cho rằng, qua những bức ảnh của Nguyễn Đình Toán, ông được nhớ lại thời điểm thăng hoa trong không gian âm nhạc mà mình đã biểu diễn. “Chúng tôi cũng nhớ lại chặng đường biểu diễn đã qua với cảm xúc của từng đêm diễn không thể nào quên được. Những bức ảnh với thần thái hiếm có gợi cho chúng tôi nhớ về một đêm diễn ấn tượng không phải lúc nào cũng có trong nghệ thuật”. Tuy nhiên, nhà báo Nguyễn Đình Toán vẫn tiếc nuối: “Trong suốt mấy chục năm cầm máy, điều tôi tiếc nhất là không có đủ phương tiện kỹ thuật hiện đại để có thể chụp được những giọt mồ hôi của các nhạc trưởng vào mùa đông, để thấy được sự lao động nghệ thuật cực nhọc như thế nào của các nhạc trưởng”.


Nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi, ảnh chụp ngày 27.12.2007

Nhà báo Nguyễn Đình Toán còn có nhiều bức chân dung về các nhà văn, nhạc sĩ, nhà thơ, nhưng riêng ở lĩnh vực âm nhạc, NSND Phạm Ngọc Khôi nhận định: “Nguyễn Đình Toán có con mắt nghệ thuật đầy âm nhạc, chứ không phải nhìn từ góc độ của mỹ thuật hay nhiếp ảnh. Những tác phẩm của Nguyễn Đình Toán đã toát lên được tư tưởng âm nhạc, những khoảnh khắc đáng nhớ của nhạc trưởng. Âm nhạc là loại hình nghệ thuật có màu sắc, cấu trúc, cảm xúc, có động và tĩnh, nên hội tụ rất nhiều dòng văn hóa nghệ thuật khác nhau. Do đó, khi có sự cộng hưởng giữa âm nhạc và nhiếp ảnh sẽ tạo nên một mảng nghệ thuật lớn”.

Theo Hồng Nhung - ĐBND

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Giữ lửa chèo (06/09/2017)