Sáng 19/9, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam tổ chức kỷ niệm 172 năm ngày sinh và 110 năm ngày mất danh nhân văn hóa Đào Tấn.
Đào Tấn là một nhà hoạt động văn hóa toàn tài với một sự nghiệp trước tác phong phú, đồ sộ, ít người sánh kịp, không những trong lịch sử văn hóa nước ta mà còn ở trên thế giới. Được coi là hậu tổ của nghệ thuật Tuồng, Đào Tấn đã sáng tác, chính lý, cải biên, dàn dựng hàng trăm vở tuồng; đưa nghệ thuật tuồng lên những đỉnh cao chói lọi với những kiệt tác sân khấu như “Hộ sanh đàn”, “Trầm Hương các”, “Diễn võ đình”…
Ông cũng là tác giả của nhiều làn điệu độc đáo trong âm nhạc tuồng, là tác giả tập sách lý luận sân khấu đầu tiên của nước ta mang tên “Hí trường tùy bút”...
Với công lao to lớn của Đào Tấn đối với nghệ thuật tuồng nói riêng và nghệ thuật dân tộc nói chung, trên con đường giữ gìn vốn quý của tiền nhân, thế hệ nghệ sĩ ngày nay cần tiếp tục khẳng định tầm vóc và giá trị nghệ thuật Đào Tấn ở tầm quốc tế.
Để làm được điều đó, theo NSND Vương Duy Biên- thứ trưởng Bộ VHTTDL, trước hết chúng ta cần tuyên truyền quảng bá sâu rộng hơn ở trong và ngoài nước về cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân Đào Tấn cũng như phổ biến có hiệu quả hơn các tác phẩm bất hủ của ông.
Ngoài ra các đơn vị nghệ thuật tuồng cũng như các đơn vị sân khấu các kịch chủng khác trong cả nước nên có kế hoạch tái tạo các kiệt tác của Đào Tấn theo cách mới phục vụ người xem hôm nay.
Đặc biệt tỉnh Bình Định cần có kế hoạch phối hợp với Bộ VHTTDL, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc để phát huy tốt Khu nhà thờ Đào Tấn ở quê hương Tuy Phước, Bình Định.
Theo Trần Vân - ĐĐK