Văn nghệ trong nước
Khi ký ức xưa trở lại
09:50 | 02/10/2017

Có lẽ đã lâu lắm rồi, người Hà Nội mới có một điểm đến thực sự “ra hồn" ngày Trung Thu. Không phải là Hàng Mã đông nghịt người với những món đồ sắc màu xanh đỏ tây tàu đều có. Không phải là những cuộc vui rước đèn rồi chia kẹo thiếu bản sắc lâu nay. Văn Miếu Quốc Tử Giám những ngày này là một không gian đậm chất trung thu, mang bản sắc trung thu Việt Nam từ những điều nhỏ nhặt nhất.

Khi ký ức xưa trở lại
Đã lâu lắm rồi mới được nhìn đèn trung thu cổ xưa, đây là đèn con cá làm bằng lông thỏ vang bóng một thời.

Đêm đầu tiên của Thu Vọng Nguyệt đã diễn ra với nhiều sự hồi tưởng về ký ức của những người tham dự. Rất nhiều người trong số đó hẳn lâu lắm rồi mới lại được thấy Tàu thuỷ sắt tây, Thiên nga bông hay Đèn kéo quân,...


Tuổi thơ là những thứ giản dị đơn sơ như thế này thôi!


Những mâm quà mang trong mình cái hồn cốt của trung thu.

Những bức tranh mùa Trung thu từ Thu Vọng Nguyệt có lẽ gây xúc cảm nhiều nhất tới những người lớn tuổi, hoặc những người trẻ nhưng đã từng có ký ức sâu đậm về trung thu của tuổi thơ. Có những điều rất giản dị nhưng chốn thị thành giờ không còn kiếm nổi, giờ vô tình gặp lại những chiếc mặt nạ giấy, những thúng, những mẹt, những đèn hạt gạo xưa,... Mọi thứ như chầm chậm tràn về từ ký ức.


Những chiếc mặt nạ giấy bồi, trống đánh thùng thình, đầu sư tử tưởng như chỉ còn trong ký ức.

Rất nhiều câu chuyện cứ lần lượt được kể trên mỗi bước chân từ cổng vào đến sân chính. Rồi trong mỗi sạp hàng, một điều gì đó cổ truyền, xưa cũ của dân tộc lại hiện ra, tươi mới và hấp dẫn. Đó là làm bánh trung thu với khuôn gỗ, đèn trung thu con cá, con thỏ, ông tiến sĩ giấy, tò he, tàu thuỷ sắt tây, thiên nga bông,... 

Đôi khi đó là câu chuyện kể của những người nghệ nhân cuối cùng của nghề, là những năm tháng sống động, những ký ức ngày bé không thể nào quên.


Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến, người cuối cùng của làng nghề Tiến sĩ giấy.


Ông Tiến sĩ giấy cũng đã lâu không còn thấy ngồi bên mâm ngũ quả...

Những chất liệu xưa cũ của mùa trung thu được gói ghém, trình bày một cách khéo léo, truyền vào đó hơi thở của nghệ thuật đương đại. Người xem không những cảm thấy sự giản dị của những mùa thu cũ, họ còn cảm nhận được sự hoành tráng, lung linh huyền ảo khi ký ức đan cài cùng hiện tại. Ông bà sống lại những ký ức để vui cùng con cháu, bố mẹ có thêm những câu chuyện để dạy con cảm nhận cuộc sống. Những ký ức còn đọng lại thêm một dịp được thăng hoa để lưu giữ mãi.


Đã lâu lắm rồi mới được nhìn đèn trung thu cổ xưa, đây là đèn con cá làm bằng lông thỏ vang bóng một thời.

Một câu chuyện cũ mùa Trung thu đã được tái hiện lại với cách kể mới, mang đến sự giao thoa của cái xưa và cái nay, ký ức và hiện tại, và để lại trong lòng người những ấn tượng khó phai. 

Đây là hoạt động tiếp theo của Quán Ăn Ngon trong nỗ lực gìn giữ, bảo tồn, quảng bá văn hoá truyền thống và bản sắc dân tộc không chỉ dựa trên nghệ thuật ẩm thực mà còn thông qua sức hấp dẫn của nghệ thuật sắp đặt, trình diễn ánh sáng và âm nhạc.


Tàu thuỷ sắt tây - món quà xa xỉ của những đứa trẻ Việt.


Những giỏ thiên nga bông là ao ước một thời của các bé gái thị thành.


Hẳn nhiều đứa trẻ thời hiện đại sẽ không tin được rằng những chiếc tàu thuỷ đồ chơi này có thể nổi được như tàu thật. 

Theo Ngân Anh - ĐĐK

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng