Nhà văn Nhật Bản Masatsugu Ono đã bày tỏ rằng ông rất ngạc nhiên khi nhận được sự quan tâm đặc biệt của độc giả Việt Nam về buổi tọa đàm “Viết không đau về nỗi đau” nhân dịp tác phẩm “Lời nguyện cầu chín năm trước” được dịch và xuất bản ở Việt Nam.
Buổi Tọa đàm được tổ chức sáng 31/10, tại Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản ở Hà Nội.
Tại Tọa đàm, TS văn học Trần Ngọc Hiếu đến từ Trường ĐH Sư phạm Hà Nội bày tỏ ông đã đọc tác phẩm “Lời nguyện cầu chín năm trước” giới thiệu dịp này cũng như tác phẩm “Tiếng hát người cá” cũng của nhà văn Masatsugu Ono được Nhã Nam đã được xuất bản trước đó và tìm thấy ở đó những câu chuyện rất khác về Nhật Bản - một Nhật Bản không xa lạ trong những câu chuyện thật gần gụi với Việt Nam.
Đấy là câu chuyện về những cư dân sống trên một vùng đảo của Nhật Bản- vùng đảo có nhịp sống đều đặn, bình lặng, không có xung đột hay biến cố của thời đại nổi lên và luôn đầy ắp những tục lệ, tín ngưỡng, mê tín…
Và, đi từ liên truyện của những “Lời nguyện cầu chín năm trước”, “Đêm rùa biển”, “Đi thăm bệnh” rồi “Hoa ác”, độc giả có thể tìm thấy vẻ đẹp của… nỗi đau bởi ngòi bút chan chứa tình yêu cuộc sống của nhà văn Masatsugu Ono.
Một độc giả trẻ chia sẻ tại Tọa đàm, bạn ấy lại tìm thấy một câu chuyện không của riêng Nhật Bản về sự vô cảm của thế hệ trẻ hôm nay qua những trang văn dù buồn buồn nhưng rất nên thơ của Masatsugu Ono.
Được nghe những sẻ chia, tranh luận ấy, nhà văn Masatsugu Ono đã bày tỏ rằng cuốn “Lời nguyện cầu chín năm trước” được ông viết từ nỗi đau cá nhân, khi người anh trai của ông qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo.
Ông muốn trải nỗi đau của mình trên trang giấy và không nghĩ rằng đã nhận được rất nhiều đồng cảm từ các độc giả Việt Nam như thế.
Với ông, mỗi câu chuyện ông viết là để gửi gắm một điều, nỗi đau luôn đồng hành với cuộc đời mỗi người. Quan trọng là ta nhận ra, không trốn tránh, biết đối mặt và vượt qua...
Được biết, đây là lần thứ ba nhà văn Masatsugu Ono đến Việt Nam.
Theo Thái Anh - ĐĐK