Lễ hội Khán hoa Mẫu đơn (tức Lễ hội chùa Phật Tích), ở xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, diễn ra từ ngày 18-20/2, (tức từ mồng 3 đến mồng 5 Tết), thu hút đông đảo du khách thập phương về dâng hương, trẩy hội.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Tiên Du, Phó Trưởng ban Chỉ đạo lễ hội Khán hoa Mẫu đơn, năm nay do thời tiết đẹp nên lượng khách đến với lễ hội đông hơn mọi năm, đặc biệt trong ngày mùng 4 Tết - ngày chính hội.
Để lễ hội diễn ra an toàn, bảo đảm đúng nghi lễ truyền thống và thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo lễ hội do Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện làm trưởng ban; cấp xã thành lập Ban tổ chức lễ hội.
Phần lễ được diễn ra trang nghiêm, từ ngày mùng 3 gồm hoạt động dâng hương, tế lễ do nhà chùa và Hội phật tử địa phương tiến hành. Sáng mùng 5, trên Quảng trường Đại Phật tượng, lễ cầu quốc thái dân an, cầu bình an cho nhân dân sẽ diễn ra.
Phần hội gồm các trò chơi dân gian như tổ tôm điếm, vật, hát Quan họ... hướng về lễ hội truyền thống.
Do lượng du khách địa phương về khu vực diễn ra lễ hội rất đông, Ban Chỉ đạo lễ hội đã thành lập gần 20 chốt an ninh trật tự để phân luồng xe, tránh ùn tắc giao thông, bảo đảm an toàn lễ hội, tránh tình trạng trộm cắp tài sản của du khách về trảy hội.
Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cũng được chú trọng. Ban Chỉ đạo đã giao cho Phòng Y tế huyện Tiên Du xây dựng kế hoạch phối hợp với Đội quản lý thị trường thường xuyên kiểm tra các cửa hàng dịch vụ ăn uống.
Tại khu vực diễn ra lễ hội, Ban tổ chức bố trí 10 cụm loa phát thanh tuyên truyền về nội quy, quy chế lễ hội, giới thiệu di tích chùa...
Lễ hội Khán hoa Mẫu đơn là một trong những lễ hội diễn ra với quy mô lớn, sớm nhất tỉnh Bắc Ninh. Việc tổ chức lễ hội nhằm khơi dậy lòng tự hào của nhân dân địa phương về di sản văn hóa; cổ vũ, động viên nhân dân thi đua yêu nước, hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội.
Lễ hội đã tồn tại và phát triển hàng nghìn năm, gắn liền với ngôi chùa Phật Tích có bề dày lịch sử và chiều sâu tâm linh, nơi khởi nguồn của Phật giáo Việt Nam với câu chuyện tình cảm động Từ Thức gặp tiên.
Theo huyền thoại, xưa kia, vùng núi Phật Tích và vườn chùa Phật Tích trồng nhiều hoa mẫu đơn. Hằng năm, mỗi khi Xuân về, hoa mẫu đơn nở đỏ rực cả một góc trời. Người người đổ về đây trảy hội, ngắm hoa, vãn cảnh chùa.
Trên trời, nàng tiên Giáng Hương thấy cảnh trần gian tuyệt đẹp, đã xin giáng trần dự hội chùa nhưng vô tình, nàng đánh gãy một cành hoa mẫu đơn giữa cửa chùa nên bị chú tiểu giữ lại.
Chàng Từ Thức bèn xin chuộc tội cho nàng. Cảm động với nghĩa cử cao đẹp của chàng trai hào hoa, phong nhã, nàng Giáng Hương đã ngỏ lời hò hẹn với chàng và đã mời chàng về chốn “bồng lai” xin kết duyên vợ chồng.
Chùa Phật Tích là nơi các nhà sư từ Ấn Độ lần đầu tiên đến truyền dạy đạo Phật vào nước ta rồi xuôi theo dòng sông Dâu về vùng Luy Lâu lập nên trung tâm Phật giáo đầu tiên ở nước ta. Đến thời Lý, chùa Phật Tích được xây dựng thành đại danh lam thắng cảnh. Tuy nhiên, đến thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chùa bị giặc chiếm đóng và phá hủy nhiều, chỉ còn lại một số di vật, cổ vật. Sau đó, chùa được khôi phục lại.
Hiện nay, trong chùa còn lưu giữ 2 nhóm bảo vật quốc gia là 10 linh thú đá, tượng Phật Adiđà bằng đá có niên đại từ thời Lý.
Ngày 31/12/2014, chùa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.