Tối 20/2 (mùng 5 Tết Mậu Tuất), tại Công viên Tao Đàn, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Ban tổ chức các ngày Lễ lớn Thành phố tổ chức Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 229 năm Chiến thắng Đống Đa lịch sử (1789-2018) với chủ đề "Hùng thiêng sông núi Việt Nam."
Đến dự có đại diện lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh và đông đảo tầng lớp nhân dân.
Phát biểu tại chương trình, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đã ôn lại lịch sử cách đây vừa tròn 229 năm, vào mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789, nghĩa quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy tài tình, sáng tạo của người Anh hùng áo vải Quang Trung-Nguyễn Huệ đã tiến công thần tốc, đánh tan 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh, giải phóng kinh thành Thăng Long, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.
Bà Tô Thị Bích Châu khẳng định Chiến thắng Đống Đa là sự hội tụ, kết tinh sâu sắc truyền thống yêu nước, độc lập, tự do ngàn đời của nhân dân; đồng thời còn mang ý nghĩa tinh thần đoàn kết, dũng cảm, ý chí quật cường của quân và dân ta trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc.
Trong không khí đất trời vào Xuân, Thành phố Hồ Chí Minh cùng cả nước bước vào một mùa Xuân mới với nhiều thành tựu đạt được và tiếp tục vững tin, nỗ lực phát triển trên nhiều lĩnh vực.
Bà Tô Thị Bích Châu tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố.
Từ mùa Xuân này, Thành phố sẽ khởi động những sáng tạo mạnh mẽ hơn, để ngày càng phát triển bền vững, xứng đáng với những hy sinh của thế hệ cha ông đi trước.
Tại chương trình, khán giả được thưởng thức nhiều tiết mục biểu diễn nghệ thuật đặc sắc, với sự tham gia biểu diễn của hàng trăm diễn viên, nghệ sỹ nổi tiếng.
Các tiết mục đã tái hiện lại không khí hào hùng của nghĩa quân Tây Sơn dũng mãnh kiên cường trước giặc xâm lăng như nhạc múa “Âm vang trống trận” – biểu diễn nghệ sỹ ưu tú Nguyễn Thị Thuận (cháu 9 đời nghĩa sỹ đánh trống trận Tây Sơn); bài chòi “Ngàn năm bia đá”…
Qua đó gợi nhắc về một ký ức lịch sử đầy tự hào, khơi dậy trong lòng mỗi người dân Việt Nam và thế hệ trẻ niềm tự hào dân tộc, mong muốn tiếp tục vun đắp, bảo vệ Tổ quốc ngày càng phồn vinh, thịnh vượng và phát triển.