Dự án Họa sắc Việt từ tranh Hàng Trống được một nhóm bạn trẻ tại Hà Nội thực hiện, với mong muốn cung cấp những phân tích sâu sắc và phương pháp cụ thể cũng như tiềm năng ứng dụng màu sắc, họa tiết của dòng tranh dân gian này trong đời sống đương đại.
Câu trả lời từ truyền thống
Tranh Hàng Trống là một trong những dòng tranh dân gian tiêu biểu của Việt Nam, đồng thời cũng được xem là dòng tranh đại diện cho mảnh đất Thăng Long kết tinh nhiều giá trị thẩm mỹ, tinh thần và tín ngưỡng của người Kinh kỳ xưa. Tuy nhiên, sản phẩm mang hồn bản sắc Thăng Long - Hà Nội ấy đang lùi dần vào quá khứ. Dòng tranh này chỉ còn được lưu giữ trong bảo tàng và trong bộ sưu tập của một vài nhà sưu tầm tranh hiếm hoi. Làm sao để bảo tồn, lưu giữ và phát triển nét bản sắc ấy? Đâu mới là phong cách thiết kế đậm chất Việt và khiến hai chữ “Việt Nam” không thể bị nhầm lẫn trong ngành thiết kế toàn cầu? Những câu hỏi này khiến nhà thiết kế đồ họa Trịnh Thu Trang trăn trở. Bởi trong khi chỉ bằng một cú click, chúng ta có thể tiếp cận hàng nghìn đầu sách, tư liệu phong phú về phong cách thiết kế của Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh hay Pháp, thì nguồn tư liệu về phong cách thiết kế Việt Nam có thể nói rất ít ỏi và mờ nhạt.
Khi được tiếp cận và nghiên cứu về tranh Hàng Trống, nhà thiết kế Trịnh Thu Trang quyết tâm lưu giữ lại giá trị đặc sắc này. Đây cũng là lý do nhóm SRiver do cô sáng lập đã tập hợp và thực hiện dự án Họa sắc Việt, với sản phẩm đầu tiên là cuốn sách mang tên Họa sắc Việt từ tranh Hàng Trống dành cho ngành thiết kế, mỹ thuật và những người yêu mến văn hóa dân gian Việt Nam. Nhận được sự tham vấn chuyên môn và đánh giá tích cực từ các nhà nghiên cứu mỹ thuật, cuốn sách như một kho dữ liệu về màu sắc dân gian, đem hơi thở của nghệ thuật truyền thống vào thiết kế hiện đại.
Nhà thiết kế Trịnh Thu Trang chia sẻ, thông qua những khía cạnh được đề cập, dự án nhằm tạo ra một cách tiếp cận mới về việc duy trì, bảo tồn những giá trị truyền thống. Không cố gắng bê nguyên truyền thống đặt vào thực tại, không cố níu kéo những điều thuộc về lịch sử, điều cuốn sách hướng tới là chắt lọc những gì từ chất liệu dân gian có tiềm năng ứng dụng vào cuộc sống hiện đại, vào công việc hiện tại của những nhà thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang, nội thất hay nhiều nghệ sĩ khác. “Đó là cách để những giá trị xưa sống lại, để chúng không chỉ vĩnh viễn nằm yên trong bảo tàng mà ở bất cứ đâu trong đời sống người ta đều có thể dễ dàng bắt gặp. Bởi văn hóa như một dòng chảy và mỗi người như một giọt nước, nhiều giọt nước cùng bện vào nhau và đi về một hướng sẽ tạo thành dòng chảy” - nhà thiết kế Trịnh Thu Trang nói.
Kho dữ liệu màu sắc dân gian
Giá trị cốt lõi của nghệ thuật từ nghìn đời vẫn là phản ánh văn hóa và đời sống xã hội. Đây cũng là điều mà tác giả cuốn sách Họa sắc Việt từ tranh Hàng Trống hướng đến, lội ngược dòng trở về với văn hóa truyền thống để tìm lại những giá trị bản sắc. Thoáng nhìn thì cứ ngỡ có tính tương đồng giữa các nước trong khu vực châu Á, nhưng thực tế cho thấy cách thể hiện hay tinh thần trong tranh Hàng Trống vẫn có “hồn” riêng biệt và đậm bản sắc của người Việt. Trong tranh Hàng Trống, các nghệ nhân xưa sử dụng tất cả các màu tương phản mạnh, xanh, vàng, đỏ kết hợp với nhau, tạo nên tính thẩm mỹ, màu sắc hấp dẫn.
Cuốn sách được đánh giá là tài liệu quý giá hỗ trợ việc học tập, nghiên cứu, đồng thời giúp các nhà thiết kế ứng dụng được màu sắc, thiết kế của tranh Hàng Trống vào tác phẩm. Chưa kể, những tư liệu trong sách cũng giúp nghiên cứu và phát huy giá trị các dòng tranh như Đông Hồ hay nhiều loại hình nghệ thuật dân gian khác trong ngành thiết kế.
Có thể thấy, nguồn nguyên liệu từ dân gian có thể trở thành cơ sở để phát triển những ý tưởng thiết kế mới mẻ. Tuy nhiên, thử thách không nhỏ là việc tiếp cận nguồn nguyên liệu độc đáo này, khi văn hóa nghệ thuật dân gian đang mai một rất nhanh. Do vậy, cần có thêm nhiều cá nhân, tổ chức tham gia nghiên cứu, có ý tưởng nhằm chắt lọc, giữ gìn tinh hoa của văn hóa truyền thống để ứng dụng trong cuộc sống hiện đại.
Theo Hồng Nhung - ĐBND