Chuyên đề “Văn hóa dân tộc Xtiêng” với gần 120 hiện vật phản ánh những nét văn hóa truyền thống, từ văn hóa vật chất đến văn hóa tinh thần độc đáo của dân tộc Xtiêng,sẽ khai mạc trưng bày và giới thiệu đến đông đảo công chúng TPHCM tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM (số 2, Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1) vào lúc 10 giờ ngày 19-4.
Đây là hoạt động Kỷ niệm ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19-4, hướng đến chào mừng 43 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2018), 132 năm ngày Quốc tế lao động (1-5-1886 – 1-5-2018) và ngày Quốc tế Bảo tàng 18-5. Hoạt động do Bảo tàng Lịch sử TPHCM phối hợp với Bảo tàng tỉnh Bình Phước tổ chức.
Xtiêng là một trong những cộng đồng cư dân sinh sống ở vùng Đông Nam Á, chủ yếu là Việt Nam và Campuchia. Ở Việt Nam, người Xtiêng sinh sống ở các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh. Trong đó, Bình Phước là tỉnh có dân số đông nhất với gần 100.000 người.
Với lịch sử hình thành phát triển lâu đời, người Xtiêng ở Đông Nam Bộ nói chung, Bình Phước nói riêng có nền văn hóa rất đa dạng, phong phú, mang đặc trưng của cư dân sinh sống ở vùng Trường sơn - Nam Tây nguyên.
Chúng ta có thể cảm nhận được sự đa dạng, phong phú và giàu bản sắc trong văn hóa của cộng đồng cư dân này qua các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể như: Nhà ở, trang phục, phong tục tập quán, nghề thủ công truyền thống, văn học dân gian, lễ hội và tín ngưỡng dân gian...
Ngày nay, trong quá trình hội nhập và phát triển, cộng đồng người Xtiêng ở Bình Phước mặc dù chịu nhiều tác động nhưng vẫn giữ được những giá trị văn hóa đặc trưng, tiêu biểu của cộng đồng.
Chuyên đề “Văn hóa dân tộc Xtiêng” giới thiệu nhiều nhóm hiện vật tiêu biểu trong văn hóa dân tộc Xtiêng.
Nhóm dụng cụ lao động sản xuất với các hiện vật: Rìu, xà gạc, liềm gặt lúa, thoi tra hạt, gàu tát nước, bộ chày cối... gắn với nền nông nghiệp nương rẫy.
Bên cạnh đó còn có những dụng cụ săn bắt như: Xỉa ếch, que xăm lươn, dụng cụ bắt mối, cần câu...
Nhóm hiện vật về ẩm thực có: Vỏ bầu, các loại bình và đặc biệt là xà lung, tố (chóe) gắn liền với văn hóa rượu cần.
Nhóm hiện vật trang sức, có các loại như: Vòng tay, vòng chân, khuyên tai, kiềng bằng kim loại và ngà căng tai...
Nhóm hiện vật về nghề thủ công truyền thống như nghề dệt sợi, dệt thổ cẩm: Bộ khung dệt, dụng cụ ép bông, dụng cụ quay sợi; các loại khăn, túi thổ cẩm được trang trí bằng những hoa văn, họa tiết tinh xảo như hình quả trám, hình học, hình cỏ cây, hoa, lá…với nhiều màu sắc trắng, đỏ, vàng, đen, xanh.
Nhóm các loại nhạc cụ có: Trống, đàn đinh-pút, khèn bầu, sáo Ta Lét, tù và... Đặc biệt là bộ cồng 5 cái và bộ chiêng 6 cái - là biểu tượng cho sức mạnh vật chất, tinh thần của gia đình và cộng đồng. Đây là bộ cồng chiêng thường thấy nhất, đóng vai trò chủ đạo trong trình diễn các lễ hội truyền thống của dân tộc Xtiêng. Cồng chiêng chỉ được biểu diễn trong dịp lễ hội và gắn liền với một không gian nhất định - không gian văn hóa cồng chiêng. Đây là loại hình di sản văn hóa đặc biệt đã được UNESCO công nhận là “Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại” năm 2005.
Người Xtiêng thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khmer, ngữ hệ Nam Á. Họ sinh sống ở các nước Đông Nam Á, chủ yếu là Việt Nam và Campuchia.
Ở Việt Nam, người Xtiêng cư trú tại các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước Bình Dương. Trong đó, Bình Phước là tỉnh có cộng đồng người Xtiêng tụ cư đông và và lâu đời nhất. Dân số ước tính gần 100.000 người, cư trú trên địa bàn 11 huyện, thị xã của tỉnh Bình Phước.
Hiện nay, người Xtiêng chia thành hai nhóm: Người Xtiêng Bù Lơ (sinh sống ở vùng cao) và người Xtiêng Bù Đek (sinh sống ở vùng thấp).
Người Xtiêng Bù Lơ tập trung nhiều nhất là ở Bù Gia Mập và Bù Đăng, ở nhà trệt, canh tác lúa rẫy.
Người Xtiêng Bù Đek sinh sống chủ yếu ở các huyện Lộc Ninh, Hớn Quản, Bình Long... ở nhà sàn, canh tác lúa nước.
Người Xtiêng đã sáng tạo nên một nền văn hóa rất đa dạng, phong phú, mang đậm bản sắc của cư dân sinh sống ở khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ.
|