Tối ngày 24/4, tại cố đô Hoa Lư (xã Trường Yên - huyện Hoa Lư), tỉnh Ninh Bình đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968 - 2018) và khai hội Hoa Lư 2018.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, lãnh đạo các tỉnh thành phố, địa phương, các đoàn khách quốc tế cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương đã về tham dự.
Cách đây tròn 1050 năm, sau khi đánh dẹp và thu phục 12 sứ quân, thống nhất đất nước; ngày mùng 10 tháng 3 năm Mậu Thìn - 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, định đô tại Hoa Lư, lấy niên hiệu là Thái Bình - gắn liền với thiết chế nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc, mở nền chính thống quốc gia, là sự tiếp nối quốc thống của các Vua Hùng. Đây là sự kiện hết sức trọng đại trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Việc xưng là Đại thắng minh Hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, lấy niên hiệu mới Thái Bình, là tuyên ngôn đanh thép của tinh thần độc lập dân tộc, thống nhất quốc gia, là biểu tượng của ý chí tự lập, tự cường, tự chủ của một quốc gia độc lập, thống nhất, có chủ quyền. Niên hiệu Thái Bình còn thể hiện ước mơ được sống trong cảnh đất nước thanh bình, thịnh trị; là ước mong, khát vọng cháy bỏng nghìn đời của dân tộc Việt Nam về một đất nước yên vui, no ấm, mà đức vua Đinh Tiên Hoàng là người có công đầu mở nền, xây móng.
Các màn sân khấu hóa đặc sắc tại lễ hội.
Ngay sau khi thành lập nước, vua Đinh Tiên Hoàng đã xây dựng bộ máy Nhà nước từ Trung ương đến địa phương; Xây dựng cung điện, thiết chế triều nghi; thực hiện chế độ quân sự “ngụ binh ư nông”; chia đất nước thành 10 đạo, cử người tài giỏi đức độ cai quản; thực hiện chính sách ngoại giao mềm dẻo; nhà vua tập trung phát triển nông nghiệp, thủ công nghiệp; xây dựng một nền văn hóa đặc sắc, thuần Việt, cho phát hành tiền “Thái Bình Hưng Bảo” - đồng tiền đầu tiên của Việt Nam, như dấu ấn của nền tài chính độc lập thời sơ khai.
Năm 980, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn được trao ngôi báu, xây dựng nên triều đại huy hoàng thứ hai tại đất Hoa Lư. Suốt 24 năm trị vì, vua Lê Đại Hành đã có những cống hiến to lớn vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước, với thắng lợi vang dội của cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược (năm 981), bình định Chăm-Pa (năm 982), bảo vệ, xây dựng và củng cố nền độc lập, nâng cao vị thế của dân tộc.
Đất Hoa Lư với hai triều đại Đinh, Tiền Lê trở thàng giai đoạn đặt nền móng, để vua Lý lên ngôi năm 1009. Mùa thu năm Canh Tuất 1010, vua Lý Thái Tổ ban chiếu dời đô từ Hoa Lư ra Đại La, sau đổi thành Thăng Long. Kinh đô Hoa Lư hoàn thành sứ mệnh lịch sử, là nơi phát tích của các triều đại phong kiến Việt Nam, lưu dấu một giai đoạn lịch sử hào hùng sáng mãi với tên tuổi của ba con người, ba cuộc đời kiệt xuất: Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành và Lý Thái Tổ, nơi lưu giữ những giá trị khởi nguyên trong hành trình phục hưng dân tộc.
Phát huy truyền thống của cha ông, Ninh Bình luôn là một trong những địa phương giàu truyền thống cách mạng với nhiều phong trào yêu nước. Trong những năm qua, kinh tế, xã hội luôn có những bước phát triển vượt bậc; cơ cấu chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Đặc biệt, từ khi Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, đã mở ra cơ hội lớn, đưa du lịch Ninh Bình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Năm 2017, Ninh Bình đã đón trên 7 triệu lượt khách.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình thay mặt Đảng và Nhà nước ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những thành tựu to lớn mà Đảng bộ và nhân dân Ninh Bình đã đạt được trong thời gian qua.
Đồng thời, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Trong thời gian tới, Ninh Bình cần tiếp tục nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các cấp, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh, tăng cường đoàn kết, phát huy dân chủ và sức mạnh tổng hợp, khai thác tiềm năng lợi thế, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân chung của khu vực Đồng bằng sông Hồng.
Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng tỉ trọng công nghiệp dịch vụ làm nền tảng để phát triển nhanh và bền vững, phát triển du lịch, sớm xây dựng Ninh Bình thành một trung tâm du lịch trọng điểm của vùng và của cả nước có tầm quốc tế, sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Quan tâm, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa lịch sử của vùng đất con người cố đô. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp dịch vụ có tiềm năng lợi thế, nhất là công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ chế biến, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại gắn với xây dựng nông thôn mới, tăng cường hợp tác kinh tế đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để tận dụng cơ hội cách mạng công nghiệp 4.0...
Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp, phòng chống tham nhũng lãng phí, thực hành tiết kiệm, bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực phòng chống thiên tai ứng phó biến đổi khí hậu; tăng cường quốc phòng an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội làm tốt công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội, kịp thời giải quyết những bức xúc, khiếu nại, tố cáo của người dân, quan tâm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, giúp Ninh Bình ngày càng phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Kết thúc phần lễ, phần hội được mở màn với màn nghệ thuật chào mừng với chủ đề: “Rực sáng Thiên anh hùng ca Đại Cồ Việt”, với sự tham gia của 500 diễn viên chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp và quần chúng địa phương.
Ngay sau chương trình nghệ thuật chào mừng là màn bắn pháo hoa tầm cao tại đền Am Tiên.
Lễ hội Hoa Lư 2018 được tổ chức trong 4 ngày (thêm 1 ngày so với năm trước), từ ngày 24/4 đến ngày 27/4 (tức ngày 9/3 đến ngày 12/3 âm lịch). Riêng lễ mở cửa đền, lễ dâng hương được thực hiện trong ngày 23/4 (ngày 8 âm lịch).
Theo Nguyễn Chung - ĐĐK