Văn nghệ trong nước
Quy hoạch xây dựng tượng đài Quốc tổ Hùng Vương là cần thiết
09:17 | 09/05/2018

Hội thảo về Quy hoạch tượng đài, tượng ngoài trời Quốc tổ Hùng Vương đến năm 2035 do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) diễn ra ngày 8/5, tại Hà Nội.

Quy hoạch xây dựng tượng đài Quốc tổ Hùng Vương là cần thiết
Đoàn dâng hương từ sân trung tâm lễ hội lên đền Thượng. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên chia sẻ: Quy hoạch tượng đài Quốc tổ Hùng Vương là việc làm cần thiết nhằm kiểm soát số lượng, chất lượng các công trình tượng đài Quốc tổ Hùng Vương từ nay đến năm 2035 trên cả nước; xác định nhiệm vụ, mục tiêu, địa điểm xây dựng tượng đài.

Thông qua hội thảo, Ban tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các nhà quản lý văn hóa, nhà quy hoạch, xây dựng, nhà khoa học về lịch sử, di sản; hoàn thiện nội dung nhiệm vụ, mục tiêu, tiêu chí “Quy hoạch tượng đài Quốc tổ Hùng Vương đến năm 2035.”

Đa số đại biểu tham dự cho rằng: Các tượng đài Quốc tổ Hùng Vương góp phần thể hiện lòng thành kính, sự tri ân công đức tổ tiên, đã đáp ứng được một phần yêu cầu về tinh thần, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân trong việc tri ân công đức các vua Hùng có công dựng nước; giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đại đoàn kết dân tộc. 

Tượng đài các vua Hùng thường được xây dựng ngoài trời, một số nằm trong các khu vui chơi, thắng cảnh, du lịch với mục đích trang trí cảnh quan nên không mang tính biểu tượng, thiếu sáng tạo về nghệ thuật.

Hiện chưa có quy hoạch tổng thể không gian, kiến trúc cho tượng đài Hùng Vương để tạo thành điểm nhấn văn hóa, chưa có sự phối hợp quy hoạch đồng bộ về cảnh quan, không gian, bài trí, ánh sáng, màu sắc...

Tượng đài Hùng Vương có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân Việt Nam. Do đó, việc xây dựng tượng đài Hùng Vương là việc làm tạo ra cơ sở vật chất, biểu tượng văn hóa.

Việc quy hoạch địa điểm xây dựng tượng đài Hùng Vương góp phần đảm bảo sự quản lý thống nhất phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội và kiểm soát số lượng, chất lượng các tượng đài Hùng Vương trong cả nước.

Ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ khẳng định sự cần thiết phải có quy hoạch, tổ chức xây dựng tượng đài Vua Hùng tại các địa phương.

Tuy nhiên, ở địa phương, hình tượng Hùng Vương được hình thành qua ý thức cộng đồng, các tiêu chí, chứng tích lịch sử không rõ ràng. Do đó, tỉnh Phú Thọ đề nghị cần có tiêu chí rõ, trong đó nên quan tâm đến tiêu chí xây dựng tượng ngoài trời để làm rõ giá trị văn hóa, lịch sử. Tỉnh Phú Thọ hiện đã phác họa mẫu tượng, đưa ra một số địa điểm xây dựng và đang chờ phê duyệt.

Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ: Có một thực tế là ý niệm về vua Hùng phát triển dần theo sự phát triển của quốc gia. Giá trị lớn nhất mà Việt Nam nên phát huy là Tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng. Ông Dương Trung Quốc cho rằng nên xây dựng các khu thờ cúng vua Hùng thay vì tìm cách xây dựng tượng đài ở khắp nơi.

Theo hồ sơ quốc gia trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.”

Hiện nay, đa số tượng vua Hùng được xây dựng trong các đền thờ, một số ít tại các không gian ngoài trời công cộng. Khảo sát trên cả nước cho thấy hiện chưa có công trình tượng Quốc tổ Hùng Vương nào được xây dựng đúng với tính chất, quy mô của công trình tượng đài. Các công trình tượng Quốc tổ Hùng Vương mới chỉ dừng lại ở dạng tượng thờ trong đền, khu tưởng niệm, thường là tượng trang trí phục vụ du lịch...

Hội thảo về Quy hoạch tượng đài, tượng ngoài trời Quốc tổ Hùng Vương sẽ tiếp tục diễn ra ngày 10/5 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Quý IV năm 2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ trình Chính phủ đề án “Quy hoạch tượng đài, tượng ngoài trời Quốc tổ Hùng Vương đến năm 2035”.

Theo Mỹ Bình (TTXVN/Vietnam+)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng