Văn nghệ trong nước
Trân quý giá trị đích thực
14:58 | 12/06/2018

15 năm theo đuổi nghệ thuật, trong chuỗi sáng tác của họa sĩ Lưu Tuyền, tình yêu với những giá trị xưa cũ được anh dành nhiều tâm huyết. Cũng bởi thế các sáng tác của Lưu Tuyền không chỉ để làm vui một không gian hay trang trí đơn thuần, mà buộc người xem phải suy ngẫm.

Trân quý giá trị đích thực
Khách tham quan triển lãm “Hiện thực hoàn hảo” của họa sĩ Lưu Tuyền vừa diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - Ảnh: H.Sen

Trăn trở với hiện thực

Họa sĩ Lưu Tuyền từng tâm sự: “Nghệ thuật là tấm gương để soi chiếu, thấu hiểu, hoàn thiện. Thông qua các tác phẩm nghệ thuật, tôi bộc lộ những ưu tư, dằn vặt, trăn trở về một hiện thực đương đại mà nhiều giá trị đích thực đang bị đánh tráo bởi những giá trị ảo, sự hào nhoáng, giả tạo. Trong khi nhiều giá trị cốt lõi đang bị xói mòn, những giá trị thực càng cần được giữ gìn, trân quý”. Với gần 15 năm theo đuổi nghệ thuật, Lưu Tuyền đã có triển lãm cá nhân, tham gia nhiều triển lãm nhóm trong và ngoài nước. Trong chuỗi sáng tác của mình, tình yêu với những giá trị xưa cũ được anh dành nhiều tâm huyết.

Các tác phẩm tranh tĩnh vật “Bảo vật”, phong cảnh “Di sản” và điêu khắc tại triển lãm “Hiện thực hoàn hảo” của Lưu Tuyền đang trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được giới phê bình mỹ thuật đánh giá “trong vắt bí ẩn trong tĩnh lặng với cảm xúc trân trọng yêu thương của họa sĩ qua những vết nứt vỡ, những mảng màu phôi pha của thời gian”. Theo họa sĩ Lê Huy Tiếp, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật ngành Đồ họa, Hội Mỹ thuật Việt Nam: “Lo lắng của Lưu Tuyền cho sự tồn tại các giá trị nhân văn trong đời sống xã hội, trong từng đồ vật, trong các kiến trúc xưa ít nhiều làm người xem nặng nề trong tâm cảm. Nhưng cùng nó, chúng ta thấy yêu hơn, đẹp hơn, quý hơn vốn di sản tinh thần và vật chất của các thế hệ trước mà hiện tại nhiều nơi người ta quên và bức tử nó”.

Cũng bởi thế mà các sáng tác của Lưu Tuyền không chỉ để làm vui một không gian hay trang trí đơn thuần. “Những bức tranh, bức tượng này ám ảnh người xem, bắt họ phải xem chậm, ngắm lại nhiều lần trong tĩnh lặng để nghĩ và ngẫm. Bằng cái nhìn riêng biệt, với thứ ngôn ngữ, kỹ thuật, chất liệu biểu hiện độc đáo, họa sĩ đã đủ ý thức gửi gắm hết tình yêu của mình cho những đối tượng của cuộc sống xung quanh là con người, đồ vật và phong cảnh”, họa sĩ Lê Huy Tiếp cho biết.

Thăng hoa cùng chất liệu mới

 “Nghệ thuật chỉ ngân lên chứng minh cho sự tồn tại của nó bằng vẻ đẹp ngôn ngữ cùng nội dung tác phẩm, tình cảm của người sáng tạo hòa quện làm một. Lưu Tuyền đã đầy đủ ý thức để thể hiện chủ động các hình ảnh cùng kỹ thuật để biểu cảm tư tưởng cho sáng tác của mình. Anh biết kết hợp các yếu tố kỹ thuật sơn dầu cổ điển với chất liệu, thủ pháp hiện đại bằng nhiều kênh thị giác và tâm lý hoàn toàn nhuần nhuyễn. Dù khá bất ngờ cho người xem bởi các bề mặt tranh không phẳng, xen những đường nứt vỡ, nhưng chủ đề tư tưởng nhờ đó được chuyển tải, đó là giá trị của cái đẹp”.

Họa sĩ Lê Huy Tiếp

Có 3 series chính trong dòng sáng tác tranh của Lưu Tuyền là tĩnh vật, phong cảnh và hình tượng con người/búp bê, nhưng được ra đời trong một quy trình sáng tạo khác hẳn so với trước đây và chứa đựng những ý nghĩa xã hội mới. Các bức tranh tĩnh vật, khối điêu khắc được tạo hình bằng chất liệu  epoxy với mong muốn giúp anh bày tỏ những khát vọng mới trong nghệ thuật, thay vì an toàn trong các vỏ bọc hoàn hảo của sự quen tay và quen mắt.

Lưu Tuyền cho hay, việc sử dụng một chất liệu chưa phổ biến, đưa nó thành thủ pháp nghệ thuật và ngôn ngữ tạo hình là một quá trình trải nghiệm thú vị. Epoxy có ứng dụng đa dạng trong nhiều ngành công nghiệp, nhất là đóng tàu biển vì không bị thủy phân bởi môi trường, đồng thời chịu được tác động của nhiệt tốt hơn hẳn các vật liệu khác. Nhiều năm qua, epoxy được ứng dụng rộng rãi trong ngành kiến trúc, xây dựng. “Các tác phẩm của tôi khi sử dụng vật liệu này đem lại vẻ đẹp hiện đại phù hợp với không gian kiến trúc, nội thất tân tiến. Tác phẩm được tạo nên bởi vật liệu epoxy vừa được bảo vệ tốt vừa có độ mới mẻ, tính thẩm mỹ cao. Đặc biệt, điều mà nhiều nghệ sĩ quan tâm, là tác phẩm không thể làm giả hoặc sao chép”.

Tuy nhiên, để làm chủ chất liệu này trong sáng tác mỹ thuật lại là một thử thách lớn, nhất là với một họa sĩ thiếu điều kiện nghiên cứu nó bài bản. Lưu Tuyền chia sẻ, sau khi biết epoxy có thể dùng láng trên bề mặt toan và sơn dầu - như một lớp màng trong, vừa có tính chất bảo vệ bề mặt tranh, lại vừa như một phần của bức tranh, do khả năng làm thay đổi hiệu ứng thị giác của toàn bộ sáng tác, anh đã dành nhiều thời gian để tìm kiếm cách sử dụng chất liệu này. “Mỗi khi tìm ra điều gì đó mới mẻ, dù là nhỏ bé thì bản thân tôi như được giải phóng năng lượng, được thăng hoa và hạnh phúc. Sự sáng tạo đối với người làm nghệ thuật là không thể thiếu, dù vô cùng nhỏ. Với tôi, nghệ sĩ cần có cá tính đủ mạnh để khẳng định mình, nhất là khi nghệ thuật đó làm đẹp cho di sản, làm đẹp những giá trị đích thực trong cuộc sống”.

Theo Hồng Hà - ĐBND

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng