Trải qua 70 năm, văn học nghệ thuật Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định. Các thế hệ văn nghệ sĩ nối tiếp nhau, sống và sáng tạo phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước. Họ đã tận dụng năng lượng, thời cơ mới để mở rộng đề tài, chủ đề, phương pháp sáng tác làm cho đời sống văn học nghệ thuật trở nên sống động, đa dạng, phong phú như chính cuộc sống.
Lấy giá trị đích thực làm định hướng
Ra đời, trưởng thành và phát triển trong những năm tháng cả dân tộc chiến đấu kiên cường để giành độc lập, bảo vệ vững chắc biên cương, lãnh thổ của Tổ quốc, được nhân dân hết lòng yêu mến, đùm bọc, đội ngũ văn nghệ sĩ cách mạng Việt Nam đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh.
Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định: Các thế hệ văn nghệ sĩ đã có mặt trên mọi mặt trận chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, ngoại giao... đóng góp vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc. Đã có biết bao tác phẩm kết tinh đẹp đẽ cuộc sống lớn lao của đất nước trong tất cả các loại hình nghệ thuật, trở thành kho lưu giữ tinh thần vô giá.
Những năm gần đây, đội ngũ văn nghệ sĩ đã biết tận dụng những năng lượng, thời cơ do sự nghiệp đổi mới đem lại để mở rộng đề tài, chủ đề, phương pháp sáng tác làm cho đời sống văn học nghệ thuật trở nên sống động, nhiều sinh khí mới, đa dạng, phong phú như chính cuộc sống. Có được những thành tựu này, bên cạnh việc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam quan tâm phát hiện tài năng trẻ, xây dựng đội ngũ kế cận để phát triển nền văn học nghệ thuật nước nhà, không thể không kể đến nỗ lực, cố gắng của các nghệ sĩ.
Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, NSND Chu Thúy Quỳnh chia sẻ, không riêng nghệ thuật múa, các bộ môn nghệ thuật đã phải trải qua một thời kỳ phát triển với nhiều khó khăn, thách thức để có được những biến đổi rõ rệt cả lượng và chất. “Các nghệ sĩ múa phải mất một thời gian dài học tập, rèn luyện để trở thành nghệ sĩ thực thụ. Trong khi tuổi nghề của nghệ sĩ múa lại ngắn, cả quá trình hoạt động nghề nghiệp cũng chỉ có 10 - 20 năm, đến 40 tuổi là không còn mấy người theo nghiệp nữa. Nhiều người phải bỏ nghề, theo đuổi nghề khác để duy trì cuộc sống của mình. Do đó, tôi mong muốn làm sao phải có những chính sách thật đúng để bù đắp cho những nghệ sĩ tài năng, tôn vinh đúng mức, nhưng đồng thời phải có chế độ xứng đáng cho nghệ sĩ trẻ. Khi đó mới mong phát triển được đội ngũ kế cận”.
NSND Trà Giang cũng kể câu chuyện từ cuộc đời làm nghệ thuật của bà, để có được thành tựu phải cố gắng, nỗ lực trong thời gian dài. “Có được các tác phẩm sống mãi như “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Bao giờ cho đến tháng 10”… các nghệ sĩ làm việc không mệt mỏi, một số nghệ sĩ phải đạp xe vào Vĩnh Linh (Quảng Trị), có khi đến 2 - 3 lần lấy tài liệu, thâm nhập thực tế… Nghĩ lại quá trình cống hiến suốt bao nhiêu năm mới thấy, nghệ sĩ đã sống hết mình cho nghệ thuật, không ngại gian khổ. Vì vậy, xây dựng được đội ngũ nghệ sĩ trẻ đáp ứng các yêu cầu đó là việc làm cần thiết trước mắt. Tôi nghĩ, các hội chuyên ngành nói chung cần chú trọng kết nạp hội viên mới sao cho có chất lượng, sống và cống hiến vì nghề; lấy các giá trị đích thực để định hướng nghề nghiệp”.
Đổi mới phương thức hoạt động
Trước những biến đổi của đời sống, văn học nghệ thuật bên cạnh đối mặt với khó khăn, thách thức trong vấn đề xây dựng đội ngũ còn phải cố gắng thay đổi phương thức hoạt động cho phù hợp. NSND Chu Thúy Quỳnh cho biết, hạn chế lớn nhất có lẽ là chế độ, chính sách của Nhà nước đối với nghệ thuật, trong đó có múa, còn bất cập. “Theo tôi, muốn tổ chức một buổi biểu diễn không khó, diễn viên thích diễn, các đơn vị có múa muốn biểu diễn giới thiệu, hơn ai hết những người phụ trách về ngành múa muốn được quảng bá tuyên truyền; nhưng chúng tôi thấy rất khó khăn vì thiếu kinh phí. Từ công việc chuẩn bị để có được một tác phẩm, chương trình đòi hỏi nhiều thứ: âm nhạc, dàn nhạc, trang phục… Tất cả những vấn đề đó liên quan đến chế độ, chính sách. Chế độ và sự cố gắng của ngành múa phải tồn tại song song chứ không phải chỉ có tâm huyết của ngành múa, trách nhiệm của nghệ sĩ múa”.
Không chỉ ngành múa, để giúp văn học nghệ thuật vượt qua khó khăn, thúc đẩy các văn nghệ sĩ sáng tạo, nhiều nghệ sĩ mong muốn, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cần đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động; khắc phục tình trạng thương mại hóa, phê phán những sản phẩm thấp kém làm lệch lạc thị hiếu công chúng, nhất là đối với lớp trẻ. NSND Trà Giang kỳ vọng, với lớp nghệ sĩ trẻ hiện nay cần xây dựng các tác phẩm đi vào đời sống của nhân dân, phản ánh những gì nhân dân đang trăn trở, mong muốn, chứ không phải chỉ để thể hiện dấu ấn cá nhân. “Đương nhiên, tác phẩm mang dấu ấn của tác giả rất lớn, nhưng quá chăm chút điều đó mà quên đi trách nhiệm trước công chúng là điều không nên. Bên cạnh đó cần mạnh dạn hơn nữa khắc phục tình trạng nghiệp dư hóa trong các khâu của hoạt động văn học nghệ thuật”.
Theo Hồng Hà - ĐBND