“Thuở bé, tối đến cha lại làm một vòng sàng cho 6 - 7 chị em tôi ngồi quanh rồi ông cất lời. Điệu hò khoan Lệ Thủy từ bấy cứ nhập vào tâm hồn, rồi tôi yêu, say mê, nương níu giữ gìn…”.
Sứ mệnh thiêng liêng
Ai đó bảo, dù sân khấu có hoành tráng bao nhiêu thì những lời ca điệu hát xuất phát từ đời sống lao động vẫn dắt díu ta về với thôn quê mộc mạc; dù cho quần là áo lượt, tô son điểm phấn thế nào thì người hát vẫn cứ toát lên dáng vẻ bình dị, chân phương. Hình ảnh Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Lý (Hải Lý) ngân điệu hò khoan Lệ Thủy mộc mạc, chân phương là thế. 64 tuổi, quá nửa đời gắn bó với loại hình dân ca độc đáo này, với bà, hò khoan là đam mê và cũng là sứ mệnh thiêng liêng.
Tuổi thơ của nghệ nhân Nguyễn Thị Lý đắm chìm trong giai điệu hò khoan. Trong không gian mênh mông của cánh đồng trĩu hạt, những người nông dân thoăn thoắt tay gặt, tay bó lúa hân hoan theo nhịp hò vang xa làm dịu đi cơn nắng, vơi bớt nhọc nhằn. Điệu hò ấy là của cha - “thợ hò khoan” nức tiếng Lệ Thủy Nguyễn Hữu Sào. Người cha ấy đã nâng giấc ngủ của các con bằng giọng hò khoan thắm thiết, gieo vào giấc mơ của con những ca từ đậm nghĩa tình quê hương, và như một sự hối thúc tự nhiên, từ đó cô bé Nguyễn Thị Lý thêm yêu, thêm nhớ các làn điệu hò khoan.
Yêu, nhớ làn điệu nhưng mãi đến năm 15 tuổi, Hải Lý mới đến với “nghiệp”, dưới sự dẫn dắt của “bậc thầy hò khoan” Hoàng Đình Luyện. Bấy giờ, thầy Luyện mới nghỉ hưu (1965), ở chợ Tréo, thị trấn Kiến Giang. Với chiếc micro và cái loa pin trong tay, thầy đạp xe cà tàng đi xây dựng “đội văn nghệ tương lai” tại các xã. Nghe giới thiệu, thầy tìm đến nhà nghệ nhân Nguyễn Hữu Sào, gặp “bé” Lý liền bảo hò thử. Lý vừa cất giọng, thầy biết đã thu nhận thêm một học trò giỏi.
Có tập luyện mới thấy học hò khoan không dễ, để hò cho hay lại càng khó, có bài mất hàng tuần mới hò đúng. Học với thầy, Hải Lý như được gặp “cuốn từ điển sống” về các loại dân ca, đặc biệt là hò khoan Lệ Thủy. Thấy học trò thờ ơ, thầy hò mẫu để trò biết cách hò tha thiết hơn, thấy trò nản, thầy ân cần nhắc “hò không chuẩn mực sẽ bị các cụ quở cho đấy”. Nhờ vậy, sau một thời gian được truyền dạy, Hải Lý đã tiếp bước thầy Hoàng Đình Luyện đi dạy hát hò khoan ở cơ sở.
Mang nặng câu hò
Tiếc rằng khi thầy Hoàng Đình Luyện đang đi sưu tầm để viết lại toàn bộ nội dung liên quan đến hò khoan Lệ Thủy, kể cả lời cổ lẫn lời kim, thì thầy qua đời (năm 2000). Cũng trong thời gian ấy, do ảnh hưởng mạnh của nhiều loại hình giải trí, âm nhạc bên ngoài tràn vào, hò khoan không được chú ý. Các nhóm hò khoan vẫn tiếp tục luyện tập bài bản nhưng ngày càng ít người nghe, ít người muốn học. Nghệ nhân Hải Lý tâm sự: “Thấy công sức bỏ ra không được đón nhận, tôi buồn và nghĩ hay thôi, không làm nữa. Nhưng rồi nhớ lời thầy dạy: Em phải giữ lấy mái hò khoan Lệ Thủy này, tôi cứ nương níu”.
Thế là trên chặng đường trắc trở của di sản, bà tập hợp các nghệ nhân cùng phục hưng hò khoan Lệ Thủy. Mọi người tập hò, dựng sân khấu giả, đưa cối xay, cối giã vào tiết mục tái hiện không gian hò khoan xưa, rồi xin địa phương cho góp mặt trong các buổi hội họp, liên hoan văn nghệ… cốt nhắc nhớ mỗi người về đặc sắc quê nhà. Bà không quên cái ngày cầm tờ trình lên huyện xin thành lập CLB Hò khoan Lệ Thủy. Đó là năm 2013, 15 thành viên CLB đều là nông dân chân đất, sáng lăn lộn việc đồng áng, tối về tập luyện. Có người nắm đầy đủ cả chín mái hò, có người chỉ biết đôi ba mái, thuộc vài làn điệu, nhưng đồng tâm mong muốn truyền nối di sản của ông cha.
Dần dà từ CLB hò khoan Lệ Thủy tiếp tục nhân ra các CLB khác. Để hò khoan không bị mai một, cũng là tránh sự cách tân không phù hợp, nghệ nhân Nguyễn Thị Lý tiếp tục hướng dẫn các nhóm hò. Đó là phương hướng gìn giữ, bảo tồn rất tốt, nghĩ vậy nên bận rộn, vất vả mấy bà cũng gắng làm. “Giờ ngoài CLB các địa phương thì nhà trường, thầy cô cũng mời nghệ nhân về truyền dạy. Tuy giọng của họ luyện thanh theo lối hát mới rồi nên nhấn nhá điệu hò khó hơn, nhưng tinh thần cố gắng đó khiến chúng tôi rất vui, tin tưởng để truyền dạy, tin tưởng hò khoan không bị mai một”.
Một đời nghệ nhân Nguyễn Thị Lý theo cha, theo thầy gắn bó với hò khoan Lệ Thủy, đến lượt các con, các học trò của bà lại tiếp nối dòng nhiệt huyết. Bởi một lần được lắng nghe hò khoan thì dư âm từng câu hò, điệu hát sẽ còn vang vọng. Bởi một khi đã thấm nhuần cái chất dân ca, đã hiểu cái lẽ giản dị chân phương của người lao động gửi vào câu hò, điệu hát, người ta sẽ thương, sẽ nhớ, sẽ nương níu giữ gìn…
Theo Lê Thư - ĐBND