Thơ Lưu Quang Vũ buồn bởi luôn nhìn thẳng vào những nghịch cảnh của đời sống, dẫu viết về tình yêu cũng đau đáu thời cuộc.
Lưu Quang Vũ (1948 - 1988) là kịch tác gia nổi tiếng của Việt Nam. Những năm 1980, ông trở thành hiện tượng trên sân khấu kịch nước nhà với loạt tác phẩm phản ánh thời cuộc như: Mùa hạ cuối cùng, Lời thề thứ 9, Bệnh sĩ, Tôi và chúng ta... Ngoài tài năng sáng tác kịch, Lưu Quang Vũ còn làm thơ.
Lưu Quang Vũ viết thơ từ khi còn học phổ thông và sáng tác nở rộ trong giai đoạn 1965 đến 1970 - lúc ông nhập ngũ, phục vụ kháng chiến. Cảm hứng bao trùm phần lớn thơ ông là xót thương số phận dân tộc và cái nhìn trực diện chiến tranh.
Trong khi nhiều nhà thơ cùng thế hệ ngợi ca sự hào hùng cuộc chiến thì Lưu Quang Vũ khai thác cái bi kịch, mất mát và đổ vỡ. Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nhận định Lưu Quang Vũ như kẻ tách đàn, lạc nhịp trong dàn thế hệ nhà thơ cùng thời. Ông không né tránh những nghịch cảnh chua chát của đời sống. Trong bài Đêm đông chí uống rượu với bác Lâm và bác Khánh nói về những cuộc chia tay thời loạn, nhà thơ nhìn số phận con người thời loạn lạc: "Gió hú ầm ào qua gạch vỡ/ Người chết vùi thân dưới hố bom/ Kẻ sống bơ vơ không chốn ở/ Lang thang trẻ ốm ngủ bên đường". Thơ Lưu Quang Vũ là những dằn vặt, đau xót, cô đơn, muốn vượt lên mệt mỏi để tồn tại.
Ông xót thương những người dân vô danh. Trong Người cùng tôi, người dân nổi bật với hình ảnh: "Đi chân không, người thêu vạn hài cong/ Mặc vải nâu, người dệt muôn sắc lụa/ Không biết chữ, người làm ra tục ngữ/ Những thuyền to, chuông lớn, những vườn cây". Ở Việt Nam ơi, nhà thơ chạnh lòng cảnh sống lam lũ của người dân: "Những áo quần rách rưới/ Những hàng cây đắm mình vào bóng tối/ Chiều mờ sương leo lắt đèn dầu/ Lũ trẻ ngồi quanh mâm gỗ/ Lèo tèo mì luộc canh rau/ Mấy mươi năm vẫn mái tranh này/ Dòng sông đen nước cạn/ Tiếng loa đầu dốc lạnh/ Tin chiến trận miền xa".
"Di cảo Lưu Quang Vũ" xuất bản năm 2008. |
Nhà thơ Vũ Quần Phương phân tích: "Thơ Lưu Quang Vũ có sức chứa nội tâm rất lớn. Anh đã giúp chúng ta thấy một phía khác của chiến tranh, cái mà - vì cần cổ động cho chiến tranh - cả nền thơ đã phải nén lại và giấu đi. Chúng ta đã đọc những tổn thất về người, về của. Giờ đây, chúng ta đọc thêm những tổn thất của tâm trạng".
Hai bài thơ Nói với mình và các bạn và Những chữ được các nhà phê bình ví như tuyên ngôn về tư tưởng, nghệ thuật của Lưu Quang Vũ. Ở Nói với mình và các bạn, nhà thơ phản đối nhiều bạn bè viết những câu thơ "nhạt phèo chiếu lệ", "lời nhàm tai", "điều vô ích" hoặc ngồi tô vẽ hiện thực. Trong Những chữ, Lưu Quang Vũ chú trọng lối viết trần trụi, không lãng mạn hóa câu từ để phản ánh nỗi đau đang trải qua.
Bên cạnh mảng thơ nặng nỗi trăn trở về cuộc sống, Lưu Quang Vũ còn sáng tác thơ tình yêu như Gửi một người bạn gái, Thơ tình viết về một người đàn bà không có tên, Cho Quỳnh những ngày xa, Em vắng... Thơ tình Lưu Quang Vũ nồng nàn, mãnh liệt. Ông luôn thể hiện sự gắn bó, hỗ trợ giữa nhân vật "anh" và "em", cùng dựng xây tổ ấm, vun đắp tình yêu và lao động hiến dâng cho đời. Thế nhưng, dưới vỏ thơ tình vẫn ẩn chứa nỗi niềm của Lưu Quang Vũ về thời cuộc. Ông viết: "Giữa chiến tranh hiểu đời thực hơn nhiều/ Rách tan cả những làn sương đẹp phủ/ Chỉ còn lại nỗi buồn trơ núi đá/ Điều em tin là nhảm nhí mà thôi" (Gửi một người bạn gái).
Bài thơ là sự đối lập giữa niềm tin trong quá khứ với hiện tại. Nhân vật "em" từng tin vào trời xanh, yên ả nhưng lại phải thấy cảnh "trời đen sầm cửa sập". Hiện thực chiến tranh tàn khốc khiến những mong ước, mộng mơ trở thành thứ tầm thường. Bối cảnh sống trong thơ Lưu Quang Vũ đầy sự thô bạo, bóng đêm, giông bão. Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nhận xét thơ tình Lưu Quang Vũ đậm chất tự sự. Nhà thơ như độc thoại nội tâm, hấp dẫn người đọc bởi những điều thật lòng, dễ đồng cảm và sẻ chia.
Vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh. |
Giọng điệu chủ đạo trong thơ Lưu Quang Vũ là đắm đuối, buồn thương. Trong Tiếng Việt, Viết cho em từ cửa biển, Đất nước đàn bầu... câu thơ dồn dập như nỗi day dứt, trăn trở của tác giả. Căn nguyên nỗi buồn đến từ thực tế đời sống đất nước, gia đình. Đó là chiến tranh, sự nghiệp không ổn định, hôn nhân đầu đổ vỡ hay những tiêu cực xã hội bắt đầu nảy sinh. Nỗi buồn ấy lặng lẽ, ngấm sâu, chứ không thể hiện dữ dội, nổi lên bề mặt thơ.
Sinh thời, Lưu Quang Vũ mới chỉ được in nửa tập thơ cùng Bằng Việt trong Hương cây - Bếp lửa (1968). Lưu Quang Vũ chỉ kịp đặt tên cho 12 tập thơ, trong đó nhiều tập đã hoàn chỉnh như: Cỏ tóc tiên, Mây trắng của đời tôi, Bầy ong trong đêm sâu, Cuốn sách xếp lầm trang... Năm 2008, gia đình cố thi sĩ cho xuất bản cuốn Di cảo Lưu Quang Vũ, trong đó, lần đầu lượng lớn tác phẩm thơ của ông được công bố.
Ông từng viết: "Thơ tôi là mây trắng của đời tôi". Hình tượng "mây" trở đi trở lại trong sáng tác của Lưu Quang Vũ. Nhà nghiên cứu văn học Phạm Xuân Nguyên phân tích "mây" như chở che, làm dịu mát quãng đời buồn nhiều hơn vui của thi sĩ. "Thơ ca đã đi cùng anh suốt năm tháng cuộc đời. Những khoảnh khắc bị dồn đẩy đến cùng, thơ anh luôn muốn tung bứt lên để đối mặt với cảnh ngộ. Tình yêu và thơ ca như phương tiện cứu vớt còn lại trong đời", PGS.TS Lưu Khánh Thơ chia sẻ.
Theo Trọng Trường - vnexpress