Văn nghệ trong nước
Vì sao trong suốt 30 năm, kịch Lưu Quang Vũ vẫn hấp dẫn?
08:50 | 24/08/2018

30 năm sau lần đầu tiên ra mắt, những vở kịch của cố tác giả Lưu Quang Vũ vẫn có sức hấp dẫn lạ kỳ với khán giả. Rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra, điều gì làm nên sức hấp dẫn đó?

Vì sao trong suốt 30 năm, kịch Lưu Quang Vũ vẫn hấp dẫn?

Không "né" nhạy cảm

Với hàng chục kịch bản “sống” theo thời gian và nhận được sự đón nhận nhiệt tình của công chúng cả nước, Lưu Quang Vũ thực sự là “ông vua” của làng kịch nghệ Việt Nam cho tới thời điểm hiện tại. Câu hỏi được đặt ra, vì sao kịch Lưu Quang Vũ lại hấp dẫn ngay cả trong bối cảnh công nghệ số? Câu trả lời hóa ra rất đơn giản. Bởi những kịch bản đã đánh trúng vào tâm lý khán giả, giải quyết được những vấn đề bức xúc của xã hội mà chưa ai nói thay được tiếng nói của đại đa số người dân, trong bối cảnh nước nhà chuyển đổi từ thời kỳ bao cấp sang mô hình xã hội mới-thời mở cửa. 

Điều này trái ngược với các vở diễn của sân khấu thời gian đó thường né tránh những vấn đề nhạy cảm mang tính xung đột lớn của cuộc sống đương đại và được phản ánh bằng lối thể hiện mượn xưa nói nay. Theo NSND Doãn Châu, là tác giả dám xông pha vào một lĩnh vực vô cùng nhạy cảm của xã hội lúc đó, Lưu Quang Vũ gần như là một hiệp sỹ dấn thân vào cuộc chiến giữa cái cũ và cái mới với một tấm lòng khao khát cháy bỏng để dùng ngòi bút của mình góp phần vào sự đổi thay của đất nước. 

Hơn thế, NSND Doãn Châu còn cho rằng, kịch Lưu Quang Vũ sống tốt còn bởi, chất nhân ái về nội dung và duyên dáng, dí dỏm trong cách thức đề cập những vấn đề nghiêm túc của xã hội. Các nhân vật của ông từ tầng lớp trí thức đến cần lao, từ lãnh đạo quần chúng, từ sang đến hèn đều được khắc họa tỉ mỉ, chi chút từ hình hài đến tính cách, lời ăn, tiếng nói, cử chỉ, điệu bộ. Khán giả xem kịch hàng chục năm vẫn còn ghi nhớ, thích thú với câu thoại của ông cán bộ huyện đòi thay giác mạc quát vào mặt cô bác sỹ trong vở kịch “Nguồn sáng trong đời”: Thay giác mạc cho tôi! Tôi còn phải đi họp! Hay ông say rượu trong kịch “Hoa cúc xanh trong đầm lầy” quát lên với vợ À! Đồ ngoài biên chế dám chê người trong biên chế à?... 

ảnh 2

Một cảnh trong vở “Lời nói dối cuối cùng”

Những tác phẩm thanh lọc tâm hồn

Để có được điều đó, Lưu Quang Vũ hoà mình vào đủ các thành phần xã hội, để tìm hiểu, nắm bắt những suy nghĩ, cách sống và đặc điểm, tính cách của từng lớp người. Và các diễn viên muốn thể hiện được nhân vật của Lưu Quang Vũ một cách sinh động cũng phải quan sát thật kỹ các mẫu người trong thực tế cuộc sống và phải diễn cho ra được chất dí dỏm, hóm hỉnh, sâu sắc đến kinh ngạc trong lời văn của ông. 

Theo lý giải của NSND Lan Hương “Em bé Hà Nội”, điều thấy rõ nhất trong kịch Lưu Quang Vũ là đem lại cho người ta sự tẩy rửa, thanh lọc về tâm hồn. Những tác phẩm của anh dù viết về đề tài nào đi chăng nữa, khốc liệt đến mấy, dữ dội đến mấy nhưng cuối cùng vẫn khiến con người luôn tin vào cuộc sống qua câu chuyện kịch của anh. Kịch Lưu Quang Vũ có thể phẫn uất trước những cảnh đời trái ngang, có thể chìm đắm vào thế giới ảo đầy mâu thuẫn do anh tạo ra, nhưng cuối cùng đều có cảm giác dễ chịu, sáng tỏ không u uất.

Một số tác phẩm sân khấu sau này thường quên đi rằng, khán giả cần có niềm tin và hy vọng vào câu chuyện dù nó chỉ diễn ra trên sân khấu. Dù các tác giả đã rất cố công hướng họ đến chân thiện mỹ nhưng vì sự cập nhật cuộc sống hiện đại cho nên các nhà viết kịch thường lãng quên những điều giản dị nhất mà khán giả cần. 

Còn với nhà biên kịch Lê Quý Hiền, điều quan trọng nhất để Lưu Quang Vũ trở thành hiện tượng của sân khấu là tính tư tưởng trong những thông điệp rõ ràng, sâu sắc ở mỗi kịch bản. “Tôi và chúng ta”, “Khoảnh khắc và vô tận” là những kịch bản có dung lượng đời sống được dồn nén, toát lên quá trình đấu tranh tìm ra chỗ đứng chân chính của mỗi người trong cuộc sống. Tính phản biện sắc sảo trong kịch Lưu Quang Vũ là một trong những yếu tố hấp dẫn tự thân của tác phẩm. 

NSƯT Thanh Ngoan khẳng định, kịch của Lưu Quang Vũ khiến người xem đương đại được soi mình trong đó, được đối thoại, gợi mở cách giải quyết, được thức tỉnh tinh thần đến mức có thể thay đổi hành vi, nhận thức và lối sống. Đặc biệt là những vở kịch ấy phần nhiều đã đáp ứng được nhu cầu đổi mới của bản thân sân khấu, sự thưởng thức thụ hưởng của khán giả. 

Với những lý do như vậy, kịch Lưu Quang Vũ còn tồn tại với thời gian bởi cuộc sống có thể luôn thay đổi trong dòng chảy bất tận, song vấn đề con người với triết lý nhân sinh lại là vấn đề muôn thuở không bao giờ cũ. 

Theo Thanh Xuân - ANTĐ

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng