Văn nghệ trong nước
Người lái tàu đón Bác năm 1946
15:25 | 31/08/2018

Một ngày cuối năm, qua sự giới thiệu của chị Võ Quý Hòa Bình, con gái kỹ sư Võ Quý Huân - một trong bốn trí thức đầu tiên cùng Bác Hồ từ Pháp trở về Tổ quốc năm 1946, chúng tôi đến gặp ông Nguyễn Đức Lương, con trai ông Nguyễn Đức Thiện để nghe kể về người đã có vinh dự được lái tàu hỏa đón Bác từ Hải Dương về Hà Nội năm đó...

Người lái tàu đón Bác năm 1946
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu TP Hải Phòng sau khi Người từ Pháp trở về, ngày 21.10.1946

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, các cơ sở hỏa xa của ta được tiếp quản phần lớn máy móc cũ kỹ, nghèo nàn của Pháp. Sau khi Hội nghị Fontainebleau thất bại, từ Pháp, Bác Hồ đi tàu thủy về Hải Phòng và từ Hải Phòng đi tàu hỏa về Hà Nội (hồi đó tàu hỏa chạy bằng hơi nước). Ngành đường sắt có rất nhiều lái tàu giỏi, nhưng tôi nghĩ do bố tôi đã có chút kinh nghiệm trong nghề, ông cũng là một lái tàu uy tín, nên ông được lãnh đạo chọn đi lái chuyến tàu đón Bác từ Hải Dương về Hà Nội. Kíp lái hôm đó gồm ba người: Ông Sự phụ trách; bố tôi Nguyễn Đức Thiện lái chính và ông Lê Luận phụ lái. Trước khi đi, lãnh đạo của Depo Hỏa xa, Hà Nội không nói cụ thể đón ai mà chỉ nói là chăm sóc đầu máy cho thật tốt.

Chiếc đầu máy được chọn phục vụ hôm đó là đầu máy Pa - xi - vích P300 còn tương đối tốt. Lãnh đạo lệnh cho kíp lái chạy xuống Hải Dương chờ đoàn tàu từ Hải Phòng lên. Do nhiên liệu có hạn nên lúc đầu kíp lái có ý định xuống đến ga Hải Dương thì không đốt, nhưng nguyên lý của đầu máy hơi nước phải đun sôi thì mới có hơi nhiều, áp suất mới tốt, nên sau đó, kíp lái quyết định phải đốt và tính toán chỉ cho than cháy âm ỉ bảo đảm còn đủ nhiên liệu từ Hải Dương về Hà Nội. Vì cho cháy nhỏ như vậy nên áp suất xuống rất thấp, mọi người kiên nhẫn chờ đợi, bố tôi thì rất lo lắng vì ông là người lái chính.

 Đợi một lúc, bố tôi được thông báo đoàn tàu chở lãnh tụ, do dọc đường nhân dân chào đón rất đông, đến một số ga tàu đỗ để vị lãnh tụ xuống nói chuyện với nhân dân nên đoàn tàu về ga Hải Dương chậm gần một tiếng đồng hồ. Đến khi tàu đỗ ở ga Hải Dương, thấy Bác Hồ nhanh nhẹn tươi cười bước xuống ga nói chuyện với đồng bào, bố tôi mới biết đã được lãnh đạo tin tưởng giao nhiệm vụ lái chuyến tàu đặc biệt.


Ông Nguyễn Đức Thiện (phía trái) và ông Lê Luận tại nhà ông Thiện năm 1997

Ngay lúc đó, bố tôi cùng kíp lái khẩn trương lắp đầu máy vào đoàn tàu bốn toa chờ sẵn, kiểm tra than, nước, lò bễ, lúc ấy, đồng hồ trên máy chỉ 8 cân hơi. Kíp máy rất lo lắng, vì bao nhiêu thời gian chờ đợi do lửa cháy nhỏ nên áp suất rất thấp. Ông Sự cùng với bố tôi và ban máy thao tác một số động tác kinh nghiệm nghề nghiệp, đồng thời tăng cường đốt lò mạnh, điều chỉnh tay máy, tốc độ để bảo đảm tàu đủ áp suất chạy lúc lên dốc cũng như xuống dốc. Tàu bắt đầu chuyển bánh, đến địa phận Lạc Đạo (nay thuộc huyện Văn Lâm, Hưng Yên), đồng hồ đã nhích đến chỉ 12kg, rồi đến 13kg hơi. Kíp máy tiếp tục mở súp - lơ lấy thêm nước, đồng hồ tăng dần lên 14kg hơi. Nhìn đồng hồ, kíp máy dù không ai nói với ai, nhưng tất cả đều phấn khởi.

Dưới sự chỉ đạo của ông Sự, người làm lửa phối hợp với lái tàu nhịp nhàng bảo đảm máy chạy ổn định trên toàn bộ cung đường. Qua địa phận Như Quỳnh, qua Gia Lâm đến cầu Long Biên tàu lên dốc, áp suất chưa đạt mức cao nhất, kíp lái rất lo, nhưng may tàu vượt qua dốc ấy, từ từ tiến vào ga Hàng Cỏ, đúng giờ an toàn trong tiếng reo hò của hàng trăm người trên sân ga. Mọi người thở phào như trút được gánh nặng. Khi tàu gần đến ga, lại có nỗi lo khác đó là làm sao dừng đúng vị trí để Bác bước xuống chiếc thảm đã trải sẵn ở ga.

Bằng quan sát và động tác thực hiện thành thục, khi hãm tàu dừng hẳn, khuỷu tay của bố tôi đặt trên máy ngang với tấm biển tròn có chữ Đ cắm ở sân ga, cửa lên xuống đúng vào chiếc thảm đã trải sẵn ở sân ga. Lúc ấy bố tôi thật sự sung sướng, yên lòng vì đoàn tàu đã dừng đúng vị trí, ông và kíp máy đã hoàn thành nhiệm vụ trọng đại nhất trong cuộc đời. Khi tàu dừng hẳn, anh em trong kíp lái vội chạy xuống dưới để được nhìn thấy Bác. Thời khắc đó thực sự cảm động khi Bác nhìn về phía đầu máy, hai tay đưa cao vẫy chào kíp lái thật thân thiết…

Đó là câu chuyện của ông Nguyễn Đức Lương, con trai cụ Nguyễn Đức Thiện, là một trong ba người vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh trên chuyến tàu hỏa từ Hải Dương về Hà Nội ngày 21.10.1946. Để ghi nhớ sự kiện này, ngành đường sắt Việt Nam đã lấy ngày 21.10 làm ngày truyền thống của ngành và cũng là ngày mà Xí nghiệp Liên hiệp vận tải đường sắt Khu vực VI - đơn vị nơi ông Nguyễn Đức Thiện công tác lấy làm ngày truyền thống của Xí nghiệp. 

Theo Minh Phương - ĐBND

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng