Hát ru, hát lý, hò, đờn ca tài tử, cải lương…, những hình thức diễn xướng được hình thành theo quá trình phát triển của vùng đất Nam Bộ sẽ được giới thiệu trong chương trình diễn xướng đặc biệt “Lục tỉnh cầm ca”. Chương trình nằm trong khuôn khổ hoạt động “Đối thoại văn hóa cộng đồng” do tổ chức Cội Việt, tổ chức tại sân khấu kịch Idecaf, TPHCM vào ngày 8/12.
Theo Ban tổ chức, cá tính văn hóa của vùng đất Nam Bộ giàu tính mở, sẵn sàng dung hòa những gì từ nơi khác hội tụ về đây. Miền đất này được ví như ngã ba đường luôn nối kết các luồng thông thương từ nhiều hướng, với sự giao lưu không ngừng của những con người, tư tưởng, hàng hóa, xu hướng khác nhau…
Do đó, nên hầu như không có một dạng thức văn hóa, một hình thức nghệ thuật, một nhu cầu (và cả thị hiếu) văn hóa nào tồn tại nguyên dạng trong một thời gian nhất định. Các loại hình nghệ thuật luôn đổi mới, đáp ứng nhu cầu của từng thời đại, từ nhạc lễ đến ca nhạc tài tử, từ hát bội đến ca kịch cải lương đều uyển chuyển “tân cổ giao duyên”... Hệ quả là trên bề mặt của sinh hoạt văn hóa nổi bật tính thời thượng và tính hiếu kỳ trong thị hiếu văn hóa của người dân nơi đây.
Chương trình diễn xướng đặc biệt “Lục tỉnh cầm ca” sẽ giới thiệu và trình diễn một số trích đoạn minh họa tiến trình hình thành và phát triển của diễn xướng Nam Bộ như Hát ru theo điệu thức “Lý bốn mùa”; Hò trong lao động (Hò chào hỏi và Hò đố - đáp); Các bài lý miền Nam; Đờn ca tài tử; Ca ra bộ, cải lương…
Ngoài ra, trong chương trình còn biểu diễn hoà đờn - hoà ca của lớp cổ nhạc Lục tỉnh cầm ca: Lưu - Bình - Kim; mời khán giả tập ca các bản ngắn. Chương trình được thực hiện với sự tham gia của ca sĩ Tánh Linh và các học viên đờn kìm, ca cổ của Ban nhạc Đờn ca tài tử Sáu Hưng.
Theo Quỳnh Chi - GD&TĐ