Chiều 15/12, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Lễ kỷ niệm 240 năm ngày sinh danh nhân Nguyễn Công Trứ (19/12/1778-19/12/2018), đón bằng công nhận huyện Nghi Xuân đạt chuẩn nông thôn mới (NTM).
Tham dự buổi lễ có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cùng nhiều lãnh đạo bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương và đông đảo học sinh, sinh viên, bà con nhân dân cùng dự.
Uy Viễn Tướng Công Nguyễn Công Trứ có tiểu huý là Củng, tự Tồn Chất, hiệu là Ngộ Trai, biệt hiệu Hy Văn. Ông sinh ngày 19/12/1778 (tức ngày 1 tháng 11 năm Mậu Tuất, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 38). Quê cha làng Uy Viễn, Nghi Xuân, Hà Tĩnh, quê mẹ xứ Đoài - Thăng Long, lại sinh ra ở Thái Bình, lớn lên bên dòng Lam, dưới chân Ngàn Hống (Hà Tĩnh) - Nguyễn Công Trứ đã được kết tinh những giá trị của văn minh châu thổ sông Hồng, văn hiến Kinh Kỳ và văn hóa xứ Nghệ.
Nguyễn Công Trứ theo học nhiều thầy giáo và tiếp xúc với nhiều nhà nho, kẻ sĩ ưu thời mẫn thế ở các địa phương khác nhau và được họ truyền thụ cho những bài học về chữ nghĩa văn chương, truyền thống Nho giáo, kinh tế, chính trị…
Sinh ra và lớn lên ở thời tao loạn, đất nước có nhiều biến động, gia đình sống nay đây mai đó đã ảnh hưởng đến việc học hành và tác động về mặt tư tưởng của Nguyễn Công Trứ. Hà Tĩnh và Thái Bình - hai vùng quê giàu truyền thống văn hoá, văn hiến đã góp phần hun đúc, hình thành nên nhân cách trí tuệ, bản lĩnh, tâm hồn của một danh nhân đa tài, một nhà chính trị, kinh tế, quân sự, nhà thơ lỗi lạc, có nhiều đóng góp cho nền văn hóa dân tộc Việt Nam vào nửa đầu thế kỷ XIX.
Thuở nhỏ, Nguyễn Công Trứ đã bộc lộ trí thông minh, năng khiếu thiên bẩm văn chương và khí phách hơn người. Ông luôn có khát vọng đem tài năng của mình ra kinh bang tế thế, giúp ích cho dân cho nước với tuyên ngôn lập thân:
Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông
Con đường công danh, sự nghiệp của Nguyễn Công Trứ trải qua nhiều chông gai, gập ghềnh. Trong 28 năm làm quan giữ 26 chức vụ khác nhau, Uy Viễn Tướng Công Nguyễn Công Trứ đã nếm trải nhiều thăng trầm, vinh nhục của sự thăng, giáng chức quyền. Là con người có khí phách ngay thẳng, dám làm, dám chịu, nổi tiếng thanh liêm nhưng Uy Viễn Tướng Công Nguyễn Công Trứ vẫn bị gian thần gièm pha, vu vạ tìm cách hãm hại bằng những chuyện bịa đặt, khiến ông chịu nhiều phen điêu đứng. Chúng vu ông buôn lậu, mưu phản triều đình, vượt quyền vua. Đây đều là trọng tội nên bị giáng chức phải đi làm lính, có khi phải chịu án "trảm giam hậu" (tội chém, nhưng giam chờ lệnh).
Làm quan vào thời kỳ xã hội có nhiều biến động, không ít lần bị đối xử bất công, nhưng Uy Viễn Tướng Công vẫn giữ vững khí phách, tiết tháo của một nhà nho chân chính. Người đời cảm phục, trân quý Uy Viễn Viễn Tướng Công Nguyễn Công Trứ khi thấy ông từ địa vị cao sang, quyền uy của một đại quan triều đình bị hàm oan trọng tội, giáng chức xuống làm lính nhưng vẫn bình thản, ung dung tự tại: "Khi ta làm Đại tướng không lấy đó làm vinh, nay là lính cũng không hề thấy nhục". Nhân cách cao đẹp của Uy Viễn Tướng Công Nguyễn Công Trứ là tấm gương của một trượng phu, quân tử.
Nguyễn Công Trứ là người đa tài, ở phương diện nào cũng để lại dấu ấn đậm nét và có những đóng góp quan trọng. Nhân cách của ông là một chân dung thống nhất trong đa dạng. Một nhà thơ có phong cách độc đáo, một văn quan phóng túng nhưng luôn lấy phép công làm trọng, một võ tướng dày dạn trận mạc, một nhà khẩn hoang với nhiều công trạng. Con người hiếm có đó, cùng với tư tưởng tự do của ông mãi là “làm cây thông đứng giữa trời mà reo”.
Chương trình nghệ thuật tại lễ kỷ niệm có chủ đề: “Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”.
Diễn văn lễ kỷ niệm do Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh trình bày đã ôn lại thân thế, sự nghiệp, những đóng góp to lớn của Uy Viễn Tướng Công Nguyễn Công Trứ trên nhiều lĩnh vực như: Chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, nghệ thuật… và một số kết quả nổi bật trong xây dựng NTM của tỉnh và huyện Nghi Xuân.
“Chúng ta rất vui mừng huyện Nghi Xuân, quê hương của Danh nhân Nguyễn Công Trứ và Đại thi hào Nguyễn Du là huyện đầu tiên vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM và hôm nay được tổ chức đón nhận trong Lễ Kỷ niệm 240 năm Ngày sinh của người con quê hương Danh nhân Nguyễn Công Trứ, là một trong những người đầu tiên tổ chức làm nông thôn mới”, ông Đặng Quốc Khánh vui mừng chia sẻ.
Cũng theo ông Khánh, kỷ niệm 240 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Công Trứ là dịp để thế hệ hôm nay tri ân công lao to lớn của ông và các bậc tiền nhân đối với quê hương, đất nước. Những bài học về đạo làm quan “thanh, cần, thận, trực”, những sáng tạo và tư duy về xây dựng nền kinh tế cách tân xã hội mà Nguyễn Công Trứ để lại cho hậu thế, đến nay vẫn còn giá trị và sẽ trường tồn cùng quê hương dân tộc.
Cũng tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ trao bằng công nhận huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn huyện NTM năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ cho đại diện lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nghi Xuân.
Trước đó, ngày 10/12/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định công nhận huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn huyện NTM năm 2018. Đây là địa phương đầu tiên trong tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn huyện NTM và là huyện thứ 56 trong toàn quốc vinh dự đạt danh hiệu này.
Theo Hạnh Nguyên - ĐĐK