Văn nghệ trong nước
Cuộc trở về cố hương đầy ấn tượng của tranh Việt
15:03 | 02/01/2019

Năm 2018 đã chứng kiến các cuộc hồi hương đầy ấn tượng của tranh Việt. Đây là xu hướng đáng mừng đối với nền mỹ thuật Việt Nam, khi các kiệt tác hội họa sau thời gian chu du ở nước ngoài đã trở về đất nước, nhờ vào sự nỗ lực của các nhà sưu tập Việt Nam.

Cuộc trở về cố hương đầy ấn tượng của tranh Việt
Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh bên bức “Chơi ô ăn quan”

Các nhà sưu tầm Việt đã làm nên chuyện

Vào tháng 5-2018, thông tin kiệt tác hội họa “Em bé cho chim ăn” của danh họa Nguyễn Phan Chánh, sau gần 1 thế kỷ lưu lạc trời Tây sẽ trở về Việt Nam đã làm rung động làng mỹ thuật Việt. Đây là một trong 4 bức tranh lụa do ông sáng tác từng tham dự Hội chợ đấu xảo thuộc địa Paris năm 1931, bên cạnh bức Chơi ô ăn quan, Rửa rau cầu ao và Lên đồng. 

Suốt từ đó đến nay, 4 bức tranh được liệt vào hàng kiệt tác hội họa Việt Nam lưu lạc ở nước ngoài, được sang tên đổi chủ nhiều lần và rất ít hy vọng sẽ trở lại cố hương. Thế nhưng, tại phiên đấu giá “Nghệ thuật châu Á thế kỷ 20 và đương đại”, “Người đương thời: Tiếng nói từ Đông và Tây” của nhà đấu giá Christie’s Hong Kong (Trung Quốc), bức tranh “Em bé cho chim ăn” đã được đấu giá thành công với mức 853.000 USD (tương đương 20 tỷ đồng).  

 Điều đặc biệt hơn, người sở hữu bức tranh này là một “đại gia” người Việt đã mạnh tay bỏ ra gần triệu đô để sở hữu “viên ngọc” quý giá vào hàng bậc nhất của mỹ thuật Việt Nam. Dù thông tin về nhà sưu tầm này không được tiết lộ nhưng điều đó với những người yêu nghệ thuật Việt không quá quan trọng bằng việc, kiệt tác hội họa này đã hồi hương và trong thời gian tới, có thể, công chúng sẽ được tận mắt nhìn thấy tác phẩm này ở trong nước. 

Cũng trong năm 2018, tại phiên đấu giá nghệ thuật “Modern art evening sale”, diễn ra ngày 30-9 tại nhà đấu giá tranh Sotheby’s Hongkong (Trung Quốc), 5 bức tranh Việt đã được bán tổng cộng gần 2,5 triệu USD. Và người sở hữu các bức tranh có mức giá lên tới cả tỷ đồng ấy không ai khác chính là các nhà sưu tầm Việt. Nhờ nhu cầu sở hữu các tác phẩm nghệ thuật của họ, giá trị tranh Việt trên sàn quốc tế đã được nâng tầm và xuất hiện các bức tranh Việt có giá triệu đô. 

Người Việt mua tranh Việt từ các sàn đấu giá quốc tế đang chỉ ra những xu hướng mới trong sưu tập tranh nghệ thuật Việt Nam. Những cuộc bán mua chưa biết có đưa về cho nhà đầu tư trong nước những khoản tiền kếch xù, tuy nhiên, khi tranh Việt hồi hương, đặc biệt là các kiệt tác hội họa luôn đem đến niềm hân hoan đối với giới yêu nghệ thuật. Nhiều người hẳn vẫn còn  nhớ về bức tranh “Cô gái bên hoa huệ” của danh họa Tô Ngọc Vân được bán ra nước ngoài luôn để lại niềm tiếc nuối. 

Xu hướng sưu tập “hot” hơn bao giờ hết

Vì thế, dù chỉ một tia sáng hé lên về việc hồi hương của bức tranh này cũng thu hút được sự quan tâm và chú ý của nhiều người. Chưa nói tới, nếu như một “đại gia” Việt đưa được bức tranh này về thì còn gì tuyệt vời bằng. Nói như vậy để thấy rằng, những cuộc hồi hương của các kiệt tác hội họa Việt Nam luôn rất ngoạn mục bởi mức giá cao ngất ngưởng, không phải ai cũng đủ tầm để đưa những viên ngọc quý về quê hương. 

Đấu giá chỉ là một trong những con đường đưa tranh Việt hồi hương. Vào tháng 11-2018, cuộc trở về của di sản hội họa của nữ họa sĩ xuất sắc trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Lê Thị Lựu đã làm nức lòng giới mỹ thuật và những người yêu thích mỹ thuật nước nhà. Tuy nhiên, con đường trở về của các tác phẩm Lê Thị Lựu lại do gia đình cố họa sĩ hiến tặng. 

Đánh giá về sự kiện này, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận định, trong bối cảnh tranh giả, tranh thật và đường dây bảo kê cho các bức tranh “nhái” về Việt Nam, cuộc hồi hương của 26 tác phẩm do họa sĩ Lê Thị Lựu sáng tác, được đặc biệt chú ý. Không chỉ bởi tính xác thực của nguyên gốc mà còn bởi từ nay trở đi, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đã nghiễm nhiên có trong tay các tác phẩm trị giá cả triệu đô, một khoản kinh phí không biết đến bao giờ, một đơn vị của nhà nước mới đủ tiền để mua về. 

Như vậy, năm 2018 đã chứng kiến không ít các tác phẩm hội họa Việt Nam trở về cố hương. Xu hướng này đang dần định hình trong giới sưu tập Việt và trở nên “hot” hơn bao giờ hết. Bởi đây là kênh đầu tư chắc chắn, sinh lời hấp dẫn và rất hiếm khi có chuyện lỗ. Tất nhiên, dòng tranh mà các nhà sưu tầm hướng tới sẽ là mỹ thuật Đông Dương với những họa sĩ thành danh như Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Tư Nghiêm…

Vì thế, công chúng hoàn toàn có quyền hy vọng về các cuộc hồi hương tiếp theo của các tác phẩm hội họa Việt Nam trong năm 2019. Theo nhà sưu tập Nguyễn Minh (Minh “Hàng Chỉ”), nhìn cách chơi tranh tưởng như không ăn thua nhưng cứ hãy dè chừng với những tác phẩm để đời của các họa sĩ Việt được xuất hiện tại các phiên đấu giá quốc tế. Chỉ cần sở hữu và chờ đợi thời cơ quay vòng vốn, rất có thể, một người khá giả bỗng chốc lại trở thành “đại gia” trong nay mai. 

Theo Thanh Xuân - ANTĐ

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng