Không dừng lại là những vật phẩm được trưng bày trong bảo tàng, không gian cố định, nghệ thuật đương đại tạo ra sự kết nối với các vấn đề của một cộng đồng cụ thể và chú ý tới sự tương tác của người xem với tác phẩm.
Nói lên các vấn đề xã hội
Hòa chung nghệ thuật thế giới, hơn 20 năm trở lại đây, nghệ thuật đương đại với các hình thức sắp đặt, trình diễn, video art... không còn xa lạ tại Việt Nam, tuy chưa thật gần gũi với số đông công chúng. Loại hình nghệ thuật này, ban đầu chỉ thu hút một vài nghệ sĩ, dần trở thành trào lưu, với những cuộc triển lãm quy mô lớn, thu hút khá nhiều nghệ sĩ tham gia, trưng bày tại nhiều không gian nghệ thuật. Có thể thấy, những năm gần đây, các tác phẩm nghệ thuật đương đại ở Việt Nam đã chạm được đến những vấn đề phức tạp của xã hội, không dễ thể hiện bằng ngôn ngữ hội họa, điêu khắc thuần túy, như những góc khuất của quá trình đô thị hóa, bạo lực, tự do và giới tính, ô nhiễm môi trường, ký ức cá nhân và tập thể... như sắp đặt “Du cư trong thành phố” của hai nghệ sĩ trẻ Nguyễn Hồng Phương và Vũ Lâm; triển lãm “Nhận diện và kết nối” của họa sĩ Đặng Thị Khuê; triển lãm “8m2” của nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn; gần đây là triển lãm “Xe đạp ơi” của nghệ sĩ Trần Thu Vân...
Quan tâm thực hành nghệ thuật đương đại, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn cho biết, những năm gần đây anh triển khai các dự án, tác phẩm nghệ thuật để hướng đến kết nối những cộng đồng nhất định. Ví như, dự án 8m2 nhằm mang câu chuyện của công nhân các khu công nghiệp ở TP Hồ Chí Minh đến đông đảo mọi người, cho thấy điều kiện cuộc sống thực tế cũng như ước mơ của họ. Dùng máy ảnh để scan lại không gian của công nhân, và tạo dựng mô hình với tỷ lệ 1:1, tác phẩm của anh cho phép người xem có thể trải nghiệm và có cái nhìn chân thực hơn về cuộc sống của họ. Ở dự án “Thay hình đổi mặt”, tiếp tục phát triển hình thức nhiếp ảnh phù điêu, nghệ sĩ thể hiện góc nhìn về những khu nhà tập thể một thời, và mở rộng câu chuyện để kết nối với những cộng đồng từng sống trong các khu tập thể Trung Tự, Nam Đồng, Kim Liên... của Hà Nội. Mạnh dạn hơn, anh còn mang tác phẩm sắp đặt tương tác cùng cộng đồng trên đường phố với dự án “Chở những người chở những người chở”...
Những dự án như vậy nói lên được vấn đề của một cộng đồng cụ thể, nhờ đó, câu chuyện bên lề tưởng như không bao giờ được thấy trong nghệ thuật, lại được chuyển tải chân thực và mang tới những góc nhìn về cuộc sống cho người xem triển lãm, thậm chí còn có thể gắn kết những cộng đồng có chung câu chuyện ấy.
Tương tác với khán giả
“Không chạm vào hiện vật” là yêu cầu với hầu hết triển lãm tranh, tượng. Tuy nhiên, trong một số trưng bày nghệ thuật đương đại, nghệ sĩ đặc biệt chú ý tới tính tương tác của khán giả với tác phẩm. Trong triển lãm “Điểm gặp” của nghệ sĩ Trần Trọng Vũ từng diễn ra tại Hà Nội, một khối sắp đặt kích thước lớn bằng vải nhựa sặc sỡ với nhiều bông hoa xâm chiếm không gian trưng bày, nhưng người xem đi vào bên trong phong cảnh này để tương tác, hé mở từng bông hoa để đọc mảnh giấy viết tay gài trong đó, là những lời thơ với ngôn từ chân thật và thơ mộng. Nhiều khán giả đi hết bông hoa này tới bông hoa khác để khám phá những gì ẩn chứa. Hoặc triển lãm “Trà Art”, khách tham quan băng qua những tấm rèm, bước vào bên trong để cảm nhận hương trà Shan tuyết, hay bước vào mê cung những lớp ruộng bậc thang, những rễ cây chằng chịt... để cảm nhận không khí của vùng núi cao Tây Bắc...
Với các tác phẩm nghệ thuật đương đại, thật khó có thể xếp vào hội họa, điêu khắc, hay một chất liệu cụ thể. Nhưng đó cũng không phải mối quan tâm của nghệ sĩ, bởi họ cố gắng tạo ra những hiệu quả khác ngoài mục tiêu của nghệ thuật thị giác, thể hiện sự can dự trực tiếp của nghệ thuật vào các vấn đề của con người trong thế giới hiện đại. Có thể thấy, các tác phẩm làm thay đổi các quan niệm truyền thống về nghệ thuật. Với nghệ thuật đương đại, nghệ sĩ chú ý tới việc khách tham quan không chỉ xem, mà còn tương tác trực tiếp với tác phẩm, tạo ra những thay đổi liên tục và có thêm những câu chuyện cho triển lãm, tác phẩm thay đổi, “lớn” lên do tương tác của cộng đồng đến xem.
Không chỉ giới hạn trong phòng trưng bày, gần đây, các tác phẩm nghệ thuật đương đại đã ra đường phố. Đáng chú ý, không gian nghệ thuật Phùng Hưng gồm tác phẩm đa dạng chất liệu, đề tài và cách thể hiện, thường xuyên thu hút đông đảo khách tham quan với các tác phẩm lấy cảm hứng từ lịch sử, ký ức Hà Nội. Các tác phẩm trở thành sân khấu, nơi chụp ảnh, điểm tập kết của trường mẫu giáo... mang đến cảnh quan mới thân thiện, kết nối cộng đồng.
So với lịch sử nghệ thuật đương đại ở Việt Nam, có thể thấy, vẫn chưa có nhiều không gian, thậm chí có nghệ sĩ còn kết luận rằng “không có đất sống” cho loại hình nghệ thuật mang đậm tính thử nghiệm này. Tuy nhiên, những gì diễn ra thời gian gần đây cho thấy, nghệ thuật đương đại ngày càng được nhiều nghệ sĩ và khán giả quan tâm, và việc cố gắng kết nối với các cộng đồng khác nhau khiến nghệ thuật ngày càng trở lên gần gũi với công chúng.
Theo Thảo Nguyên - ĐBND