Văn nghệ trong nước
Họa sĩ rộn ràng lúc xuân về
09:29 | 17/01/2019

Mấy năm nay, cứ tới gần Tết, giới họa sĩ lại rộn ràng vẽ và bày tranh con giáp năm đó. Đón xuân Kỷ Hợi này, các con giáp hiện ra với những sáng tạo mới mẻ.

Họa sĩ rộn ràng lúc xuân về
Công chúng đến với triển lãm tranh Tết Kỷ Hợi 2019. Ảnh: Hoài An

Đưa nghệ thuật tới gần công chúng

Tại Đông A Gallery (115 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) vừa khai mạc triển lãm “Tranh Tết Kỷ Hợi” (kéo dài tới 23/1) giới thiệu tác phẩm của 33 họa sĩ đương đại Việt Nam, xoay quanh chủ đề “Hợi”- con giáp của năm 2019. “Hợi” tuy đứng ở vị trí cuối cùng trong 12 con giáp nhưng rất quan trọng vì đồng nghĩa với việc hoàn tất chu kỳ “vòng tuần hoàn thập nhị địa chi” để chuẩn bị khởi đầu một chu kỳ.

Gần 60 tác phẩm vẽ trên nhiều chất liệu, kích thước khác nhau, của nhiều cá tính hội họa, trong đó có những họa sĩ tên tuổi như Thành Chương, Phạm An Hải, Lê Trí Dũng… đã mang tới cho công chúng những ấn tượng và cảm xúc mới mẻ, tạo điểm nhấn nghệ thuật Thủ đô trong những ngày cận Tết. 

Gây ấn tượng khi bước vào phòng tranh, đó là 2 tác phẩm sơn mài trên mâm gỗ của họa sĩ Thành Chương: “Lợn Mán” và “Tự họa năm Hợi”. Trong khi đó, họa sĩ Trần Nhật Thăng mang tới 2 bức tranh về chú “Hợi” với những nét đơn giản nhất nhưng lại “rất đáng xem”. Còn “Sung mãn” và “Sung túc” của Lê Trí Dũng được gợi hứng từ tranh dân gian Đông Hồ, cùng hướng tới một năm Hợi no đủ, sum vầy, sinh sôi nảy nở. 

Đặc biệt, họa sĩ Vương Văn Thạo mang tới triển lãm tác phẩm điêu khắc “Hóa thạch” rất độc đáo được anh vừa hoàn thiện trước khi triển lãm khai mạc 1 ngày.

Một triển lãm các tác phẩm nghệ thuật về đề tài con giáp khác cũng sắp khai mạc, đó là triển lãm “Hợi Dome” của nhóm họa sĩ G39. Cụ thể, “Hợi Dome” sẽ diễn ra từ ngày 20/1 đến 1/2 tại Hàng Da Galleria (số 1 Hàng Da, Hoàn Kiếm, Hà Nội), với khoảng 70 tác phẩm gồm tranh, gốm của các họa sĩ: Tào Linh, Đỗ Dũng, Lê Thiết Cương, Phạm Trần Quân, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Hồng Phương…

Điểm ngẫu nhiên của triển lãm là các họa sĩ dùng nhiều gam màu ấm nóng, rực rỡ để thể hiện tác phẩm của mình. Điều này tương đồng với sự phồn vinh, nảy nở, sinh sôi, sung túc, no đủ do con vật biểu tượng mang lại. Đặc biệt trong triển lãm sẽ có một góc dành cho các cháu thiếu nhi treo tranh Kỷ Hợi. Nghệ thuật trong “Hợi Dome” không có nghĩa cao hơn hay thoát ly khỏi đời sống mà là dẫn về đời sống ở ý nghĩa bình dị, cao đẹp của nó.

Sự tiếp nối sống động

Có mặt tại buổi tọa đàm và khai mạc triển lãm “Tranh Tết Kỷ Hợi 2019”, nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng cho biết, vẽ con giáp được các họa sĩ Việt Nam bắt đầu theo đuổi từ sau năm 1954, trên các bưu thiếp chúc Tết hoặc bìa báo xuân, tranh trong báo xuân. Và người khởi xướng cho dòng tranh con giáp chính là danh họa Bùi Xuân Phái. “Khoảng từ năm 1956-1957, Bùi Xuân Phái bắt đầu vẽ những tấm thiệp con giáp để tặng người thân, bạn bè mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Có những năm, họa sĩ vẽ cả chồng bưu thiếp, để sẵn trong ngăn kéo để làm quà mừng năm mới cho những người thân quý”- ông Phan Cẩm Thượng chia sẻ. 

Cũng theo ông Thượng, thời kỳ đó, cùng với Bùi Xuân Phái còn có các họa sĩ Nguyễn Bích, Sĩ Ngọc… cũng vẽ nhiều tranh con giáp. Nhưng người theo đuổi đề tài vẽ con giáp quy mô nhất lại là danh họa Nguyễn Tư Nghiêm. Ông Nghiêm có một mảng chuyên sáng tác về 12 con giáp, thậm chí ông còn chuyên chú cho dòng tranh này tới độ vẽ màu sắc của con giáp theo ngũ hành.

Đồng quan điểm này, họa sĩ Thành Chương cũng kể, danh họa Bùi Xuân Phái để lại những câu chuyện thú vị về việc vẽ tranh con giáp. Ông vẽ trên giấy báo, tờ lịch, vỏ bao thuốc lá, thậm chí vẽ trên tờ vàng mã những tấm thiệp tết với hình các con giáp ngộ nghĩnh để tặng bạn bè. Sau này, việc sáng tác tranh con giáp được một số họa sĩ chuyên tâm hơn, để lại những tác phẩm ấn tượng như danh họa Nguyễn Tư Nghiêm… “Thú vẽ tranh con giáp mỗi dịp chờ đón Tết đã có từ lâu đời nhưng theo thời gian, hoạt động đó đã bị mai một, lãng quên. Nếu trước đây, cái lệ vẽ tranh con giáp chỉ mang ý nghĩa tặng bạn bè như một lời chúc xuân thì nay các họa sĩ vẽ tranh con giáp không chỉ tiếp nối, phát huy nét đẹp văn hóa tinh thần của cha ông xưa mà còn tạo nên một mảng đề tài, mảng tranh nghệ thuật phong phú”- họa sĩ Thành Chương nói. 

Tranh con giáp ngày nay, theo họa sĩ Thành Chương, đã có sự thay đổi rất nhiều trong cách thể hiện, bên cạnh phong cách tả thực còn có trừu tượng, lập thể... khiến cho tranh con giáp vô cùng phong phú và thu hút được đông đảo người xem. Không chỉ cầu cho mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no hạnh phúc mà các họa sĩ còn mong muốn chuyển tải nhiều thông điệp ý nghĩa trong xã hội. 

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Đỗ Bảo vui mừng khi nhìn thấy dòng tranh con giáp ngày các được các họa sĩ kế tục một cách hào hứng. “Xưa chỉ các làng tranh dân gian vẽ con giáp, rồi đến một vài cá nhân họa sĩ vẽ, và giờ đây thì cả một tập thể các họa sĩ cùng vẽ khiến dòng tranh này càng sống động, đầy sức hấp dẫn”- ông Bảo nói.

Theo Mai Hoàng - ĐĐK
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng