Văn nghệ trong nước
Ý nghĩa nhân sinh từ bộ sưu tập lợn
15:46 | 28/01/2019

Khởi đầu từ thú vui sưu tầm con vật mình cầm tinh ứng với tuổi Hợi, cộng với cơ duyên nên nhà sử học Dương Trung Quốc đã có được một bộ sưu tập đồ sộ, ấn tượng. Ông vừa giới thiệu những chú lợn ngộ nghĩnh, muôn hình vạn trạng của mình với công chúng trong triển lãm “Con giáp của tôi - Lợn sung túc” với mong muốn gửi đến thông điệp về một năm mới ấm no và hạnh phúc.

Ý nghĩa nhân sinh từ bộ sưu tập lợn
Nhà sử học Dương Trung Quốc (người ngoài cùng) bên những chú heo của mình

Tích tiểu thành đại…

“Tôi bắt đầu sưu tập khi có một người bạn tặng tôi một chú lợn làm quà lưu niệm… Khi “đàn lợn” đông vui dần khiến tôi thích thú và để tâm sưu tầm thì bạn bè, anh em làm nghệ thuật biết, thỉnh thoảng lại ưu ái tặng tranh, tặng tượng lợn cho”, ông Quốc vui vẻ cho biết.

Mỗi sản phẩm trong bộ sưu tập là một câu chuyện, một kỷ niệm trong những cuộc gặp gỡ hoặc chuyến công tác của nhà sử học trong và ngoài nước. Ngắm “Chú lợn chạy” được nhà sử học mang về từ vùng Kalinigrad (Nga) người ta không chỉ ấn tượng với chất men rạn đặc trưng của xứ lạnh mà còn thích thú trước bước chạy nước kiệu điệu nghệ của loài ngựa, thật khác xa với hình dáng ục ịch, béo tốt có vẻ như chậm chạp của loài lợn.

Góp mặt tại bộ sưu tập có những chú heo xứ Ấn Độ, “Chanchitos” của Chile; heo “muối” từ ngôi làng cổ Hallstatt nổi tiếng của nước Áo; chú heo màu tím tía được mang về từ sân bay Đài Bắc hay những chú heo ở vùng Québec (Canada)… Mỗi mẫu vật đều chứa đựng những câu chuyện lý thú của người sưu tầm khi gặp được quý vật. Đó như là nhật ký mỗi chuyến đi, mỗi sự chuyển động của “ông nghị” Dương Trung Quốc.

Kể về những chú lợn đất nung hình thù cổ quái mua được ở một quán ven hồ Trúc Bạch, ông Quốc cho biết: “Một lần vô tình đi trên con đường ven hồ Trúc Bạch, chợt bắt gặp một cửa hàng nhỏ treo biển bán đồ gốm, tôi tò mò ghé vào xem. Tôi giật mình thấy có nhiều chú lợn đất nung hình thù đầy vẻ cổ quái nhưng đẹp về cả hình và chất. Tôi mua tạm hai sản phẩm với ý định sẽ quay lại vét sạch cả cửa hàng. Bẵng đi vì bận việc, khi quay lại chẳng tìm thấy cửa hàng đó đâu nữa. Có cơ hội là phải chớp liền, đó là một bài học nhớ đời trong công việc sưu tầm”.

Hai chú lợn giống như gấu Bắc cực thì liên quan đến một kỷ niệm thú vị khác. Khi ông Quốc đi dạo cùng hai người em họ ở một khu phố cổ ở San Fransisco. Với ý đồ tìm kiếm đồ độc, lạ ông đảo quanh cửa hàng bán đồ thủ công, nhưng thất vọng khi chẳng tìm ra món đồ nào liên quan đến con lợn cả.

Chủ cửa hàng quan tâm, hỏi han và đã giải thích hai chú lợn mà khách lầm tưởng là gấu Bắc cực đó được làm từ một loại cây thân gỗ mọc trên nguồn bị nước cuốn theo các dòng sông trôi ra biển. Nó được phơi nắng, nở bung thành nhiều hình thù khác nhau và người thợ chế tác dựa theo hình dáng tự nhiên đẽo gọt thành món đồ lưu niệm. Mỗi lần nhìn hai chú lợn kỷ niệm này ông Quốc lại nhớ đến người dì mà ông đã gặp mặt lần cuối cùng trong chuyến thăm đó.

Heo của thời @ 
 

...Và ý nghĩa nhân sinh

Những chú ỉn của ông Quốc có sức hút đặc biệt với khách tham quan. Nhiều người trầm trồ thích thú trước những hiện vật đa dạng trong ngôn ngữ thể hiện từ điêu khắc, hội họa, mỹ thuật ứng dụng, vật phẩm quà tặng. Nhân dịp này, đại diện Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao bằng chứng nhận và Kỷ niệm chương Xác lập kỷ lục:Bộ sưu tập tượng con giáp năm Hợi nhiều nhất Việt Namcho nhà sử học Dương Trung Quốc.

Ông Quốc chia sẻ: Bộ sưu tập của tôi có độ khoảng sáu, bảy ngàn con heo, cũng chỉ chiếm một không gian trưng bày nhỏ. Tôi bắt đầu từ một thú chơi bất chợt lại ứng với sự vật mình cầm tinh - tuổi Hợi. Cùng với thời gian khi sưu tập thành “một đàn” đông đúc, nhìn lại thấy rằng đó là một bộ ký ức thời gian về cuộc sống của mình.

Theo ông Quốc, “phàm những ai sưu tập thì không để ý nhiều đến giá cả. Vì mỗi hiện vật đều giữ trong đó những kỉ niệm, nhìn con này mình biết mình đã mua nó ở đâu, hoàn cảnh nào, ai tặng mình. Thú vui của mình được bạn bè quan tâm, chia sẻ đã đem lại cho mình một giá trị tinh thần rất lớn, không chỉ là niềm vui mà ngày càng đắm đuối. Những lúc rảnh ngồi ngắm nghía bọn chúng, thấy con nào hay thì mang ra xem và hình dung lại, đó cũng là sự giải trí thú vị”.

Dự định làm triển lãm để mọi người cùng được chiêm ngưỡng những chú heo đáng yêu, ông Quốc ấp ủ từ năm trước. Bạn bè cổ vũ và ủng hộ nhiệt tình nên ông tập hợp thêm được những sản phẩm phong phú, đa dạng hơn. “Tôi muốn Tết này, thông qua hoạt động triển lãm kích thích người lớn cho con trẻ học cách sưu tập, một thú vui rất riêng, giàu sáng tạo. Trong cuộc sống, nếu hiểu thấu đáo “mọi cái lớn đều bắt đầu từ những cái nhỏ” và dành tâm huyết, kiên trì theo đuổi, thực hiện mục tiêu thì sẽ có được thành công.

Đưa con đến đây, các ông bố, bà mẹ có thể chỉ cho con thấy sự sáng tạo kỳ diệu của các nghệ nhân, các nhà điêu khắc qua hàng ngàn sắc thái biểu cảm của những chú ỉn, dạy cho con về văn hóa truyền thống, về biểu tượng của sự sung túc, hạnh phúc. Nhưng truyền thống nào cũng dựa trên nguyên lý tồn tại và phát triển của con người. Sung túc chỉ có được khi ta chăm chỉ, say mê lao động, biết tích lũy và biết sống tiết kiệm không lãng phí. Con giáp nào cũng có đức tính đáng quý riêng nên mỗi người hãy chọn những đức tính ấy áp dụng, vận vào bản thân để phấn đấu, vươn lên”, nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

Theo Duyên Vũ - GD&TĐ

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng