Văn nghệ trong nước
Hàng nghìn người nô nức dự khai Hội Xuân Yên Tử năm 2019
14:59 | 14/02/2019

Sáng 14/2, tỉnh Quảng Ninh đã chính thức tổ chức lễ khai hội Xuân Yên Tử 2019 tại quảng trường Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử, phường Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí.

Hàng nghìn người nô nức dự khai Hội Xuân Yên Tử năm 2019
Quang cảnh khai Hội Xuân Yên Tử 2019. (Ảnh: TTXVN)

Đây là một trong những lễ hội lớn, thu hút hàng nghìn người dân tham gia trẩy hội, chiêm bái, lễ Phật.

Trưởng Phòng Văn hóa thông tin thành phố Uông Bí Lê Minh Quang cho biết Lễ khai hội Xuân Yên Tử năm nay có chương trình nghệ thuật “Yên Tử chào Xuân” với các tiết mục mới, thể hiện không khí mùa Xuân Yên Tử. 

Người dân và du khách về với Lễ khai hội Xuân Yên Tử được tham gia các trò chơi dân gian như chọi gà, kéo co, ném còn, giải cờ tướng Kỳ vương Yên Tử...; được thưởng thức các màn biểu diễn văn nghệ truyền thống tại khu vực đình làng hành hương Yên Tử; biểu diễn nghệ thuật, múa rồng, lân, võ thuật cổ truyền; trưng bày hoa, cây cảnh, hoa mai vàng Yên Tử... 

Trong vài ngày trước khai hội, khoảng 150.000 lượt khách du lịch và phật tử đã hành hương về non thiêng Yên Tử, tăng 25% so với năm ngoái.

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử bao gồm một hệ thống các di tích lịch sử văn hóa gắn liền với sự ra đời, hình thành và phát triển của thiền phái Trúc Lâm ở Việt Nam.

Các di tích này nằm ở khu vực giáp ranh giữa ba tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và Quảng Ninh, gồm 5 khu vực: Khu Di tích và danh thắng Đông Yên Tử (thành phố Uông Bí, Quảng Ninh), Khu Di tích lịch sử nhà Trần (Đông Triều, Quảng Ninh), Khu Di tích và danh thắng Tây Yên Tử (nằm trên các huyện Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động tỉnh Bắc Giang), Khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc-Thanh Mai (Chí Linh, tỉnh Hải Dương).

Hàng nghìn người nô nức dự khai Hội Xuân Yên Tử năm 2019

Quang cảnh khai Hội Xuân Yên Tử 2019. (Ảnh: TTXVN).

Tại đây, nhiều di tích lịch sử, văn hóa đang được bảo tồn. Từ xưa, các tín đồ đạo Phật Việt Nam đã đến Yên Tử dựng am cỏ cầu kinh niệm Phật. Từ trước Công nguyên, đạo sỹ An Kỳ Sinh (Yên Kỳ Sinh) đã đến nơi đây tu hành và đắc đạo. 

Những năm sau đó, nhiều thế hệ tăng ni, phật tử Việt Nam tiếp tục tìm đến Yên Tử tu hành, xây dựng chùa, tháp và nhiều công trình khác.

Đặc biệt, từ thời nhà Trần (năm 1226-1400), Yên Tử đã được đầu tư xây dựng thành khu quần thể kiến trúc chùa, tháp có quy mô to lớn. Khởi đầu là vua Trần Cảnh (vua Trần Thái Tông) đến Yên Tử tháng 4 năm Bính Thân (năm 1236); sau đó là đức vua Trần Nhân Tông (Trần Khâm) - vị vua của hai cuộc kháng chiến đại thắng quân Nguyên - Mông vào năm 1285 và 1288. 

Đúng vào lúc triều đại nhà Trần đang hưng thịnh, đức vua Trần Nhân Tông đã nhường ngôi cho con để chuyên tâm nghiên cứu đạo Phật và tìm đến Yên Tử tu hành.

Hàng nghìn người nô nức dự khai Hội Xuân Yên Tử năm 2019

Quang cảnh khai Hội Xuân Yên Tử 2019. (Ảnh: TTXVN).

Để Lễ hội Xuân Yên Tử diễn ra an toàn, thành phố Uông Bí đang tập trung các lực lượng chức năng đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, sẵn sàng các phương án đưa đón du khách bằng xe buýt từ đường 18A vào Yên Tử, đồng thời kiểm tra môi trường kinh doanh du lịch, hạn chế việc đeo bám, chèo kéo tại lễ hội.

Thành phố Uông Bí kiên quyết xử lý các hành vi gây mất an ninh trật tự, các hành vi mê tín dị đoan.

Theo Vietnamplus

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng