Từ lâu, họa sĩ Lê Như Hà đã đắm mình trong những không gian thanh tịnh, tĩnh mịch của các ngôi chùa cổ. Vẽ về nơi tâm linh, họa sĩ Lê Như Hà cũng có những lý do rất riêng để tìm về nơi cửa Phật…
Đi tìm sự bình yên trong tâm hồn
Họa sĩ Lê Như Hà sống lặng lẽ, ít giao du, vẽ tranh cũng chậm rãi. Những bức tranh khổ lớn, ông làm việc kéo dài vài tháng trời. Mà nhiều khi tranh vẽ xong, còn sửa chữa, vẽ tiếp nên để hỏi về thời gian làm xong một tác phẩm, Lê Như Hà thường nói nửa chừng. Chính ông cũng không biết, mình đã thỏa mãn với tác phẩm vừa ráo mực hay chưa, nên vẫn loay hoay nhìn ngắm, thêm bớt các chi tiết. Trái ngược với các họa sĩ có tính cách sôi nổi, Lê Như Hà vẽ về những ngôi chùa có phần hợp bởi độ thâm sâu, trầm lắng và cần tới sự tĩnh tâm.
Nhưng trên hết, cú sốc về tâm lý cách đây hơn chục năm tưởng chừng đã nhấn chìm người họa sĩ này. Theo lời khuyên của một người bạn, ông năng đi chùa để tìm về bình yên. Lê Như Hà cảm thấy lòng mình thanh thản hơn khi đặt chân tới chốn thờ tự. Không những thế, ông còn đi xuyên Việt cùng một người bạn chuyên nghiên cứu về đình, chùa Việt Nam. Chuyến đi không chỉ giúp ông tìm lại điểm tựa ở chốn tâm linh mà còn đưa người họa sĩ này đến với đề tài tín ngưỡng. Từ đó, Lê Như Hà chuyên tâm vẽ về những ngôi chùa cổ.
Các tranh ông vẽ đều vắng bóng người, nhưng nội thất kiến trúc thì chính xác đến chi ly. Họa sĩ say sưa diễn tả ánh sáng và phần lớn các bức tranh ông đều xử lý ánh sáng nổi bật không gian sâu thẳm và tĩnh lặng tuyệt đối. Không bức nào họa sĩ quên việc đó. Ánh sáng từ chói chang đến êm dịu đã trở thành sắc thái riêng của tranh ông. Bởi thế mà tranh ông không giống ai và cũng không ai giống ông cả. Điều thú vị hơn, các bức tranh ấy còn diễn tả được những rêu phong, ẩm ướt, những bước chân của thời gian đọng lại trên mái ngói, trên những bức tường…
Tranh của họa sĩ Lê Như Hà luôn tĩnh mịch
Kiên định với lối vẽ cổ điển
Những bức tranh bày tại triển lãm “Một lối đi riêng” vừa diễn ra tại nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội không chỉ cứu rỗi tâm hồn nghệ sĩ mà còn giúp người xem lắng lại giữa cuộc sống ồn ào, náo nhiệt. Chuyên tâm vẽ về những ngôi chùa cổ, những đứa con tinh thần của họa sĩ Lê Như Hà đã nằm trong bộ sưu tập của không ít các nhà sưu tầm tranh. Đó là nguồn cổ vũ, khích lệ lớn lao đối với lão họa sĩ đã ngoài 70 tuổi.
Ông chia sẻ, rất khó để nói chính xác điểm dừng trong loạt tranh vẽ về chùa. Bởi những ngôi chùa cổ kính đang dần biến mất trước các cuộc trùng tu. Sự thiếu kiến thức và hiểu biết về vốn cổ đã khiến cho các cuộc tu bổ thực sự trở thành thảm họa. Do vậy, bên cạnh việc sáng tác, những bức tranh của ông còn giúp ghi chép lại các kiến trúc độc đáo, hiếm thấy ở các ngôi chùa Lê Như Hà từng đặt chân tới.
Trong khi các họa sĩ trẻ đang đua nhau phá cách về hình, về màu thì ông vẫn miệt mài nắn nót hình và tôn trọng ánh sáng thiên nhiên. Sở dĩ như vậy là bởi, Lê Như Hà bị ảnh hưởng bởi những năm tháng làm nghề ảnh dịch vụ. Cách đây mấy chục năm, khi chưa có công nghệ phóng ảnh kỹ thuật số, ông đã đảm nhận phóng ảnh cho các triển lãm uy tín nhất cho cả giới nhiếp ảnh phía Bắc. Ảnh ông phóng luôn chính xác về màu và sắc, bảo đảm tiêu chí cho một bức ảnh nghệ thuật. Thế rồi ông chán ảnh và quay sang với vẽ. Tuy nhiên, nghề vẽ mới là nghề ông được học cơ bản qua trường lớp đào tạo. Có lẽ thế, cách nhìn màu của ông tinh vi, sắc sảo hơn người.
Cho đến nay, họa sĩ Lê Như Hà vẫn kiên định với những bức tranh vẽ chùa cổ bằng một bút pháp không thay đổi. Ông nắn nót với từng chi tiết trong tranh theo lối vẽ cổ điển, trái ngược hoàn toàn với cách phá hình, phá màu của các họa sĩ đương đại ngày nay. Có lẽ thế, tranh của ông càng đặc biệt và khác lạ ở một đề tài không hẳn mới.
Theo Thanh Xuân - ANTĐ