Con tàu hải đồ ra khơi và neo lại ngay giữa đại dương, và những chiếc xuồng mang theo máy móc tỏa ra khắp nơi. Những vùng nước sâu được “cắt lớp” để con người hiểu thật chi tiết nhằm chế ngự, khai thác và bảo vệ biển cả. Hiểu biển như hiểu lòng bàn tay Thiếu tá Nguyễn Anh Vũ, đội trưởng đo đạc, kể về một chuyến đi ra Trường Sa và DK1 trong gần hai tháng: “Đi đúng lúc gặp bão số 1, sóng gió to, tàu cũ chật hẹp. Say nghiêng ngả nhưng tất cả vẫn chia ca ra làm. Sau gần một tuần tránh gió và chỉ trong 10 ngày tiếp theo đã làm xong công việc mà theo kế hoạch mất 20 ngày”. Đo đạc trên biển có những máy móc thiết bị khác rất nhiều so với việc vẽ bản đồ trên cạn. Ngoài máy định vị GPS, còn có máy quét đo độ sâu, rồi máy quét đa tia để kiểm tra chất đáy, các yếu tố thủy văn, địa chất... Sau những công đoạn tác nghiệp trên biển, họ sẽ về đất liền biên tập, sản xuất thành những bản đồ theo các loại tỉ lệ ở vùng biển đó. Đấy là công việc của cán bộ chiến sĩ Đoàn 6 thuộc quân chủng hải quân chuyên làm nhiệm vụ đo đạc, vẽ bản đồ và nghiên cứu biển. Tình yêu biển cả của những người chiến sĩ hải đồ cũng mang đặc trưng của nghề nghiệp, khi họ khám phá những điều thật sự mới mẻ ở những vùng nước sâu thẳm của đất nước, hiểu biển cả như lòng bàn tay mình. Thiếu úy Trần Quốc Vương, vào nghề đã được năm năm, vẫn giữ nguyên cảm xúc như những ngày đầu: “Tôi luôn cảm thấy thật may mắn khi được làm công việc đặc biệt này. Mỗi lần đi là một lần thêm những khám phá mới về biển”. Năm 1992, đội của Vũ ở lại gần một năm trên đảo Phú Quốc. “Một chuyến đi thật sự dài - Nguyễn Anh Vũ nhớ lại - Chúng tôi cứ đi bộ vòng quanh đảo, mải miết ngày này qua tháng khác. Cho đến một hôm đang vác máy đi làm thì chợt thấy nhiều bà con ở đảo vo gạo, rửa lá. Hỏi ra đã là ngày 23 tháng chạp, mới hay sắp tết. Công việc cứ cuốn mình đi như thế”. Một năm, theo thiếu úy Trần Quốc Vương, tổng số quãng đường biển mà các con tàu của Đoàn 6 đi qua dài tới 37.000 hải lý (khoảng 70.000km). Đi tắt đón đầu Đại bản doanh của Đoàn 6 ở Hải Phòng trông như một học viện kỹ thuật, những người lính áo trắng quân hàm xanh ngồi hàng giờ trước những máy tính màn hình rộng. Biển cả hiện lên đa dạng và hấp dẫn với những vịnh, những quần đảo được mô tả chi tiết mà khi ra giữa đại dương bao la người ta khó hình dung nổi. Có những hình ảnh được vẽ ra theo công nghệ 3D trông như những rặng núi hùng vĩ, nhưng đó lại là đáy biển sâu. Số liệu sau khi đo đạc thực tế đã được biên vẽ như thế ở đây. Đoàn 6 đo đạc khảo sát toàn bộ vùng biển VN để biên tập và sản xuất hải đồ phục vụ nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, hoạch định biên giới trên biển. Đoàn còn nghiên cứu chuyên sâu các yếu tố biển: dòng chảy, địa mạo địa chất, chất đáy, sinh vật biển, môi trường biển, độ gió, độ mặn... Máy móc trang bị đều đạt chuẩn theo công nghệ thủy đạc của thế giới. Theo trung tá Lê Anh Tài, phó chủ nhiệm chính trị của đoàn, hiện nay Đoàn 6 đã sản xuất nhiều loại bản đồ của các vùng biển thuộc bờ biển VN. Nhờ những tấm bản đồ của họ mà ngư dân biết được khu vực địa văn, địa vật, độ nông sâu, chướng ngại, bãi đá ngầm để đánh cá một cách an toàn. Đối với người đi biển, những tấm bản đồ này đã trở thành kim chỉ nam. Đoàn 6 cũng là nơi đóng góp cho việc hình thành số liệu cho hồ sơ đăng ký về thềm lục địa mở rộng mà Chính phủ VN vừa nộp Liên Hiệp Quốc vào tháng 5-2009. Hiện nay đoàn đang cùng các nước khác làm bản đồ độ sâu của vùng biển Thái Bình Dương. Thiếu tá Khương Văn Long, đội trưởng đội biên vẽ hải đồ, cho biết: “Từ 2006 đến nay mọi công việc biên tập bản đồ kỹ thuật số và bản đồ điện tử đều được thực hiện bằng những phần mềm hiện đại nhất”. Mặc dù ra đời sau, gặp nhiều khó khăn nhưng ngành hải đồ VN đang cố gắng theo kịp thế giới bằng cách đi tắt đón đầu. Những con tàu hải đồ được trang bị hiện đại và cập nhật. Đội quân đo đạc và biên vẽ được đào tạo bài bản, nhiều vị trí chủ chốt của đoàn đang được đào tạo trình độ cao ở Úc, Ấn Độ, Canada... Họ cũng đang làm những tấm bản đồ điện tử để các tàu có thể tra cứu trên máy tính bằng cách zoom vào những nơi mình cần hay click theo tọa độ. Tất cả các yếu tố về độ sâu, luồng lạch, chướng ngại trên biển, bãi san hô, phao tiêu... đều hiện lên trên bản đồ. |