Cuộc sống nơi chiến trường Trường Sơn ác liệt cách đây 60 năm, với những câu chuyện dung dị, đời thường của những người nữ chiến sĩ đã được tái hiện tại triển lãm "Kiêu hãnh Trường Sơn" do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Hội nữ chiến sĩ Trường Sơn tổ chức.
Triển lãm khai mạc sáng 16-5, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh – Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (1959 - 2019).
Với 3 phần trưng bày: Dấu ấn huyền thoại, Những bông hồng thép và Phía sau cuộc chiến, triển lãm đã đưa người xem quay về con đường Trường Sơn năm xưa với những góc cạnh, những lát cắt đầy xúc động về một lớp thanh niên đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho đất nước.
Đó là cuộc sống gian khổ, thiếu thốn mọi thứ cho những nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người con gái, là những niềm vui, nỗi buồn và những tâm tư rất nữ tính như sợ vắt hơn cả sợ bom đạn, rồi sợ ma, sợ tóc rụng, sợ xấu… Và hơn hết, đó là việc phải đối mặt với mưa bom, bão đạn, chứng kiến sự hy sinh của đồng đội…
Nếu như nói Trường Sơn là điểm hẹn lịch sử của lớp lớp người con đất Việt thì lực lượng nữ chiến sĩ đã đóng góp một phần đặc biệt quan trọng. Có những thời điểm, lực lượng nữ chiến sĩ Trường Sơn lên tới gần 2 vạn người. Trong đó, nhiều đơn vị bộ đội hoàn toàn là nữ nhập ngũ những năm 1972, 1973, 1974 như tiểu đoàn nữ Trưng Trắc, Hoàng Ngân, Hồng Gấm, Nam Hà, Thái Bình, Ninh Bình. Lực lượng nữ TNXP làm nhiệm vụ ở Trường Sơn nhập ngũ những năm 1965, 1968, 1973 chị em nữ chiếm trên 60%.
Triển lãm đã tôn vinh những đóng góp, hy sinh của những người con gái trên tuyến đường Trường Sơn, lòng quả cảm và tinh thần chiến đấu anh dũng của các chị đã khắc họa nên một tượng đài bất tử: Nữ chiến sĩ Trường Sơn.
Con đường Hồ Chí Minh là con đường huyền thoại và Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã gọi đội ngũ nữ chiến sĩ Trường Sơn chính là “huyền thoại của huyền thoại” .
Theo Bích Quyên - SGGP