Văn nghệ trong nước
10 năm Liên hoan Phim Tài liệu châu Âu - Việt Nam - Đánh thức giá trị hiện thực
09:13 | 30/05/2019

Liên hoan Phim Tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 10 sẽ diễn ra từ ngày 31.5 - 9.6 tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Có thể thấy, 10 năm gặp gỡ điện ảnh tài liệu Việt Nam và châu Âu đã mang lại những những giây phút thư giãn, khám phá, tìm tòi cho khán giả và cả các nhà làm phim trong nước.

10 năm Liên hoan Phim Tài liệu châu Âu - Việt Nam - Đánh thức giá trị hiện thực
Một số phim Việt Nam được giới thiệu tại Liên hoan

Cơ hội để phân tích xã hội

Liên hoan phim tài liệu năm nay giới thiệu 24 tác phẩm điện ảnh tài liệu đặc sắc, trong đó có 10 phim từ Áo, Wallonie - Bruxelles (Bỉ), Pháp, Đan Mạch, Đức, Israel, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Czech, Anh, bên cạnh 14 phim của nước chủ nhà Việt Nam.

“Các đạo diễn trẻ của Hãng phim đã và đang nỗ lực thay đổi chính mình. Chúng tôi mới đây có phim “Chuyện ngày hôm qua” về ban nhạc Bức Tường đã đưa ra rạp, và có những thành công nhất định. Sắp tới, “Tuổi thác ghềnh” nói về vấn đề giáo dục dự kiến cũng sẽ ra rạp và mong muốn nhận được sự hỗ trợ nào đó, vì việc phổ biến phát hành phim tài liệu không có kinh phí, đưa phim ra rạp là điều không dễ”.

Phó Tổng giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương
Trịnh Quang Tùng

Liên hoan do Hiệp hội các Viện Văn hóa và Đại sứ quán các nước châu Âu (EUNIC) phối hợp với Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương tổ chức. Bà Anne Lange, Trưởng Đại diện Phái đoàn Wallonie - Bruxelles (Bỉ), đơn vị tham gia điều phối Liên hoan phim, cho rằng: Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam luôn là một sự kiện quan trọng đối với EUNIC, vì các bộ phim cung cấp cơ hội để phân tích xã hội, đặt câu hỏi về mối quan hệ của chúng ta với môi trường và khám phá các vùng lãnh thổ mới cũng như chủ đề mới trong các lĩnh vực di sản, âm nhạc, thiết kế, các vấn đề thời sự... 10 năm qua Liên hoan phim thành công nhờ chất lượng các bộ phim, lượng người xem khá lớn. Chính sự quan tâm của khán giả là động lực để Liên hoan phim tiếp tục duy trì lâu dài.

Không chỉ với khán giả, Liên hoan cũng là niềm chờ đón của những người làm nghề. Phó Tổng giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương Trịnh Quang Tùng chia sẻ: “Qua Liên hoan phim, lượng khán giả hưởng ứng đông đảo, phản hồi tốt về giá trị, tính nhân văn trong phim tài liệu. Phim tài liệu vốn khó đến với khán giả, vì không có rạp chiếu, chỉ được phát sóng trên truyền hình, mà những tác phẩm điện ảnh tài liệu thường có thời lượng khá dài, không dễ lên sóng. Do vậy, Liên hoan phim là cơ hội tốt để tiếp cận khán giả và quảng bá phim. Sau 10 mùa Liên hoan, những nhà làm phim tài liệu thấy rằng, thể loại phim này dần không còn kén khán giả, bởi chính các tác phẩm với cách kể chuyện mới, thể hiện đời sống, câu chuyện ở một đất nước nào đó theo cách gần gũi, đã thu hút người xem”.

Thay đổi chính mình

Trong số 14 phim Việt Nam tham dự Liên hoan phim năm nay, có những phim từng giành giải cao do Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương sản xuất, một số phim đến từ kênh VTV8 Đài Truyền hình Việt Nam, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển tài năng điện ảnh (TPD) và các tác giả làm phim độc lập, từ đó có sự so sánh, cảm nhận lẫn nhau để thúc đẩy chất lượng phim tài liệu Việt ngày càng cao hơn. “Liên hoan được tổ chức nhằm giới thiệu những bộ phim có tìm tòi nhất định, để các đạo diễn trẻ khám phá từ cách thể hiện, cách kể, tiếp cận đề tài sao cho gần khán giả hơn. Qua việc tiếp cận với các nền điện ảnh tài liệu thế giới, tôi nghĩ phim tài liệu Việt Nam đã dần thay đổi, tuy chưa ở diện rộng, mà mới ở một số tác giả muốn thay đổi chính mình. Ví dụ về cách làm phim, trước kia các phim sử dụng nhiều lời bình, mang tính chủ quan của tác giả, thì nay họ chú ý sử dụng lời của nhân vật để kết nối, xuyên suốt câu chuyện. Đó là cách tiếp cận mới, dù không phải phim nào cũng phù hợp, nhưng đã có tác phẩm đạt hiệu quả nhất định” - đạo diễn Trịnh Quang Tùng nhận định.

Tham gia Liên hoan phim với tác phẩm “Một giải pháp chống xói lở bờ biển” nói về biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long, đạo diễn Phùng Ngọc Tú chia sẻ: “Liên hoan là cơ hội cho những đạo diễn trẻ được giao lưu, học hỏi, từ đó gợi mở hướng nhìn mới, không chỉ về văn hóa, mà còn là môi trường nghề nghiệp, quan điểm mang tính thời đại trong điện ảnh tài liệu thế giới. Có thể thấy, những năm gần đây, điện ảnh tài liệu trong nước đã có nhiều câu chuyện lột tả ngóc ngách cuộc sống, đánh thức được giá trị hiện thực”.

Sau khi học chương trình hướng dẫn làm phim “Lao động trong một cú máy” của nghệ sĩ hàng đầu của phim thể nghiệm Đức Harun Farocki tại Việt Nam, Hương Na Nguyễn đã hoàn thành bộ phim ngắn 2 phút về nghề truyền thống Hà Nội mang tên “Nghề đậu phụ”. “Trước đây tôi quen với việc cắt chỉnh phim, nhưng nay toàn bộ phim gói gọn trong 2 phút, chỉ được phép quay trong 1 cú máy. Dù đặt ra giới hạn nghệ thuật, nhưng chính trong “vòng kim cô” ấy, đạo diễn thể hiện sự sáng tạo để kể câu chuyện”...

Đời sống thực tiễn Việt Nam rất đa dạng, được coi là mảnh đất màu mỡ cho các nhà làm phim. Qua giao lưu với điện ảnh tài liệu thế giới, cách làm phim của các đạo diễn Việt cũng đã dần thay đổi. Dẫu vậy, vẫn cần nhiều hơn những đạo diễn dám dấn thân, đau đáu với đề tài, có cách tiếp cận và thể hiện phim mới mẻ, hấp dẫn hơn, để thu hút khán giả, nâng tầm phim tài liệu Việt.

Theo Thảo Nguyên - ĐBND
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng