Văn nghệ trong nước
Soi vào quá khứ, nhìn nhận hiện tại
09:00 | 18/06/2019

Chuyển thể từ kịch bản của PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ, NSƯT Triệu Trung Kiên đạo diễn, PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Thái làm cố vấn nghệ thuật, vở kịch lịch sử “Huyền thoại gò Rồng Ấp” của sân khấu Lệ Ngọc kỳ vọng cho khán giả có được những cảm nhận sâu sắc về quá khứ. Soi vào tấm gương lịch sử mà tác phẩm dựng lên, con người hôm nay có thể thấy rõ diện mạo của mình một cách bình tĩnh và chân xác hơn.

Soi vào quá khứ, nhìn nhận hiện tại
NSND Lệ Ngọc (trái) và đạo diễn - NSƯT Triệu Trung Kiên giới thiệu vở diễn

“Huyền thoại gò Rồng Ấp” là kịch bản sân khấu được PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ phóng tác dựa trên những huyền tích dân gian về sự ra đời của Lý Công Uẩn - vị Hoàng đế khai quốc triều Lý, một triều đại phong kiến phát triển rực rỡ bậc nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Chuyện kịch kể về người con gái ở xóm Long Châu, thuộc hương Diên Uẩn, châu Cổ Pháp, tên Phạm Thị Ngà, vốn là người giúp việc ở chùa Tiêu, nơi sư Vạn Hạnh trụ trì. Thị Ngà mồ côi cha mẹ, được hai anh em sư Vạn Hạnh và Khánh Văn thương tình đem phần mộ ông bà thân sinh cô đến táng ở gò Rồng Ấp, nơi được tương truyền là có huyệt đất thiêng. Một hôm, Thị Ngà lai vãng quanh lễ hội Nõ - Nường, vô tình lúc ấy sư Vạn Hạnh cũng ghé qua. Bỗng trời đất giao hòa, âm dương giao cảm, nên khi trở về Thị Ngà thấy trong mình khác lạ, biết là đã mang thai…

 “Vở kịch “Huyền thoại gò Rồng Ấp” được dàn dựng để tham dự Liên hoan Sân khấu Trung Quốc - ASEAN vào tháng 9 tới tại Nam Ninh (Trung Quốc) và dự định tham gia Liên hoan Sân khấu Quốc tế thử nghiệm. Vở kịch đang được khẩn trương dàn dựng để kịp công diễn vào ngày 20.7 tại Hà Nội. Phần trang phục, sân khấu và đạo cụ được chú trọng để tạo ra được một không gian thuần Việt nhưng cũng gọn nhẹ để có thể lưu diễn ở nước ngoài”.

Giám đốc điều hành Sân khấu Lệ Ngọc Nguyễn Thế Vinh

Tại lễ khởi công vở diễn ngày 17.6, NSND Lệ Ngọc, Chỉ đạo nghệ thuật và Chủ nhiệm công trình “Huyền thoại gò Rồng Ấp”, cho biết, vở kịch sẽ như một bức tranh mô phỏng xã hội Việt Nam thời kỳ đầu xuất hiện các triều đại phong kiến tập quyền độc lập. Không gian của vở diễn được xác định là nền văn minh châu thổ Sông Hồng với những phong tục, tập quán đặc sắc của người Việt cổ, cùng tín ngưỡng phồn thực bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của Phật giáo dân tộc. Vở diễn sẽ được xây dựng trên cơ sở kết hợp hai phương pháp sân khấu hiện thực và biểu hiện. Thủ pháp ước lệ không gian, thời gian của sân khấu tự sự phương Đông sẽ được đưa vào ở mức độ hợp lý, mang chất huyền thoại, cổ tích. 

“Huyền thoại gò Rồng Ấp” được sân khấu Lệ Ngọc tin tưởng giao cho đạo diễn - NSƯT Triệu Trung Kiên đảm trách. Đây là lần đầu tiên, NSƯT Triệu Trung Kiên giữ vai trò đạo diễn cho một vở kịch sân khấu, trong khi thế mạnh của anh vốn là ca kịch cải lương. Anh cho biết, xét về bối cảnh lịch sử, vở diễn thể hiện một giai đoạn đất nước vừa qua thời loạn 12 sứ quân, trong ranh giới nhỏ hẹp vùng Hoa Lư của vua Đinh Tiên Hoàng, để rồi sau đó có cuộc vươn mình cho sự xuất hiện của triều Lý. Bối cảnh vở diễn chỉ đề cập đến giai đoạn trước khi xuất hiện triều Lý, nên nhân vật trung tâm là những người dân nghèo. Đó là cô gái thôn quê Phạm Thị Ngà - mẹ của Lý Công Uẩn, sư Vạn Hạnh, và các tầng lớp đối nghịch trong xã hội. Những xung đột giữa các tầng lớp trong xã hội sẽ được thể hiện trung thực, hướng tới vấn đề con người, luôn là đề tài hấp dẫn khán giả mọi thời đại.

Một điều khá đặc biệt của vở diễn là NSND Lệ Ngọc sẽ đảm nhiệm vai Thị Ngà. “Trước đây, tôi thường được biết đến với những vai phản diện. Việc phải diễn một vai nhu mì, hiền lành là thử thách không nhỏ. Chưa kể, năm nay tôi đã 60 tuổi, mà nhân vật chỉ khoảng 22 tuổi. Dù vậy, đây là một cơ hội để tôi được làm mới mình. Trên sân khấu kịch nói, tôi hy vọng có thể làm khán giả tin tưởng vào nhân vật, vào câu chuyện huyền thoại, mà bỏ qua chuyện tuổi tác hay hình tượng”.

Theo NSƯT Triệu Trung Kiên, anh có cảm giác dàn diễn viên cho mảng đề tài và loại hình này rất chới với, khi thiếu yếu tố trình thức của nghệ thuật truyền thống. Anh mong muốn, thông qua vở diễn này và nhiều vở kịch lịch sử khác, các nghệ sĩ của sân khấu kịch nói nên trau dồi vốn liếng truyền thống, làm giàu hơn cách thức, phương pháp chuyển tải nghệ thuật, đáp ứng rộng hơn các dạng nhân vật khác nhau trong các đề tài khác nhau. 

Mong muốn đưa đến khán giả những giá trị truyền thống, những câu chuyện lịch sử, êkíp thực hiện “Huyền thoại gò Rồng Ấp” hy vọng thông qua việc kể câu chuyện về sự ra đời của vua Lý Công Uẩn sẽ phác họa không gian đậm màu huyền sử, thường ít được thể hiện trong văn hóa nghệ thuật Việt Nam. “Đi tới một chiều sâu nào đó thì kịch lịch sử sẽ rất thời sự. Chúng ta không chỉ cảm nhận sâu sắc về quá khứ, mà từ đó còn nhìn nhận các vấn đề hiện đại. Soi vào tấm gương lịch sử mà tác phẩm sân khấu dựng lên, con người hôm nay có thể thấy rõ diện mạo của mình một cách bình tĩnh và chân xác hơn”, đạo diễn Triệu Trung Kiên nói.

Theo Hương Sen - ĐBND
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng