Văn nghệ trong nước
Nỗ lực làm mới cải lương
09:54 | 28/06/2019

Tại Nhà hát Bến Thành (quận 1, TPHCM), các nghệ sỹ vừa giới thiệu Chương trình nghệ thuật Cải lương – Trăm năm nguồn cội. Chương trình dàn dựng dựa theo tiến trình phát triển lịch sử 100 năm cải lương, với sự tham gia của nghệ sĩ nổi tiếng: NSND Bạch Tuyết, Thanh Kim Huệ, NSƯT Vũ Linh, Tú Sương, Trinh Trinh, Quế Trân, Điền Trung, Ngọc Đợi và các nghệ sĩ kịch nói gạo cội: NSƯT Việt Anh, Quang Thảo, Đình Toàn…

Nỗ lực làm mới cải lương
NS Ngọc Đợi (đứng) đang thể hiện bài ca Dạ cổ hoài lang
Điều mới lạ ở Cải lương - Trăm năm nguồn cội là sự góp mặt của một số nghệ sỹ chưa bao giờ tham gia nghệ thuật cải lương. Việt Anh, Đình Toàn là nghệ sỹ sân khấu kịch nói. Còn đạo diễn Quang Thảo đang nổi danh với những chương trình truyền hình thực tế, trong đó đáng chú ý nhất là tiết mục đoạt giải Quán quân “Sao nối ngôi 2018” do Quang Thảo dàn dựng. Quang Thảo cũng được biết tới với một số vở trong seri Ngày xửa ngày xưa tại sân khấu Idecaf. 

Quang Thảo cho biết, bản thân rất mê cải lương, và là người làm nghệ thuật nên cảm thấy có trách nhiệm với bộ môn nghệ thuật truyền thống đang bị khủng hoảng. “Trước những thách thức của thời đại, nghệ thuật cải lương những năm gần đây đứng trước ranh giới mong manh của “tồn tại” hay “suy tàn”. Tôi nghĩ, việc giữ gìn và truyền lại cho thế hệ trẻ những giá trị của cải lương là vô cùng cần thiết”- Quang Thảo nói. 
 
Nỗ lực làm mới cải lương - ảnh 1

NSƯT Việt Anh và NSND Bạch Tuyết đang diễn trích đoạn Đời cô Lựu   
 
Dưới bàn tay dàn dựng của Quang Thảo, chương trình Cải lương - Trăm năm nguồn cội thực sự có nhiều nét mới. Mở màn của chương trình, trong khung cảnh làng quê mộc mạc, câu hát “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời… Tiếng nước tôi, tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi…” trong nhạc phẩm Tình ca của nhạc sỹ Phạm Duy vang lên. Tiếp đó là nhịp song lang cùng câu hát Dạ cổ hoài lang của nhạc sỹ Cao Văn Lầu… Dù 2 tác phẩm âm nhạc được sáng tác ở 2 miền đất nước với thời gian cách nhau hơn 30 năm, nhưng sự tài hoa người nghệ sỹ đã khiến 2 tác phẩm hoà quyện thành một, như cho thấy ở miền sông nước Cửu Long, nơi sinh ra giai điệu cải lương độc đáo vẫn nặng tiếng lòng dân tộc, tiếng hồn quê hương Việt Nam. 

Thêm giọng ca của nữ nghệ sỹ Ngọc Đợi, người được Sở VHTT Bạc Liêu lựa chọn hát Dạ cổ hoài lang lưu giữ trong Bảo tàng Cao Văn Lầu cùng các nhạc công dân tộc khoa Âm nhạc Dân tộc thể hiện, người xem có thể thấy sự chuyên nghiệp của chương trình lần này.

Một điểm nhấn khác trong Cải lương - Trăm năm nguồn cội là việc giới thiệu 2 trích đoạn cải lương kinh điển: vở Đời cô Lựu và Xử án Thượng Dương. Với Đời cô Lựu ngoài NSND Bạch Tuyết thành danh với nhân vật cô Lựu, trong chương trình này lầu đầu tiên NSƯT Việt Anh vào vai Hội đồng Thăng. Đem thế mạnh từ kịch nói qua, Việt Anh làm khán giả bất ngờ bởi một ông Hội đồng Thăng đầy mới mẻ vừa độc ác nhưng lại vừa đáng thương. Nhiều người rơi nước mắt với Hội đồng Thăng do Việt Anh thể hiện. 

Với Xử án Thượng Dương, lầu đầu tiên có sự kết hợp giữa thế hệ thứ 5 của gia tộc Bầu Thắng - Gia tộc nổi tiếng nhất trong nghệ thuật cải lương Việt Nam với 6 thế hệ theo nghiệp hát, có nhiều nghệ sỹ nổi danh như bầu Thắng, Huỳnh Mai, Minh Tơ, NSND Thanh Tòng, Thanh Loan, Minh Tâm, Bạch Lê, Bạch Long, NSƯT Thành Lộc, NSƯT Quế Trân, NSƯT Tú Sương, Thanh Thảo, Xuân Trúc, Trinh Trinh, Hồng Quyên, Kim Thư… Thông qua sự kết hợp giữa Quế Trân, Tú Sương cùng người cháu rể là NS Điền Trung, người xem có thể nhận thấy sự tài hoa trong diễn xuất của các thành viên trong gia tộc nổi tiếng này. Từng động tác vũ đạo, từng câu ca đều có sự phối hợp nhuần nhuyễn, tinh tế. 

Không chỉ giới thiệu các trích đoạn, Cải lương - Trăm năm nguồn cội còn  giới thiệu sự phát triển của sân khấu cải lương 100 năm. Nhạc sĩ cổ nhạc Huỳnh Khải xuất hiện duyên dáng bên cạnh MC Đình Toàn, kể cho khán giả nghe về các loại đờn trong dàn nhạc cải lương, sự phát triển của bài vọng cổ cùng những minh họa sống động. Ngoài ra Cải lương - Trăm năm nguồn cội còn có những clip tư liệu về cải lương xưa, về những nghệ sỹ nổi tiếng như NSND Phùng Há, NSND Út Trà Ôn… 

Theo đạo diễn Quang Thảo, dù mong muốn góp chút sức mình để gìn giữ và phát triển cải lương nhưng: “Chúng tôi không dám tuyên bố to tát về chương trình, chỉ xem đây là nỗ lực của người trẻ góp thêm nét chấm phá tôn vinh chặng đường 100 năm nghệ thuật cải lương. Sau chặng đường đó, cải lương phải đi tiếp và đi như thế nào là trách nhiệm của người trẻ hôm nay”. Quang Thảo mong sẽ có động lực để có thể xây dựng các  chương trình tiếp theo.

Chương trình Cải lương – Trăm năm nguồn cội ra mắt khán giả vào tối 7/7 tại Nhà hát Bến Thành, với sự tham gia của hơn 50 diễn viên cải lương và kịch nói. Chương trình diễn tiếp vào các tối 13/7 và 14/7 cũng tại Nhà hát Bến Thành. 

Theo Tiền Phong
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng