TP.HCM trong tranh của nữ họa sĩ sinh năm 1983 này là những đường phố ồn ào, khói bụi của giờ kẹt xe, là những lô cốt ngổn ngang, bên trên chằng chịt dây điện... Bừa bộn, sặc sụa và đầy ngao ngán. Bảo Ngọc vẽ bằng một nhu cầu bức bối cần được giải tỏa tự thân, nhưng cũng là để chia sẻ với mọi người về sự đối mặt và chịu đựng hằng ngày với thực trạng giao thông tồi tệ: “Tôi vẽ như một cách thở dài trong cơn stress nặng của những lần kẹt xe”.
Hồi tháng 5, họa sĩ Nguyễn Sơn (sinh năm 1974) cũng ra mắt triển lãm Kỷ nguyên vàng. Triển lãm của anh gồm 10 bức sơn dầu, 13 tranh digital, 3 sắp đặt và 1 video art với “lẫn lộn” phong cách từ biểu hiện sang pop art, hoạt hình... Một mặt Nguyễn Sơn muốn đó là một triển lãm “mở”, người xem có thể tương tác cảm xúc với họa sĩ, nhưng mặt khác sự “bày biện” nhiều trường phái, thể loại và nhu cầu triết lý đặc trưng trong tác phẩm của Nguyễn Sơn khiến mạch cảm xúc của người xem nhiều khi bị “đứt, gãy”. Cái mạnh mẽ, táo bạo của Nguyễn Sơn có thể được tìm thấy qua mảng tranh digital, nơi anh lấy những mảng thịt tươi, cá tươi đặt bên cạnh những bức tranh. Thịt, cá vốn dĩ thuộc về những gì về cuộc sống hằng ngày, về cái trần tục. Còn nghệ thuật là những gì thuộc về thế giới tinh thần, vốn bay bổng và thăng hoa. Nhưng những mảng thịt bò tươi, những con cá điêu hồng tươi ấy khi đặt bên những tác phẩm nghệ thuật vẫn có sự ấn tượng của nó. Đó là sự tươi rói, sống động, hấp dẫn của sự sống. Người xem có thể cảm nhận nhiều điều khi đứng trước những bức tranh digital của Nguyễn Sơn. Cũng trong tháng 6, họa sĩ Bùi Tiến Tuấn (sinh năm 1971) mở một triển lãm có cái tên rất mượt mà: Lụa tại Tự Do gallery (TP.HCM). Trong khi các họa sĩ trẻ khác đang tìm kiếm những hình thức hiện đại thì Bùi Tiến Tuấn lại quay về với chất liệu xem ra hơi... truyền thống này. Bùi Tiến Tuấn cũng tiết lộ những dự án vẽ lụa trong tương lai, chứng tỏ anh không bị thúc ép bởi áp lực là phải hình thức “đương đại”. Hoặc Tuấn muốn tìm cái đương đại ở chỗ là anh cố thoát khỏi cái bóng của người xưa, với tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh, Tô Ngọc Vân... một thời mượt mà, chỉn chu với hồn quê, thiếu nữ. Tuấn muốn đưa những đề tài hiện đại như phố thị, những cô thiếu nữ tân thời... với cách tạo hình đương đại để làm mới tranh lụa. Mỗi họa sĩ như Bùi Tiến Tuấn là một cá tính sáng tạo riêng, một sự tìm tòi, tạo nên bản sắc riêng. Trong hoàn cảnh mỹ thuật Việt Nam bị chi phối mạnh bởi tính thương mại hiện nay thì mỗi cá tính độc lập của họa sĩ là điều đáng trân trọng. |