Đúng như tên gọi (New music from Vietnam - Âm nhạc mới từ Việt Nam), chương trình biểu diễn của Nhóm nhạc đương đại Hà Nội vào tối 19.7 tại thành phố Yogyakarta, Indonesia, sẽ giới thiệu tới bạn bè quốc tế những tác phẩm âm nhạc mới đậm chất Việt Nam.
Mang đậm hồn Việt
“Nhạc đương đại (hay còn gọi là nhạc mới - PV) bắt nguồn từ lịch sử và con người. Nhạc đương đại Việt Nam là phản ánh chân thực khát vọng, niềm tin và sự hy sinh của con người Việt. Chuyển tải được thông điệp trên là một tham vọng lớn, đầy khó khăn, thử thách, nhưng chính đáng và cần thiết. Đây cũng là thông điệp của chúng tôi, Nhóm nhạc đương đại Hà Nội” - đại diện Nhóm nhạc đương đại Hà Nội (HNME) chia sẻ trước chuyến lưu diễn quốc tế đầu tiên sau 4 năm thành lập, nhằm giới thiệu về âm nhạc đương đại Việt Nam.
Theo đó, các tác phẩm sẽ được biểu diễn trong chương trình tại Phòng hòa nhạc Vasca Sarjana, Viện Nghệ thuật Yogyakarta gồm: “Tây Nguyên” dành cho tứ tấu đàn dây của nhạc sĩ Đỗ Nhuận; “Gió thu” dành cho violon và piano của nhạc sĩ Tôn Thất Tiết; “Ngũ hành” của nhạc sĩ Vũ Nhật Tân, phiên bản đặc biệt, dành cho cả nhóm nhạc. Ngoài ra còn có “Trống cơm”, “Lý ngựa ô” được Vũ Nhật Tân chuyển soạn từ dân ca Việt Nam theo hơi hướng nhạc pop nhẹ nhàng, dành cho tam tấu violon, cello và piano.
“Đây là lần đầu tiên Nhóm nhạc đương đại Hà Nội biểu diễn ở nước ngoài, vì thế, chúng tôi muốn chọn những tác phẩm mang đậm hồn Việt” - NSƯT Phạm Trường Sơn, đồng sáng lập Nhóm nhạc đương đại Hà Nội, cũng là người lên chương trình này, giải thích. Như tác phẩm của nhạc sĩ Đỗ Nhuận lấy tứ từ âm nhạc Tây Nguyên, hay “Gió thu” cái thần là hồn Việt, cụ thể là chất Huế… “Hơn nữa, việc lựa chọn tác phẩm của ba nhạc sĩ biểu diễn lần này cũng nhằm giúp cho khán giả quốc tế thấy được sự tiếp nối của các thế hệ nhà soạn nhạc trong lịch sử âm nhạc đương đại Việt Nam. Trong đó, nhạc sĩ Đỗ Nhuận là một cây đa, cây đề của âm nhạc nước ta; nhạc sĩ Tôn Thất Tiết, hiện sống tại Paris (Pháp), chuyên về âm nhạc đương đại Việt Nam; và nhạc sĩ Vũ Nhật Tân đại diện cho thế hệ nhạc sĩ dẫn đầu hiện nay”.
Năng lượng mới trong sáng tạo
“Chúng tôi rất cảm ơn Viện Goethe, nếu không có sự tài trợ của họ thì nhóm không thể thực hiện chuyến đi này. Đây là lần đầu tiên tôi biểu diễn ở Yogyakarta. Tôi biết đây là một trung tâm văn hóa nghệ thuật của Indonesia, đời sống tinh thần của người dân rất phong phú, với các hoạt động nghệ thuật diễn ra quanh năm. Hy vọng khán giả ở đó sẽ cảm thấy thú vị với những gì chúng tôi mang tới”. Nhạc sĩ Vũ Nhật Tân |
Một phần trong tác phẩm “Ngũ hành” từng được hai nhóm Đông Kinh cổ nhạc và Nhóm nhạc đương đại Hà Nội biểu diễn cuối tháng 3 vừa qua (mang tên “Kim - Thủy - Hỏa”), để lại ấn tượng mạnh với khán giả. Bản nhạc được nhạc sĩ Vũ Nhật Tân viết kết nối thơ hiện đại của Nguyễn Duy vào âm nhạc cổ truyền và đương đại Việt Nam, với mong muốn mở ra cánh cửa cho những chuyển động của âm thanh và tư duy sáng tạo. Theo nhạc sĩ Vũ Nhật Tân, “Ngũ hành” là cuộc nhạc đương đại được góp nên bởi 5 nhân tố: Nhà thơ Nguyễn Duy, nhạc trưởng người Mỹ Jeff Vonder Schmidt (nhà chỉ huy, cố vấn nghệ thuật cho HNME), nhạc sĩ Vũ Nhật Tân, Nhóm nhạc đương đại Hà Nội và nhóm Đông Kinh cổ nhạc. “Đây là tác phẩm nhạc đương đại đầu tiên được sáng tạo nương vào nguyên lý ứng biến trong cổ thuyết với cấu trúc thuận theo sinh - khắc để vòng chuyển hóa của thanh âm khởi nên những duyên lành và sinh thành năng lượng mới trong sáng tạo”.
Đương nhiên rất khó để đưa toàn bộ hai nhóm ra nước ngoài biểu diễn, như chuyến đi này Viện Goethe chỉ tài trợ tối đa 8 người, trong khi số lượng thành viên hai nhóm gần 50 người. Cắt giảm số người biểu diễn đồng nghĩa phải rút gọn tác phẩm. Nhạc sĩ Vũ Nhật Tân cho biết: “Tôi mất hơn một tháng chỉnh lại toàn bộ tác phẩm thành phom dành cho 8 người biểu diễn. Tôi buộc phải chơi sáo trúc thay cho phần nhạc cổ, vì không có phần nhạc cổ thì tác phẩm mất đi ý nghĩa”. Với phần hát, khán giả nước ngoài nghe có thể sẽ không hiểu lời (lời thơ của Nguyễn Duy được viết theo kiểu lời cổ, nếu không dịch thì rất khó hiểu), nhưng theo nhạc sĩ Vũ Nhật Tân, khi chất giọng Việt Nam cất lên, cùng với tiếng đệm của piano, sẽ tạo sự tương phản thú vị.
Tất nhiên, do được rút gọn nên tính chất của tác phẩm tương đối khác, từ giao hưởng thành thính phòng, sắc thái cũng không giống so với bản đầy đủ. Song sau mấy buổi tập, các nghệ sĩ đều cảm thấy thích thú với phiên bản rút gọn của “Ngũ hành”. “Mà một khi đã yêu thích, họ sẽ chơi hay”, nhạc sĩ Vũ Nhật Tân tự tin. “Chúng tôi (Nhóm nhạc đương đại Hà Nội) sẽ lựa chọn phiên bản này cho các chuyến lưu diễn quốc tế sắp tới, sau Yogyakarta có thể là Hong Kong, Thái Lan...”.