Văn nghệ trong nước
Những công việc của trái tim
15:13 | 19/08/2019

Hơn 20 đại biểu có nhiều thành tích trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh sẽ tham gia chương trình giao lưu toàn quốc “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng” do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức vào sáng nay, 19.8, tại Hà Nội. Mỗi người một công việc, nhưng tất cả đều xuất phát từ trái tim, với mong muốn góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn, nhưng không quên truyền thống, không quên sự hy sinh của các thế hệ đi trước.

Những công việc của trái tim

Chạy đua vẽ Mẹ Việt Nam Anh hùng

Họa sĩ Đặng Ái Việt tham gia cách mạng từ năm 15 tuổi, năm 1964 bà được chọn vào lớp vẽ “Tô Lịch”. Sau giải phóng, bà là giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Từ lâu, bà đã ấp ủ ý định vẽ về đề tài nhân chứng lịch sử, bởi là người đi ra từ chiến trường, chứng kiến bao cảnh chia ly đau thương, bà luôn nghĩ mình phải làm việc gì đó để tri ân những đồng đội, đồng chí đã ngã xuống. Mọi chuyện bắt đầu khi Nhà nước có chính sách phong tặng Mẹ Việt Nam Anh hùng năm 1994, nhưng mãi đến ngày nghỉ hưu bà mới thực hiện được dự án của mình.

Ngày 19.2.2010, họa sĩ Đặng Ái Việt bắt đầu hành trình ra Bắc vẽ chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng. Cùng chiếc xe máy Chaly, bà đã đi khắp đất nước trong 8 năm để khắc họa 1.700 chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng - những tượng đài thời gian bất tử. Bà thường trò chuyện, tâm sự để hiểu hoàn cảnh, nội tâm của các Mẹ trước khi vẽ. Bởi bà muốn dùng lối vẽ tri tâm để bộc lộ nội tâm của các mẹ thông qua từng đường nét.

Mỗi Mẹ là một câu chuyện bi hùng. “Nhiều Mẹ, tôi vừa vẽ, vừa khóc. Khóc vì thương Mẹ, vì câu chuyện quá đau thương. Có Mẹ yếu quá, ngồi dậy không nổi mà đôi mắt vẫn ngóng trông vô vọng bóng dáng thân yêu của người con đi xa vẫn chưa về. Gặp tôi, các Mẹ mừng lắm, đơn giản vì có người trò chuyện. Mẹ nào cũng dặn tôi nhớ quay lại thăm Mẹ. Các Mẹ chính là tình yêu của tôi, có ai đi gặp… tình yêu mà thấy vất vả bao giờ? Tôi xem đây là công việc của trái tim. Được gặp, trò chuyện, nắm tay, ôm hôn các Mẹ là niềm hạnh phúc” - họa sĩ Đặng Ái Việt kể.

Với họa sĩ Đặng Ái Việt, vẽ chân dung các Mẹ là cuộc chạy đua với thời gian nghiệt ngã, vì chỉ chậm tích tắc thôi, có thể bà không còn kịp gặp Mẹ. “Tôi đang tiếp tục vẽ các Mẹ Việt Nam Anh hùng được phong tặng theo Nghị định 56 (có hai con là liệt sĩ trở lên), nên còn phải đi khắp đất nước này. Điều tôi lo lắng nhất vẫn là sợ các Mẹ không chờ đợi được nên tôi đang cố gắng chạy đua với thời gian để vẽ cho kịp”.

“Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng

Năm 1965, trước tình hình giặc Mỹ leo thang chiến tranh đánh phá miền Bắc, ông Lâm Văn Bảng lên đường nhập ngũ, được biên chế vào Đại đội 16, Trung đoàn 52, Sư đoàn 320. Tháng 2.1966 đơn vị của ông đi B vào Nam chiến đấu. Năm 1979, ông được chuyển về Trạm thu phí đường bộ phía nam Cầu Giẽ và công tác ở đó đến tháng 11.2003 thì nghỉ hưu.

Giống như họa sĩ Đặng Ái Việt, ông Lâm Văn Bảng cũng luôn suy nghĩ phải làm gì để tỏ lòng tri ân các anh hùng liệt sĩ và ý tưởng muốn xây dựng một phòng truyền thống, hoặc bảo tàng để lưu giữ, trưng bày những kỷ vật, tài liệu… là chứng cứ tố cáo tội ác chiến tranh của đế quốc nhen nhóm từ đó. Ông tập hợp một số cựu tù binh Phú Quốc và các nhà tù khác, liên hệ với Ban liên lạc tù binh ở các nơi như Hà Nội, Long An, TP Hồ Chí Minh… vào Nam ra Bắc sưu tầm tài liệu, hiện vật có giá trị tố cáo tội ác của đế quốc và tinh thần dũng cảm của anh em tù binh.

Khi đã có tư liệu, ông vận động gia đình xây dựng phòng truyền thống ngay trên đất của tổ nghiệp nhà mình, tại thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội. Phòng truyền thống ra đời, buổi đầu có 5 phòng với hơn 1.000 hiện vật, hình ảnh, tư liệu; sau đổi tên là Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày - là một bảo tàng tư nhân với phương châm bốn tự: Tự nguyện, tự túc, tự quản, tự chịu trách nhiệm.

Bảo tàng đi vào hoạt động, dần dần trở thành một địa chỉ đỏ. Nhiều cơ quan đơn vị ở trong huyện và các nơi về tham quan, tri ân các anh hùng liệt sĩ. Giám đốc Bảo tàng Lâm Văn Bảng được nhiều nơi mời đi nói chuyện và trưng bày, để giáo dục truyền thống cho cán bộ, học sinh, sinh viên; nêu cao tinh thần chiến đấu bất khuất, hy sinh anh dũng của các chiến sĩ trong nhà tù, truyền lửa cho các thế hệ…

Hiện nay, Bảo tàng đã khang trang hơn, tọa lạc trên khu đất 2.000m2, với gần 4.000 hiện vật, tranh ảnh, tài liệu, tư liệu, mô hình… được trưng bày theo 10 khu vực. Bảo tàng còn thành lập “Đội tiếp lửa truyền thống cách mạng” có trên 30 người với hơn 40 đạo cụ. Nhiều tiết mục, chủ yếu là ca khúc cách mạng do thành viên của Đội làm đạo diễn, biên đạo múa…

“Tôi muốn nơi đây là một góc tái hiện lịch sử dân tộc, nơi giáo dục cho lớp trẻ về lòng tự hào, tự tôn dân tộc, mà không sách vở nào thay thế được” - ông Lâm Văn Bảng nói.

Làm nghìn việc tốt, cộng yêu thương

“Tôi vào đội thanh niên du kích Đình Bảng năm 1951, khi đó mới 11 tuổi. Lúc ấy trong vùng tạm chiếm, tôi đã được các anh du kích truyền cho lời thi đua giết giặc của Bác Hồ. Rồi chúng tôi say mê hát “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” giữa cánh đồng. 18 tuổi, tôi đã làm thầy giáo trường làng” - Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn - tác giả của phong trào “nghìn việc tốt” đầu những năm 1960 bắt đầu câu chuyện của mình.

Ông nhớ lại: “Ngày 24.3.1963, thực hiện lời Bác Hồ dạy “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân” thầy trò chúng tôi đi trồng cây. Sau đó, tổng kết thấy việc trồng cây tốt quá và cần làm nhiều việc tốt nữa cho quê hương, đất nước, tôi đã phát động ở địa phương phong trào “Làm nghìn việc tốt”. Sau đó, phong trào tiếp tục lan tỏa ra thiếu nhi miền Bắc, rồi thiếu nhi miền Nam. Nghìn việc tốt đã nở hoa, kết quả”.

Ông Thìn hiện là Trưởng ban Tuyên truyền Di tích Quốc gia đặc biệt Đền Đô, Từ Sơn, Bắc Ninh. Chính ông cùng nhân dân đã vận động xây dựng lại Đền Đô - Di tích Quốc gia thờ 8 vị vua nhà Lý - nơi Bác Hồ về thắp hương cho các đức Vua và nói chuyện với bà con nhân dân ngày 13.9.1945. 30 năm qua ở cương vị Trưởng ban Tuyên truyền Di tích Quốc gia đặc biệt Đền Đô, với mong muốn làm tốt trọng trách được giao, ông hăng say viết sách, làm phim, hướng dẫn, bồi dưỡng đội ngũ hướng dẫn viên. Ông đã viết và in được 3.000 trang sách, hàng trăm bài báo. Ông quan niệm: “Một lời nói với du khách tới là truyền cả hồn quê, hồn nước, tình người, niềm tin yêu con người vào cuộc sống, để vinh danh hào khí Thăng Long, thời đại Hồ Chí Minh”.

Từng được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm và nói chuyện tại ngôi trường mình đang giảng dạy và được khen về phong trào “nghìn việc tốt”, ông Nguyễn Đức Thìn chia sẻ: “Tôi kính yêu Bác Hồ và muốn được làm theo lời Người. Phải làm nhiều việc tốt cho quê hương, đất nước và để hoàn thiện mình. Bác đã từng dạy thiếu nhi nhưng cũng là lời dạy cho tất cả chúng ta: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào”. Đó chính là cái gốc của tình yêu, bản lĩnh, trí tuệ. Đó cũng là cái hướng tới của phong trào thi đua. Hãy làm nhiều việc tốt hơn nữa để cái tốt bừng lên, cái xấu phải co lại. Hãy làm nghìn việc tốt, trừ việc xấu, cộng yêu thương, chia niềm thông cảm, để những điều tốt đẹp mãi vang xa”.

Theo Anh Minh - ĐBND
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng