Ngày 31-10, tại Hà Nội, Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VH-TT-DL phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Chuyên nghiệp hóa trong tổ chức các sự kiện nghệ thuật tại Việt Nam”.
Các nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn hóa và tổ chức biểu diễn nghệ thuật trong nước, quốc tế đã cùng chia sẻ những kinh nghiệm về việc tổ chức các sự kiện nghệ thuật tại Việt Nam và vấn đề chuyên nghiệp hóa các sự kiện nghệ thuật trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Vuột nhiều cơ hội tốt
Những năm gần đây, không chỉ nhà nước, cá nhân nghệ sĩ mà các các doanh nghiệp, tập đoàn lớn cũng đã tham gia lĩnh vực nghệ thuật, tạo nên các không gian, sản phẩm, chương trình nghệ thuật hấp dẫn, thu hút sự tham gia của nghệ sĩ trong nước và quốc tế. Có thể kể tới một số sự kiện đánh dấu sự mở cửa hòa nhập với dòng chảy của nghệ thuật thế giới như: Festival Huế năm 2000, các chương trình nghệ thuật thực cảnh như Tinh hoa Bắc bộ, Ký ức Hội An…
Song để vươn tới một nền công nghiệp văn hóa thực thụ thì chặng đường vẫn còn dài. PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, cho rằng nguyên nhân bắt nguồn từ sự thiếu liên kết trong các mắt xích từ nhà tổ chức, nghệ sĩ, đơn vị cung cấp dịch vụ, sản phẩm, cũng như những người làm truyền thông, nhà tài trợ, nhà quản lý. Việc chưa tạo được môi trường âm nhạc chuyên nghiệp, chưa có những sản phẩm âm nhạc thương hiệu đã làm vuột mất nhiều cơ hội lớn trong giao lưu và kết nối âm nhạc. Nhạc sĩ Quốc Trung phân tích, để có thể mời được một ngôi sao lớn đến biểu diễn thì yêu cầu họ đặt ra không chỉ là yếu tố kinh tế. Mặc dù cát-sê của các sao ngày càng tăng nhưng những yêu cầu đi kèm theo như lượng khán giả theo dõi ít nhất là 30.000 - 50.000 người, chúng ta cũng chưa đáp ứng được.
“Mời ngôi sao quốc tế đến không có ưu tiên nào, chỉ có ưu tiên duy nhất đó là thị trường tốt cho họ, thì họ mới đồng ý. Còn không, chúng ta phải trả giá cao hơn, không được xếp hàng ưu tiên. Nếu không dành cơ hội mời ngôi sao khi chưa nổi tiếng thì khó có cơ hội như ban tổ chức lễ hội Monsoon lúc trước liên lạc với quản lý của Billie Eilish sang đây, nhưng vì không có tour biểu diễn nên cô không nhận lời. Đến năm nay, cát-xê của cô cao gấp 10 lần (lên đến 10 triệu bảng) thì khó có điều kiện mời sang”, nhạc sĩ Quốc Trung nói.
Chính vì thế, thời điểm này, điều cần hướng tới là xây dựng một thương hiệu nghệ thuật đủ mạnh, đủ sức hấp dẫn để lan tỏa và kết nối với tinh hoa âm nhạc thế giới.
Tạo hệ sinh thái cho âm nhạc
Theo ông Bùi Hoài Sơn, để thay đổi và tạo nên tính chuyên nghiệp trong xây dựng công nghiệp văn hóa, cần phải tiến hành đồng bộ một số yếu tố. Cụ thể là phải nâng cao nhận thức của người dân, nghệ sĩ và cơ quan quản lý. Xây dựng thương hiệu cho nghệ sĩ, diễn viên và cần xây dựng được bộ nguyên tắc ứng xử nghề nghiệp từ chuyện đơn giản nhất như đúng giờ. Tính chuyên nghiệp khó với tới không chỉ vì đời sống người dân còn khó khăn mà còn nằm ở thói quen. Ở Việt Nam, đôi lúc chưa có thói quen bỏ tiền mua vé đi xem nghệ thuật.
Nhạc sĩ Quốc Trung chia sẻ, những ngày đầu tiên khi xin giấy phép tổ chức lễ hội âm nhạc quốc tế, nhiều người không hiểu hình thức này như thế nào, họ tưởng đây là buổi biểu diễn âm nhạc. Theo nhạc sĩ, để tháo gỡ, cần tìm được tiếng nói chung với cơ quan quản lý. Cần để họ hiểu và chia sẻ những khó khăn để hỗ trợ, cùng nhau hướng tới sự chuyên nghiệp. Vì vậy, việc hình thành và tạo hệ sinh thái bổ trợ nhau từ nhà sản xuất đến chuyên gia âm nhạc, doanh nghiệp… có ý nghĩa rất quan trọng trong các hoạt hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp. Cùng chia sẻ trăn trở này, bà Conny Jorgensen, người gắn bó lâu dài với Lễ hội âm nhạc SPOT (Đan Mạch), một lễ hội âm nhạc lớn có bề dày 25 năm, cũng cho rằng sự kết nối là yếu tố mấu chốt cho thành công của một sự kiện âm nhạc.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cũng đồng quan điểm, để tạo được sự chuyên nghiệp trong tổ chức sự kiện tại Việt Nam, cần có sự kết nối chặt chẽ hơn nữa, tạo ra mạng lưới giữa các bên. Cần nâng dần chất lượng cơ sở vật chất, địa điểm biểu diễn với các điều kiện về kỹ thuật đạt tiêu chuẩn cơ bản, để thu hút nghệ sĩ quốc tế đến nước ta, tạo sự hội nhập của nghệ thuật trong nước với quốc tế. Ngược lại, khi nghệ sĩ Việt Nam biểu diễn trong điều kiện âm thanh, ánh sáng đạt tiêu chuẩn, họ cũng sẽ nâng dần chất lượng và tiến tới có thể biểu diễn tại các lễ hội âm nhạc có tiếng trên thế giới.
Theo Mai An - SGGP