Vấn đề giáo dục luôn là đề tài thời sự và được đông đảo các tầng lớp xã hội ở Việt Nam quan tâm. Các chương trình giáo dục luôn được đổi mới và cải tiến qua từng thời kỳ, giai đoạn khác nhau của sự phát triển xã hội.
Cuốn sách “Bàn về giáo dục Việt Nam trước và sau năm 1975” của Trần Văn Chánh (do Nhà xuất bản Hà Nội và Omega Plus ấn hành), là tác phẩm tập hợp những bài viết ra đời trong những khoảng thời gian khác nhau của tác giả, bao gồm 2 phần: phần 1 bàn về nền giáo dục ở miền Nam Việt Nam trước 1975 và phần 2 bàn về nền giáo dục ở Việt Nam từ sau 1975 đến nay.
Trần Văn Chánh là người đã tham gia trực tiếp vào hệ thống giáo dục của miền Nam Việt Nam và vẫn đau đáu với nền giáo dục nước nhà cho đến hiện nay, nên ông nói lên tiếng nói của một người trong cuộc từng trải qua và chứng kiến.
Về phần thời kỳ trước năm 1975, ngoài những đánh giá, nhận định về giai đoạn xây dựng và phát triển của nền giáo dục miền Nam, trong sách còn có những trích lục các văn bản pháp quy về chương trình giáo dục và sách giáo khoa miền Nam, bản quy chế về giáo dục tư thục, những trích dẫn khen chê của các nhà giáo và các tác phẩm giáo dục thời trước. Đặc biệt có trích dẫn những bài học thuộc lòng văn chương của cấp Tiểu học.
Chia sẻ về cuốn sách, tác giả Trần Văn Chánh cho biết: “Đây là tập hợp những bài viết ghi chép, nhận định, phê phán về hầu hết mọi khía cạnh đáng quan tâm liên quan đến nền giáo dục của chúng ta, thể hiện tư duy không chỉ của riêng tác giả, mà còn coi như có tính tổng hợp rất nhiều nguồn ý kiến khác nhau của các nhà giáo dục và nhân sĩ trí thức, học giả tâm huyết, trong cũng như ngoài nước.
Cuốn sách này là nguồn tư liệu tham khảo hữu ích cho những độc giả có nhu cầu tìm hiểu về lĩnh vực giáo dục, lịch sử xây dựng phát triển của giáo dục miền Nam Việt Nam qua các thời kỳ từ Pháp thuộc đến năm 1975 và sau năm 1975, mang đến cho bạn đọc góc nhìn từ một người "trong cuộc" về nền giáo dục Việt Nam ở hai thời điểm, hai hoàn cảnh xã hội khác nhau...
"Nói thẳng, nói thật vào các mặt hạn chế của nền giáo dục trong nước để đưa ra và thúc đẩy đòi hỏi cải cách, dù động cơ có tốt đẹp đến mấy thì nói chung có lẽ cũng khó tránh khỏi một sự mích lòng nào đó, nhưng với lòng xác tín vào thiện chí của các nhà đương cuộc và giới hữu trách giáo dục, coi lợi ích của nhân dân là luật pháp tối thượng, chúng tôi hy vọng tập sách nhỏ này sẽ có thể nêu lên được một vài gợi ý quan trọng, trên tinh thần trao đổi nhẹ nhàng, hữu hảo, chấp nhận tranh luận, để tất cả chúng ta cùng hợp sức chăm lo cho nền giáo dục quốc dân được ngày càng khả quan hơn trong một tương lai không xa." - Tác giả Trần Văn Chánh. |
Theo Bảo Minh - Báo Giáo dục & Thời đại